Tôi hơi thất vọng vì câu chuyện mà đạo diễn Alejandro González Iñárritu sẽ dùng để “thách thức” diễn viên Leonardo DiCaprio mà tôi theo đuổi từ lâu.
Câu chuyện của Revenant đơn giản, chỉ là một cuộc sống còn của người đàn ông tên Hugh Glass làm nghề thợ săn vào năm 1823. Phim thảm họa và phim sống còn “gây khó” cho người xem ở chỗ, người xem gần như biết tỏng câu chuyện sẽ đi về đâu, thắt nút chỗ nào, vai ác làm gì, sống sót ra sao.
Cũng ở điểm yếu nhất này của thể loại phim, Alejandro González Iñárritu chứng minh ông đặc biệt như một mũi khoan, sẽ chọc thủng mọi tầng đáy của xúc cảm con người. Và ở đây ông có một công cụ không đối thủ, Leonardo DiCaprio.
Leonardo DiCaprio cho khán giả thấy đằng sau một đôi mắt nhìn thẳng vào máy quay là quỹ đạo bất thường ra sao của cảm xúc con người. Trong Revenant, Hugh Glass mà Leo thủ vai sẽ không được nói nhiều, không được hoa chân múa tay, không được trá hình cảm xúc bằng những hành vi bao biện. Glass nằm im nhìn con trai mình bị giết chết, nằm im nhìn bão tuyết nổi lên, nằm im nghe con gấu cào cấu ngực mình, nằm im nghe gió tuyết rít trong đêm và thân thể mình không thể cử động. Glass đã diễn tả cảm xúc bằng cách nào? – Leo đã làm trọn vẹn tất cả trong sự câm lặng cùng cực của người đàn ông, vừa bất lực toàn vẹn vì thân thể nát nhừ thương tật, vừa thẳng thừng thiêu đốt kẻ đối diện. Chỉ bằng đôi mắt và tiếng rên.
Đất diễn duy nhất mà Leo được phép sử dụng trong phim này, suốt 156 phút, là im lặng, thở, ú ớ, nhìn, mím môi. Trong sự câm lặng đó, Hugh Glass đã kéo người xem thấu cảm với sự mất mát của ông, giấc mơ hạnh phúc, ám ảnh trả thù, sự điên loạn quẫy đạp trong giấc mơ và những đêm giá lạnh. Sự im lặng là tất cả “vũ khí” mà Leo đã sử dụng cho vai diễn phức tạp và mỏi mệt đến cùng này.
Rất nhiều cảnh trong phim quay cận mặt, như một ưu thế mà Leonardo Di Caprio có thể khoét vào cảm giác của độc giả. Hugh Glass đau vì vết thương lở, nằm cứng mình nhìn kẻ khác kéo mình xuống mộ và phủ đất lên người mình. Ông ngủ trong trời tuyết, mơ thấy người vợ đã bị giết. Ông hút từng miếng tuỷ trong xương động vật chết, bò đi trong tuyệt vọng .Ông thấy mình đứng ở một nhà thờ đổ nát, gặp lại con trai, ôm chầm lấy thằng bé, và quỳ mọp xuống khóc khi nhận ra ảo tưởng của mình đã bị cái chết ăn sạch sẽ, kể cả tình yêu đã khiến ông che chở cho con từ cuộc chiến cuối cùng khiến ngôi làng bị huỷ diệt. Tất cả các cảnh trên đều có cận cảnh, mà chỉ một ánh mắt rung chớp cũng đủ người xem hiểu dưới sự tuyệt vọng này, người đàn ông ấy tồn tại để làm gì.
Khi đọc một số bài viết nói về quá trình quay Revenant, bộ phim sử dụng cảnh thật, trời tuyết thật, có khi xuống -30 độ C, và các diễn viên đã vật lộn thật trong thời điểm giá rét, lên xuống dưới dòng sông băng, đi bộ trong cánh đồng tuyết vô tận. Và quả thật, toàn bộ 156 phút của bộ phim lạnh cóng. Những đại cảnh thần thánh được quẫy đạp tự do trên màn hình, người xem thỏa sức tưởng tượng và trải qua tới tận đáy cái xúc cảm mà con người bị bỏ rơi trong thương tích giữa rừng phải chịu. Tất cả những bầu trời xám mù, dòng sông băng, buổi mưa tuyết, trời bão trắng nhờ khiến cảm xúc của bất cứ ai cũng như bị ngắt mạch giữa dòng, khi chứng kiến và nhận ra con người dường như hoàn toàn bất lực trước tự nhiên. Nhưng rồi nó lại trỗi dậy… quẫy đạp không bao giờ ngừng…
Tuyệt nhiên vững chắc trong phong độ, Alejandro González Iñárritu hoàn toàn làm hài lòng những người xem muốn đi kiếm tìm và đào bới vào sâu tận ngõ ngách của tinh thần con người, như cùng cách tôi từng mệt mỏi khi xem Birdman hay Babel vài năm trước. Ông diễn giải động cơ để con người đi tới, động cơ họ tự huỷ hoại thân thể, động cơ sống còn và rồi ngược lại bất chấp cả cái chết, đồng thời những khoảnh khắc họ bị bẻ gãy chỉ bằng một động tác nhỏ hoặc một lực đẩy chạm vào cội nguồn đã chảy ra dòng cảm xúc đó.
Glass có mọi động cơ để bò lết đi trong băng tuyết, chạy khỏi nhóm người da đỏ đi tìm con, trôi theo dòng thác mà không chết, chỉ vì tiếng nói của người vợ. Glass quyết sống mái với kẻ giết con mình, cũng vì giọng nói đó, vì ý niệm ôm lấy con trai, vì lời hứa ở bên con. Trong The Revenant, viên đá chặn dòng chảy báo thù là câu nói của người Sioux da đỏ đã cứu sống Glass: “Sự trả thù nằm trong tay Đấng sáng tạo”.
Cảnh cuối cùng của bộ phim, Glass đứng trước dòng sông, đối diện những người da đỏ săn da trắng thù địch. Con người đã tìm mọi cách, không bao giờ mất hi vọng, đã vượt qua cái chết trong hàng đêm dài băng giá, bất an, súng đạn, thú dữ giờ còn gì? – Thân thể ấy được kiến tạo bởi Thượng Đế, được nuôi dưỡng bởi tình yêu của người da đỏ, được tái sinh bằng những tuyệt vọng đến tận cùng – và giờ nó đứng đó, để hứng cơn thả lỏng cuối cùng – một sự viên mãn toàn vẹn của bất hạnh. Một cận cảnh không còn gì.
Glass chỉ thở, tiếng thở có giá lạnh, có ánh mắt nhìn tuyết trắng, nhưng liệu nó có còn giữ được người đàn ông ấy không?
Đây không phải vai diễn của Leonardo khiến tôi hài lòng nhất, có lẽ vì bộ phim đã không là một chỉnh thể toàn diện, nơi các nhân vật phụ bị mờ nhạt quá đỗi trước kịch bản viết chỉ để dành riêng cho anh. Nhân vật ác dường như không còn đất để diễn gì hết luôn. :)). Vì thế bộ phim không hoàn hảo.
Động cơ của cái ác mờ nhạt, ứng xử và diễn giải về cái ác mỏng, thậm chí nhiều đường dây của các nhân vật liên quan lỏng lẻo.
Nhưng Iñárritu vẫn quá giỏi, khi diễn giải về một con người tuyệt vọng cùng cực để phải sống – và rồi sống đến lúc không hiểu vì sao mình ở đó và còn thở, khi sự tuyệt vọng không còn chút gì trong sinh lực nữa.
Khi một con người đến cả sự tuyệt vọng cũng đã tan đi mất, thì cái chết liệu có ý nghĩa gì?
Khải Đơn