Tôi chạy về phía biển khơi lạnh ngắt, lao mình xuống đó – một nhắc nhở về sự tù hãm mà mình đang chịu đựng mỗi ngày.
Đó là 6 tháng mùa đông ở Chile của tôi, khi thành phố dọn mình vào cuộc cách ly. Trên chuyến xe bus cố “thoát thân” khỏi vùng dịch, cảnh sát chặn tôi lại, vứt bỏ tôi giữa sa mạc, cùng một người phụ nữ lớn tuổi người Peru. Trong 24 giờ sau đó, tôi tìm được một căn phòng trọ. Đó sẽ là 26m2 tôi giam mình nhiều tháng sau đó.
Covid-19 và sự giam cầm bạn đang trải qua sẽ đem đến nhiều hệ quả bạn không hề biết trước. Tôi viết lại những gì đã xảy ra. Tôi muốn bạn can đảm nhìn thấy điều đang hành hạ bạn, và đủ tỉnh táo để đi hết những ngày đen tối.

Bạn sẽ cảm thấy kiệt sức – DÙ KHÔNG LÀM GÌ CẢ: Đây không phải là trạng thái kiệt sức về thể chất. Bạn sẽ tự hỏi sao không thể tập trung vào việc làm được. Tại sao mệt mỏi triền miên? Tại sao không còn động lực để làm gì hết?
Tâm trí bạn đang đối mặt với sự nơm nớp âu lo không bấu víu được vào tương lai. Hãy tưởng tượng trong đời sống bình thường, bạn có nhiều kế hoạch. Đi ăn cùng bạn đồng nghiệp. Đến hè sẽ đi Phú Quốc chơi. Chuẩn bị làm thật chăm để cuối năm vượt KPI. Nói cách khác, khi đó bạn có tay vịn cầu thang để bước lên cao, chạm và sờ thấy được phần tương lai trước mặt.
Bây giờ bạn đối mặt với môt cái cầu thang không tay vịn, và nhiều khi nó đi xuống một hố thẳm mờ mịt bạn không biết rõ. Đầu óc bạn cũng nào cũng bị xoay trong nhiều mớ câu hỏi: bao giờ thứ này kết thúc? Bao giờ mới hết cách ly? Bao giờ mới có vaccine? Bao giờ mới yên chuyện? Bao giờ mình mới được đi nghỉ hè? – Hãy thành thật đếm thử số câu hỏi đang nhấp nhổm trào lên trong ngực bạn – và bạn sẽ có thể đem cân ký chúng – nặng nhọc vô cùng.
Trong ngày cách ly, có ngày tôi truy cập 6 tiếng đồng hồ vào website của các đại sứ quán để tìm đường về nước. 6 tiếng/24 tiếng – tôi đã biến thành công nhân cày các giả thiết trong đầu mình. Không ngơi nghỉ. Không nao núng. Tự dồn bản thân đến sự chờ đợi không hồi kết.
Tôi nằm bần thần trên giường, cảm thấy muốn tan thành mây khói vì không chịu nổi sự tuyệt vọng.

Sự tuyệt vọng làm ta khốn khổ – NÓ KHÔNG CÓ HÌNH DẠNG NHƯNG NÓ ĐANG HIỆN DIỆN: Hãy thẳng thắn mà nói vào mặt mình như thế, hãy nói to trước gương, nói to trong điện thoại cho thằng bạn thân nghe, nói to vào cuộc điện thoại về nhà. Bày tỏ sự yếu đuối không phải là điếm nhác, mà là khẳng định một lần nữa cho bản thân thấy mình đang ở vị trí nào – và mình sẽ phải ý thức về sự tuyệt vọng đó ra sao.
Tôi còn nhớ hôm đó tôi gọi cho bạn thân và bảo: Em muốn đi ra biển, nhảy xuống nước và biến mất. Bạn tôi, một người thô lỗ không gì bằng, đã bảo: Rồi, đi đi, bơi một lúc xem chịu nổi lạnh tới đâu, rồi về nhắn lại anh. Nước biển ở Chile rất gần nam cực và vô cùng lạnh. Hôm đó tôi nhảy xuống biển, bơi được 15 phút, leo lên bờ ngồi run cầm cập. Không ai giúp đỡ (và nếu cảnh sát thấy sẽ bị bắt vì không tuân thủ cách ly). Tôi ngồi đó và nhận thức về sự khốn khổ thân thể mình đang chịu đựng vì đầu óc tự dồn bản thân vào đường cùng.
Đã sau 1,5 năm có Covid-19. Một số người thành công sau mùa dịch. Nhiều phần khác bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe tinh thần. Tôi nằm trong nhóm người sau. Nhưng tôi không thể ngồi yên để bị đốn ngã. Không làm việc tôi sẽ không có tiền sống. Không học bài tôi sẽ mất học bổng. Không giữ gìn thể chất tôi sẽ rơi vào bệnh tật như trước (thứ mà ta tránh bị vào thời Covid-19).
Tôi nghĩ được chừng đó thứ thực dụng đến cùng tận – để ngồi dậy mỗi ngày – làm đủ trò thể dục trong căn phòng hẹp, mà mỗi khi giơ chân sẽ chạm phải giường. Tôi như một con chuột, chạy vòng quanh và đâm đầu vào tất cả các góc tường, nhưng vậy cũng tốt hơn là nằm ngửa ra chờ lở loét, tê dại.
Hãy bơi về phía hoang đảo và ngừng suy nghĩ về “khi nào hết Covid-19”: Càng rướn tới kỳ vọng đó, bạn sẽ càng khổ tâm nếu sau 1 tháng sự ngăn sông cấm chợ không kết thúc, sau 2 tháng thành phố chưa mở cửa, sau 3 tháng cửa khẩu chưa thông. Tôi tập sống như một người lạc trên hoang đảo. Người ấy vẫn phải thở, phải giữ cho cơ hoạt động, phải nhớ về cha mẹ, bạn bè thân yêu, phải làm bài tập cắm đầu, phải vật lộn với cuộc gọi video mờ mờ ảo ảo.
Tôi lạc trên một hoang đảo, vậy thì không nên kỳ vọng về lời hứa “hết cách ly”. Hồi đó ở TP Chile, cứ cuối tuần trên TV lại phát đi bản tin hứa hão: tuần sau sẽ hết cách ly, xong sát đến ngày hết cách ly chính phủ lại nối dài thêm 2 tuần. Cứ đếm 2 tuần như vậy mà thành ra tôi ở đó sáu tháng trời. Vậy nếu cứ ngồi đếm chừng nào hết cách ly, sẽ đến lúc tôi điên lên ra đường đấm vào mặt đứa nào đó.
Tôi biết không thể hành hạ bản thân mãi, nên để tâm trí bơi vòng quanh hoang đảo tự tạo. Ở yên đó. Mỗi ngày đều là kỳ nghỉ hè. Vâng, nghỉ hè mới được nằm phè đến tận sát giờ học bật dậy. Nghỉ hè mới được ngồi ngắm hoàng hôn uống rượu vang thơm ngon. Tôi sẽ nghỉ hè và kệ đời nó liệu có con tàu nào đến cứu không.
Sự ngột ngạt thúc bách đó sẽ dồn bạn vào đường cùng. Bạn nhẫn tâm hơn. Bạn thô lỗ hơn. Bạn ở trong cơn phẫn uất triền miên, trút lên người thân ở chung căn nhà mình, trút lên con cái, hoặc thầm cắn môi nằm khóc một mình. Rồi bạn rơi vào hố thẳm của kiệt quệ.
Nếu sáng nay, bạn tỉnh dậy và thấy ngực mình nặng chịch vì mệt mỏi. Hãy nhìn quanh nhà. Hôm nay đứa con nhỏ của mình không phải bật dậy từ sáu giờ để đi học sớm. Hôm nay mình không phải chạy xe máy 5km để đến sở làm giữa giờ kẹt xe. Hãy mở cửa sổ và nhìn ra bầu trời. Phải chăng đây là kỳ nghỉ hè của bạn? Phải chăng đã đến lúc ta nhìn ngày tháng âu lo dưới một khung trời khác – nơi trí tưởng tượng và chút ấm áp thân yêu có thể gỡ xuống sức nặng đang tì lên ngực bạn? – Hãy thức dậy. Mùa hè và hoang đảo của ta… Tại sao phải ngóng ngoải chờ đợi mùa hè kết thúc nếu nó nằm ngoài tầm với mà ta điều khiển được?

Ngừng lên kế hoạch: Vài năm trước, khi tôi bắt đầu hành trình đi chơi xa, mỗi lần gặp đồng nghiệp, họ hay hỏi: “Em định kế hoạch 5 năm tới là gì?” – Thực lòng không biết trả lời ra sao, tôi bịa đại một đáp án to tát nào đó. Cuộc đối thoại quay trở lại với tôi nhiều lần. Thực ra tôi không cần cái kế hoạch 5 năm đó – nó chỉ vô tình được cài đặt vào tôi vì người xung quanh hỏi. Áp lực của người cùng lứa khiến tôi nghĩ mình cũng cần sắm một cái kế hoạch cho bằng bạn bằng bè. Có kế hoạch không có gì xấu, và tôi biết nhiều bạn tôi thành đạt nhờ những kế hoạch chỉn chu. Nhưng với thời dịch bệnh, tôi hi vọng bạn sẽ gác các kế hoạch sang một bên.
Nếu bình thường kế hoạch là động lực giúp ta có đà hành động, thì trong thời gian này nó có thể làm ta tuyệt vọng vì ức chế. Mọi kế hoạch có thể đổ vỡ vào phút cuối. Những chỉ tiêu, ước tính, kỳ vọng, chuyến đi, cột mốc học tập có thể nhanh chóng tan thành mây khói sau một lệnh cách ly toàn thành phố hay đóng cửa biên giới. Nếu bạn vẫn đóng đinh các kế hoạch vào tim, bạn sẽ đóng đinh chính mình vào sự mắc kẹt ngộp thở.
Khi tôi gặp một người bạn tên Mark ở Las Vegas, ông nói ông dự định sẽ nghỉ hè ở Tây Ban Nha một năm. Ông vừa mua vé xong thì Tây Ban Nha đóng cửa. Vài tháng sau Tây Ban Nha mở cửa lại, nhưng lại cấm du khách từ Mỹ. Vài tháng kế tiếp, dịch bệnh tăng cao, Tây Ban Nha lại đóng cửa. Suốt sáu tháng trời, thay vì lái xe đi du lịch vòng quanh nước Mỹ, ông vật vờ ở nhà mỗi ngày lên mạng check tình trạng di trú, và thấy tiêu cực. Mark kể là sau đó sáu tháng, quá mệt mỏi vì chờ đợi, ông quyết định lái xe đi từ bờ Đông sang bờ Tây và dừng ở mỗi nơi vài tuần. Đến khi tôi gặp Mark, ông đang ở Las Vegas hai tuần để đi leo núi. Ông đã không còn quan tâm khi nào Tây Ban Nha mở cửa nữa.
Mọi kế hoạch đều có thể thay đổi. Ta không thể để kế hoạch hành hạ mình đến kiệt quệ. Nếu ta không thể thức dậy để nhìn thấy bản thân rõ nét mỗi ngày, kế hoạch không còn lý do để tồn tại nữa.
Ta sẽ vượt qua bằng cách tháo bỏ những “hành lý” nặng nề trong tâm trí và cảm xúc.
Khải Đơn
=======

Mời tác giả một tách cafe
Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.
$2.00
mình mời bạn một tách cà phê. Quỹ này thật ý nghĩa, cảm ơn bạn!
ThíchThích
Chị Khải Đơn mạnh mẽ và cố gắng chị nha! Mong chị an ổn cùng năng lượng tích cực.
Em cũng cám ơn thông tin chị chia sẻ về Quỹ “một tách cafe cho quỹ học bổng Bông Sen”.
ThíchThích