Dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu ông…

Thương gửi Murakami,

Năm nay ông không được giải Nobel văn học. Ông lại còn làm tôi thổn thất biết bao chầu cá độ.

Nhưng không sao!!!

Cảm ơn ông, vì đã viết về tuổi 20 loay hoay và u buồn, giống như những tháng ngày tôi đã trải qua. Ở đó, cũng như các nhân vật trong truyện, tôi không biết vì sao mình lại ủ dột và đau thương đến vậy. Tôi chìm vào các cơn buồn mỏi mệt và u tối. Tâm lí tôi đầy màu sắc đen tối. Sau 5 năm, tôi nhìn lại và cười khẩy vào sự vớ vẩn đó. Nhưng khi tôi đọc ông viết, tôi biết đó là 1 ngày hôm qua của mình, có vài người mắc kẹt hoài trong tuổi 20 ấy. Tôi may mắn có những người lớn tốt bụng dắt tôi ra.

Nhưng đó là tuổi 20 đáng giá và tuyệt đẹp, nơi tình yêu nở hoa vô tư và nỗi buồn cũng tự nhiên như sự khôn lớn.

Tôi nhớ hoài cô bé Midori của ông, cô ấy xinh xẻo như mặt trời, tự nhiên như hoa tươi và mạnh mẽ như cỏ cây. Cô ấy hồn nhiên, tự do và yêu thương nhiều khôn xiết. Tôi đã đứng ở một vài ngọn núi vào ngày nắng lạnh, tôi nghĩ hẳn Midori có màu của nắng lạnh, sáng rực rỡ nhưng nhẹ nhàng và hiền dịu vô biên.

Cảm ơn ông vì đã viết Ngầm, đã cho tôi thấy nghệ thuật phỏng vấn có thể siêu đẳng và tinh vi đến thế. Tinh vi nhé, không chỉ là tinh tế, tinh vi đến từng chữ của lời nói, từng cử chỉ nhỏ xíu, từng chút tiết lộ, có thể tạo thành 1 bức tranh của những người từng tham gia Aum và bị bỏ rơi sau này. Thật cô đơn. Đó là 1 đỉnh cao, là tuyệt chiêu của 1 tay phỏng vấn bậc thầy. Ông có tất cả.

Cảm ơn ông vì đã kể về xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, tôi rất thích những bộ não ở thành phố “chốn tận cùng thế giới”, có thư viện của các “giấc mơ xưa”, óng ánh và mềm mại như hư ảo. Tôi rất thích cái nơi chốn mà anh toán sư bị nhốt vào, rất thích sự loay hoay của anh, và rất mừng khi anh tìm cách thoát khỏi nó.

Cảm ơn ông giải thích cho tôi rằng, kí ức có thể là các mẩu vụn bé li ti như hạt bụi trong gió, còn sự nhớ nhung vẫn cứ hoài hoài dịch chuyển như một thế giới – có 1 đời sống riêng của nó…

Cảm ơn ông, trong một ngày từ khung cửa sổ máy bay, tôi đeo tai nghe, nghe thử Norwegian Wood.  Tôi đã  thấy màu của quyển tiểu thuyết của ông khi tiếng nhạc cất lên.

Cảm ơn ông đã giải thích cho tôi rằng Bob Dylan hát như một cậu bé xem mưa. Đó là sự xúc động tuyệt vời mà tôi chưa từng biết.

Dù ông chưa có Nobel văn học và tôi thua độ nhé. Nhưng tôi vẫn yêu ông, rất nhiều, y như yêu tuổi 20 của mình…
Khải Đơn

(*) Cảm ơn anh đã tặng em quyển sách này, vào ngày hôm nay 🙂

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: