Tôi quyết định đọc lại “Phía Tây không có gì lạ” khi nhìn thấy Bảo Ninh được trao giải thưởng Nikkei về văn học tại Nhật. Cuối cùng, sau 20 năm, một tác phẩm văn học được lên án, gọi tên và chỉ mặt cuối cùng cũng được an phận trở về là chính những trang sách đơn giản bên trong nó.

Remaque viết một quyển truyện nhỏ, kể về vài anh lính ở trên mặt trận của thời chiến tranh thế giới thứ I. Đó là các cậu trai mười tám, hai mươi tuổi đang ngồi trong lán và hớn hở chờ đợi một suất ăn kép, với đậu trắng hầm thịt, xúc xích, thuốc lá. Khẩu phần kép ấy có được vì 70 người của đội hai đã bị rơi vào một ổ phục kích của quân Anh, và ko còn một mống quay về.
Chỉ chừng ấy thôi, những chàng trai đang hớn hở cãi nhau và giành đồ ăn với tay bếp trưởng đã có thể ngửi được mùi của một cuộc chiến tranh – mà đôi khi ở đó, cái chết của một đồng đội là cách kéo dài sự sống của bản thân thêm một ngày nữa.
Trong “Phía tây ko có gì lạ”, Remaque định nghĩa lại những thái cực của anh hùng, sự dũng cảm, sức mạnh, sự hèn nhát… bằng một thứ định lượng thực tế có thể chạm vào được. Ông cắt nghĩa 10 tuần huấn luyện quân sự, các chàng trai sẽ học cách liệng Goethe hay Schopenhauer xuống đất để học cách cầm một khẩu súng. Nơi các bài học được định nghĩa trên những gã Căngtorec luôn cao giọng về đường lối, sự trưởng thành, tương lai, lí tưởng và sau đó được hiện thực hóa thành những buổi cọ nhà xí từ sáng đến khuya, những buổi căng thân ra chịu phạt ngoài trời chỉ vì một thằng sĩ quan cao hơn cảm thấy ngứa mắt vì anh lính trẻ.
Các bài học được đo lường lại. Và rồi tuổi hai mươi bị ném ra mặt trận. “…khái niệm về một thử quyền lực mà họ đại diện, chỉ là một sự sáng suốt hơn và một sự hiểu biết nhân đạo hơn. Vậy mà khi chúng tôi nhìn thấy người đầu tiên gục chết thì niềm tin tưởng ấy đã tiêu tan”.
“Họ vẫn còn viết, vẫn còn nói, nhưng chúng tôi, chúng tôi trông thấy những trạm quân y, những người hấp hối. Trong khi đối với họ, phụng sự quốc gia là giá trị cao cả nhất, chúng tôi đã hiểu rằng cái sợ chết còn mạnh hơn nhiều.” –Những người lớn, sĩ quan, chỉ huy nói với họ về chiến tranh và ý nghĩa vô tiền khoáng hậu của nó. Các sự kì vĩ khác chưa xuất hiện. Nhưng trước mắt chàng trai trẻ vừa vào lính, cái chết của người bạn Kemơrich là dấu chấm cuối cùng bẻ gẫy tất cả sự trẻ trung của anh khi tuổi xuân vẫn đang hừng hực bùng lên trước trận chiến.
Người bạn của nhân vật “tôi” từ thuở thiếu thời, tên Kemơrich, bị cưa một chân. Anh chàng nằm chờ chết trong lán quân y. Khi những người bạn đến thăm, sự tàn nhẫn bủa vây linh hồn họ khi họ nhận ra thứ duy nhất đem lại ý niệm cho họ là Kemơrich có một đôi giày cực kì tốt, và nó ko cần đôi giày đó nữa, nó sắp chết rồi. Muylơ ngỏ ý xin đôi giày. Sự ngỏ lời chân thành đến tàn bạo. Nó vừa khẳng định một sự trung thực giản đơn của một chàng trai trẻ – vốn biết chắc thần chết đã đu bám vào linh hồn của bạn mình và chực chờ sẵn – đôi giày kia không còn cần thiết với cái chân đã bị cắt cụt nữa.
Những cơn đau u ám phủ lên ý nghĩ của người viết: “Tôi nhìn bàn tay nó mà ái ngại. Chẳng khác gì bằng sáp: cáu ghét ở chiến hào đóng đầy cả kẽ móng tay, đen kịt lại, như màu thuốc độc. Tôi nghĩ rằng trong khi Kemơrich dã tắt thở từ lâu thì những cái móng tay này vẫn tiếp tục mọc, giống như một thứ cây mọc ngầm, kỳ quái. Tôi tưởng như nhìn thấy trước mắt, chúng đang xoắn lại thành hình trôn ốc, và vẫn mọc, đồng thời với đám tóc trên cái sọ đang thối rửa – như cỏ trên một miếng đất màu mỡ, hệt như cỏ vậy. Sao lại có thể thế được nhỉ?”
“Sao lại có thể như thế được nhỉ?” là một câu hỏi xuất hiện chỏng chơ và gãy gọn ở nhiều đoạn viết. Nó báo hiệu một cảm giác nhạt màu yếu ớt của nhà văn, trong cách ông dần đồng bộ hóa mình với cuộc chiến, với các cái vô lí chăng dày ra trước mắt như thể một chuyện bình thường. Chàng trai trẻ van xin y tá tiêm cho cậu bạn một mũi giảm đau –và phải chi ra mấy điếu thuốc cho mũi chích đó. Chàng trai hét vào mặt bác sĩ trong cơn hoảng loạn để nhận được câu trả lời: “Làm thế nào mà hiểu được. Ngày hôm nay tôi cưa những năm cái chân .”, và “Hết cưa lại đến cắt: suốt từ năm giờ sáng đến giờ đấy anh bạn ạ, mình nói thật cậu biết, riêng ngày hôm nay thêm mười sáu người chết. Cái thằng của cậu đây là thứ mười bảy. Nhất định là phải đến hai chục.”
Cuộc chiến hóa thành các phép đếm. 150 phần ăn và 80 chục thằng còn sống. Thế là mỗi thằng một khẩu phần kép. Thêm 1 thằng chết nữa là 17 đứa. Và sự sống của họ, được những thằng chính trị viên như lão Căngtorec ngợi ca là “tuổi trẻ gang thép”. Tuổi hai mươi của tất cả họ đều chưa kết thúc, nhưng như Kemơrich, Muylơ, Jađơn, nhà văn, các tuổi trẻ đã được chôn xuống nấm mồ như một khúc ca sặc mùi tang ma cho thời gian ngừng lại.
Cuộc chiến của họ, dù mang bao nhiêu ý nghĩa chăng nữa, đã hóa thành một sự vô nghĩa cục bộ phủ kín tâm hồn còn rất thơ ngây của những người lính ấy.
Khi những dòng văn của “Phía Tây không có gì lạ” ngừng lại, lặng lẽ phủ tiếp lên các trang viết sau đó, những ước vọng về sự sống, tình yêu, các cô gái đẹp, mặt đất có cỏ cây và hiền hòa… trở thành ảo giác gây kích thích nỗi đau buồn rơi vỡ trong tim người lính.
Khi tôi chạm dòng cuối của quyển sách, tôi nhớ được cả hình ảnh của Tạo “voi” bên quán cafe hồ Ha-le ngồi gục đầu khóc tả lại cảnh bánh xích xe tăng cán ngặt qua xác người. Tôi nhớ cái vẻ đẹp của Phương, bị bùng lên thành ngọn lửa chết khi trận pháo càn qua. Tuổi xuân của họ, lén lút hoang dâm trong những tình yêu chẳng kịp thành hình, rồi chết không kịp ngáp bên những rìa công sự. Trong lúc ấy, họ nghe tiếng chính trị viên nói về lí tưởng của một cuộc chiến cao đẹp và một lãnh tụ đường hoàng.
Các lí tưởng có mùi máu. Nhưng tuổi trẻ thì ko quan trọng. Sự đánh đổi có hương vị của điều hợp lí.
Khải Đơn
(*) Một bài viết rất cũ. Rất cũ… Và rất nhung nhớ.