Hãy bắt đầu bằng khung hình vuông chật chội mà Saul Ausländer sẽ dắt người xem đi. Đó là một ngày ở trại Auschwitz, năm 1944, nơi Saul và những thành viên trong đội của anh sẽ làm việc cực nhọc.
Saul cũng là tù nhân Do Thái, nhưng những người khoẻ mạnh và có thể làm việc sẽ được đưa vào các đội như anh. Một dạng công nhân tay chân mà các sĩ quan Đức sử dụng.
Việc của họ là giúp những người Do Thái được đưa đến đây thay đồ, treo đồ của họ lên giá, mời họ bước qua cánh cửa. Đóng cửa lại. Lò hơi ngạt hoạt động. Saul và đồng nghiệp đứng im nghe hàng chục ngàn người gào thét.
Xong việc, họ lôi xác người ra khỏi lò, chất lên xe kút-kit, đẩy vào lò thiêu. Sau đó, họ tốn cả ngày để dùng xà bông lau dọn cho sạch lò hơi ngạt, kì cọ sạch vết máu, dội nước cho tinh tươm lại. Và đêm sau đó, có thể lại thêm 10.000 người đến.
Một ngày nọ, trong đống thịt người vừa toi đời dọn ra, những người trong đội của Saul kinh hoàng tìm ra một thằng bé còn ho sặc sụa. Nhưng chỉ vài phút sau, cậu bé cũng bị tay bác sĩ người Đức bị miệng cho chết luôn. Saul chứng kiến tất cả. Từ khoảnh khắc đó, trong con người Saul nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: Anh sẽ tìm cách để cậu bé được chôn cất và được nghe lời kinh giảng tiễn đưa. Để làm được việc này trong trại, Saul có thể chết và bất cứ ai giúp anh cũng có thể chết.
Bộ phim quay ở hai góc, sau lưng Saul và trước mặt Saul. Khung hình dạng camera cầm tay 35mm. Không có đại cảnh.
Chưa có cảnh tượng nào về các phim Phát xít Đức được mô tả kinh khủng đến vậy. Hoàn toàn không có máu me, cũng chẳng có gì bạo lực, thậm chí hầu hết cảnh có xác người trong lò thiêu đều được quay mờ nhạt và thoáng qua đến nỗi chẳng ai kịp thấy gì kinh tởm. Cái kinh tởm mà László Nemes – đạo diễn bộ phim – làm được, có lẽ là cho người xem có được cảm giác thực sự về cái kết nối của những hành vi bạo tàn này với sự tỉnh táo của con người.
Nhiều lúc, giữa phim, nhận thức về lò thiêu phi lý đến mức tôi đã tự hỏi tại sao chừng ấy ngàn con người, cả kẻ mạnh lẫn kẻ yếu, phải khổ sở khốn cùng ở đây, cả kẻ khốn cùng lẫn người cầm súng tự đắc. Hành vi của họ đã vượt quá sự nhận thức thông thường của tôi về con người.
Lò hơi ngạt là một biểu tượng không phải vì lợi ích, không vì thù địch, nó không còn là sự sung sướng được trả đũa, nó chỉ giống một cái lò mổ thịt người.
Vì một động cơ huyền bí nào đó, một cỗ máy bí mật đã lên cót, từng người như Saul, như đám sĩ quan phát xít, và như mấy chục ngàn người lê bước vào lò, họ chậm rãi, như bị thôi miên và được thuyết phục bởi một ý chí siêu nhiên: bèn làm thịt nhau sau đó thiêu thành tro bụi. Đó có phải là cách mà nền văn minh của con người bị sụp đổ? – Từng tế bào của loài người bị thôi miên để tiến tới huỷ diệt trong sự tự nguyện. Có kẻ kháng cự yếu ớt, kẻ im lặng chịu đựng, kẻ hăm hở thực hiện, kẻ nồng nhiệt nghĩ ra những kế hoạch hào nhoáng giết được nhiều đồng loại nhất. Có bao nhiêu lần nhân loại đạt tới sự đồng điệu đó để huỷ diệt lẫn nhau?
Son of Saul giống một bộ phim tài liệu quay bằng Go-pro qua vai, nhưng khung hình rất đẹp và kỹ lưỡng, để người xem từ từ bị đau trước những trải nghiệm mà Saul đi qua từng giờ, phút ở trại, và cả ý muốn hoang đường của anh: tìm một thầy giảng(Rabbi) để làm lễ vĩnh biệt và chôn cất đàng hoàng đứa bé kia giữa trại tập trung.
Saul đã quá quen với chuyện chờ hàng ngàn người Do Thái lầm lũi cởi quần áo, trần truồng, đi qua cánh cửa, đóng lại, bịt miệng đứng chờ họ gào thét đến chết, xong lôi mớ xác ra, chất vô từng ngăn của lò thiêu, rồi đem tro đi rải xuống sông. Tại sao giờ đây anh bỗng nhiên có niềm mong mỏi kỳ quặc là để một người được được chôn cất tử tế trong tiếng hát của bài khấn nguyện tiễn biệt?
Tại sao Saul lại làm vậy? – Có lẽ đó là cách duy nhất để những tháng trong trại của anh trở nên có ý nghĩa, có mục đích và có nhu cầu khiến anh bước về phía trước. Con người tự đi tìm mục đích cho mình. Con người cần có một vết bấu vào đâu đó trong sự sống để biết mình còn sống và phải sống. Bánh răng của lò hơi ngạt đã làm con người mất hết lý trí mà họ từng có, đến nỗi nếu nhìn từ flycam, đó chỉ là một bầy kiến đang chui đầu vào đống lửa. Saul cần một động cơ để không lao vào đống lửa đó.
Những đồng nghiệp của anh, đám đàn ông với gương mặt hung bạo, đã phải đeo lên thể xác bề ngoài gồng cứng để tỏ ra tàn bạo với người xung quanh. Như vậy họ mới sống còn được mỗi ngày đều lôi kéo, ôm, vứt xác thể người vào lò lửa vận hành hết công suất.
Saul không gỡ bỏ nhân tính và cất đi mãi được. Anh không có cái hung bạo vỏ bọc để tự vệ. Mặt anh phẳng lì như sáp. Nó che giấu một cuộc quỵ ngã để khóc thương cho giống loài trong vòng bánh răng cưa tàn bạo nhất của nhân loại. Saul không khóc bao giờ. Những người đàn ông chỉ nhìn nhau, đấm nhau, cắm cúi xúc tro người đổ xuống sông.
Chỉ một lần Saul quỳ xuống, bình yên duy nhất xảy ra, anh được thấy thằng bé ngủ, thanh thản trong tấm bao tải quấn xác người. Nó là người. Nằm ngủ trên salon phòng bác sĩ. Nó không phải là hàng ngàn thây ma các anh vẫn vội vàng nhét vào lò than củi mỗi đêm ngày.
Vài năm trước, trong một buổi đọc sách ở viện Goethe, ông viện trưởng có giải thích một câu hỏi của người tham dự là với nước Đức, vẫn còn nhiều xung đột trong việc định tội một người là “phát xít”.
Trong vài tranh luận từ một quyển tiểu thuyết, người ta nói về chuyện người đóng cánh cửa nhà thờ để cho hơn 300 người bị thiêu chết có phải đã phạm tội ác không, khi cô ấy phải thực hiện nhiệm vụ đó như một công nhân lao động bình thường, cùng nhiều lính canh khác.
“Son of Saul” làm tôi nhớ đến sự lưỡng lự khi phân định tội ác mà quyển tiểu thuyết từng nói đến. László Nemes cũng không cố gắng phân định cái gọi là tội ác – lòng nhân như nhiều phim, sách về phát xít đã từng làm. Bộ phim không cố gắng kể một câu chuyện về anh hùng, về người sống xót. Nó kể câu chuyện về từng phân tử bên trong con người đã vận hành thế nào, khi họ là nhân chứng của cái ác, khi họ là một phần trong đó với cánh tay đầy máu, khi khẩu trang bịt mặt của họ cũng đầy máu.
Con người sẽ làm gì khi bối rối chứng kiến lương tri ăn những nhát đòn hung bạo và chỉ được chọn giữa thở và không thở, đau và không đau, họ sẽ chọn bảo vệ thể xác hay linh hồn? Người ta sẽ xoay sở thế nào khi sự sống khủng khiếp quá mức chịu đựng, hay sẽ phải bịt miệng lương tâm lại để được im lặng đi qua vùng chết?
Son of Saul lý giải một cách lạc quan khó chịu, về cách thức sự lương thiện, giống như một dịch bệnh kỳ diệu và bí ẩn, lan ra như giọt nước ẩm chảy xuyên qua lớp gỗ cứng vào mùa mưa.
Có thể nhiều người xem khó chịu và cá nhân tôi thành thật nghĩ rằng những khán giả không chịu nổi sự tuyệt vọng hay những hình ảnh tồi tệ không nên xem phim này.
Mùa Oscar này, tôi đã xem Spotlight, The Revenant, Room, Son of Saul, Mad Max, Bridge of Spies, Danish Girl và tôi nghĩ Son of Saul là câu chuyện tôi sẽ nhớ.
Khải Đơn