Một buổi chiều, tôi đang bỏ chiếc bánh bột lọc vào miệng, và anh bạn hỏi: “Em có yêu Phan Rang không?”
Hẳn bạn cũng từng nhận được những câu hỏi tương tự khi đi chơi xa.
Chắc khởi sinh của câu hỏi bắt nguồn từ nhiệt thành của người địa phương, muốn thấy khách đến nơi cảm thấy ra sao về nơi mình yêu dấu và trưởng thành. Không có ngụ ý hay đòi hỏi gì quá đáng.
Cậu có yêu Huế không?
Chị có yêu Đà Lạt không?
Em có yêu Hà Nội không?
Tôi không trả lời các câu hỏi trên.
Với tôi, tình yêu là một sự nghiêm ngặt. Nó không thể hiện được bằng cách cười xuê xoa gật đầu để làm hài lòng người gặp gỡ. Tôi không đủ can đảm để nói về điều chính mình chưa rõ, và thú nhận tình yêu xã giao là điều nông cạn không cần thiết.
Yêu một nơi cần rất nhiều thời gian, và thậm chí khó hơn cả việc yêu một con người.
Có thể đó là mùi hương khiến ta muốn quay trở lại nơi đó. Một buổi sớm ngửi thấy mùi ngai ngái nhẹ của bùn bên sông, và thỏang qua hương lá bưởi được nấu trong nhà hàng xóm nào đó. Rồi bay lên cao, quyện với mùi chuối nướng của bà già đang trở quả chuối trên xe hàng đầu xóm. Đó là mùi ở ngôi làng nhỏ tại Hậu Giang. Tôi nhớ và muốn quay lại đó nhiều lần. Tôi không chắc đó có phải là yêu không.
Hay một chiều muộn trời buốt dần đến đau hết cả bàn tay, từ rừng mưa đi bộ ra, tôi ghé một hàng ăn tối của cô chủ người Hồi giáo còn mở trong thị trấn. Một đĩa cơm với bảy loại rau khác nhau được thái sợi chỉn chu, thơm phức, cơm nấu với hương liệu có màu hồng và cá khô nướng. Tôi phối hợp “hai món” rừng mưa và cơm của cô hàng thành tổng thể của nhớ nhung. Và quay lại đó như nghi thức. Sáng sớm chạy bộ vào rừng với hai cậu bạn. Tối trở ra và gặp lại cô. Khi chia tay nhau ở ga tàu, bạn hỏi lần tới cậu muốn làm gì ở Sungai Kolok, tôi bảo: “Tôi muốn chạy bộ vào rừng và sau đó chạy ra ăn cơm ở tiệm đó!” – Mùi rau của cô không giống ở đâu trong khắp hàng quán ở miền Nam Thái Lan và cả những tiệm ăn ở Malaysia mà tôi tìm được. Nó được thêm bớt một chút xúc cảm của ngày kiệt sức, khi giác quan đã uống no niềm vui trong thiên nhiên, khi trở về và đói khát tiếng trò chuyện của người trong thị trấn vắng tanh và lạnh buốt. Tôi tự vấn lòng chắc đó không phải đĩa cơm ngon nhất, nhưng đó là cảm giác trọn vẹn nhất mà ta muốn giữ lại trong tim – hay khao khát dựng đi dựng lại phối cảnh đó để thỏa lòng nhung nhớ.
Và có một đêm tối trời ở Osaka, tôi đi bộ suốt những quãng đường hầm ngang dọc dẫn từ nơi này đến nơi khác. Ông nhà báo dặn hãy nhớ các vị trí, vì Osaka là nơi có hệ thống đường hầm cực kỳ phức tạp, hơn 100 năm tuổi rồi. Chẳng có gì nhiều trong đó, lối dẫn lên khách sạn, lên đường, lên nhà ga, các thương xá dưới hầm, tiệm tạp hóa đâu đó, vài người lang thang chơi nhạc. Và tôi bị lạc thật. Cứ đi như thế suốt ba giờ đồng hồ, và kệ cho bản thân đi lạc để thỏa cơn tò mò trong cái đường hầm kỳ dị mà ông nhà báo nói. Trời lạnh chỉ vài độ. Nhưng đến lúc thấy cổ mình đã ướt đẫm vì mồ hôi và nóng bổi hổi, tôi bước lên lối dẫn lên đường phố. Từ đó rẽ vào một tiệm ăn khuya nhỏ xíu. Người chủ tiệm bán mì, vài món chiên. Người đi làm về muộn ngồi ăn. Tôi không nghe được đối thoại nhưng họ có vẻ như biết nhau cả. Lát sau, ông nhà báo nhắn tin đến ngồi ăn cùng. Chủ tiệm quen ông, và đây là tiệm ông hay ghé khoảng 12 năm nay. Hai chúng tôi ăn vặt và uống đến 4 giờ sáng, trước khi ông nhà báo chuẩn bị quay về nhà đưa vợ ông về quê. Ông kể về Osaka mà ông đã sống 70 năm qua, về ngõ ngách hóa thành cao ốc, về tòa soạn báo cả đời ông làm việc, về quán ăn mà chúng tôi đang ngồi. Đường hầm + đi lạc + trời lạnh + quán ăn bé – tôi chưa bao giờ kể ông nghe sau đêm ăn khuya đó, tôi quay lại quán nhiều lần, bằng nhiều cung đường hầm khác nhau, và bác chủ tiệm già cuối cùng đã hỏi chuyện với tôi bằng tiếng Anh (lạy trời, từ đầu bác ấy chẳng nói tiếng Anh gì hết).
Đó là cách tôi yêu một vùng đất.
Một nơi chốn gắn ta với kỷ niệm, sự thân ái, thấu hiểu, hoặc một cảm giác mỏng manh níu giữ điều lành trong tim. Khi gọi về, nơi đó được dựng lên như thế giới lưu trữ cơn sóng xúc cảm. Đó là bờ biển chờ đợi sóng đập vào, là dư chấn lao xao giữ cho tâm can mình yên lặng. Như vô số tế bào thần kinh cấu tạo và chạy với vận tốc ánh sáng trong tâm trí mình. Như tim ta đập từng nhịp khác đi, dồn dập kịch tính hay chậm rãi quên mất nhịp nào đó.
Tình yêu là sự cẩn trọng. Yêu một vùng đất là cơ duyên, là đôi lúc lỡ dở không biết khóc hay cười, là sự hưng phấn kỳ dị trong phối cảnh khác biệt, hay có khi chỉ vì cơn hờn mát vì điều gì đó không lành xảy ra. Là tất cả.
Đừng hỏi ai đó: “Em có yêu Phan Rang không?” “Cậu có yêu Thái Lan không?”, “Anh có yêu nước Mỹ không?”, “Bạn có yêu Việt Nam không?”
Một số câu trả lời có thể hóa thành xã giao (trời ạ, chúng ta xã giao hàng vạn khỏanh khắc mỗi ngày). Nó tạo ra sự khó xử và giả vờ kỳ quặc. Nó biến đối thoại thành nông cạn, nhạt nhẽo và vờ vịt.
Hay để tỏ ra thành thật, không lẽ tôi lại nói rằng: “Không, tôi chẳng thích gì ở đây cả.”
Câu trả lời kiểu này, e rằng cũng nông cạn và nhạt nhẽo không kém gì cái gật đầu nồng nhiệt đầy mùi xã giao.
Khải Đơn