“… tôi xin được giới thiệu ở đây, cô Angie. Angie là nhân viên bán vé tàu ở St.Louis của chúng ta. Và hôm nay cô muốn hát ca khúc gì?”
Angie bước lên sân khấu. Đó là một phụ nữ da đen thấp người và hơi tròn dáng. Cô còn mặc nguyên bộ trang phục xám có áo khoác ngoài màu đen của nhân viên bán vé tàu trong thị trấn. Phần bên phải mái tóc hơi bù xù vì gỡ chiếc nón đồng phục xuống, Angie lúng túng nói cô sẽ hát “Summertime”.
Chừng 3 phút sau đó, quán bar B.B’s nép mình gọn trên con đường vắng về đêm như hóa thân thành một sân khấu nhạc Jazz lộng lẫy, nơi một nữ danh ca đang say sưa cùng tiếng đàn piano quấn quít ngâm ngợi.
“Summertime, and the livin’ is easy
Fish are jumpin’ and the cotton is high”
“Mùa hè, và cuộc sống dễ chịu biết bao…bầy cá nhảy và cánh đồng cotton vươn cao…” Angie nhả từng chữ, nhấn nhá từng từ nhỏ, hơi dồn trong cổ họng ngân ra như tiếng rung đang chảy trên dòng sông Mississippi. Những người khách lạ ngồi bên dưới đứng dậy, không thể tin nổi trước mắt mình là một phụ nữ bán vé tàu, mà đó phải là một cai sĩ nào đó từ thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước quay về. Angie biến sân khấu thành lãnh địa của cô, tiếp theo bằng những ca khúc cao vút, phá tung vòm sân khấu cao hai tầng bằng mãnh lực của hơi mạnh mẽ và giọng khàn đục.
Đó là đêm ở thành phố St. Louis, bang Missouri, bên bờ sông Mississippi, giữa vùng đất của những người da đen đốt cháy thân mình trên cánh đồng. Họ khởi nguồn cho những ca khúc nhạc Jazz đầy tâm sự bên giếng nước, cánh đồng và lều cỏ nô lệ. Họ dồn vào đó bao thô ráp cảm xúc và say đắm tình yêu – một thứ tình yêu thành thật, trần tục và mê mải. Đó là con phố vắng người giữa tuần, quán nhạc chẳng vẻ gì hào nhoáng hay hứa hẹn. Nơi này dành buổi tối giữa tuần cho những cư dân yêu nhạc Jazz hay Blues của thành phố được thỏa lòng biểu diễn. Và giọng ca của Angie hùng hồn miêu tả đây là xứ sở đã ra đời giọng ca mê mị lòng, tiếng kèn day dứt và từng nốt piano cuồng nhiệt. Bên dòng sông, hệt như cả trăm năm trước, người ta vẫn mải mê hát các ca khúc chậm rãi, mỏng tang xúc cảm hay đau đớn mất mát…
Đêm đó Angie hát say sưa bốn ca khúc, khi cô dừng lại ở “Star fells on Alabama”, những người khách trong quán lặng người đi trong tiếng kèn saxophone day dứt cuối bản nhạc, như ca từ cô nhấn nhá “tay anh quấn chặt lấy em… và ánh sao rơi trên bầu trời Alabama”. Tôi bước ra con đường trước cửa quán lúc 11 giờ đêm, thấy phố như rùng mình sống lại sau giấc ngủ dài từ tám giờ tối. Nhạc quán xung quanh lên đèn, tiếng piano, tiếng guitar va chạm, tiếng kèn sax thoát ra từ vài cánh cửa quán mở vội, vài người dẫn chương trình kể một chuyện cười cho cả quán. Khách nghe nhạc đứng trầm ngâm trước những tấm bảng cửa quán ghi chi tiết từng ban nhạc, ca sĩ và thể loại nhạc họ chơi.
Bầu trời lạnh buốt khi gió buông mình len qua cửa hông quán. Người chơi kèn trẻ măng đứng tít phía sâu trên sân khấu còn rõ những sợi lông tơ trên má đang gồng cứng cổ họng để đẩy âm thanh vào cho một đoạn tấu cuối bài. Cánh tay anh chậm rãi đưa đẩy cây saxophone, và những thân mình người nghe nhịp nhàng chuyển động từ bóng tối theo vũ điệu của kèn như phép trò thôi miên bí ẩn.
Tôi đang ở đây, thành phố từng nuôi dưỡng Miles Davis. Người chơi kèn trumpett và piano nổi tiếng đã từng hăng hái chơi nhạc đâu đó trong quán bia hay một câu lạc bộ vô danh khi vừa tuổi 15, giữa đồng nghiệp trẻ măng đầy bỡ ngỡ và tiếng rì rầm thán phục của khán giả như đêm đó dành cho cô Angie bán vé tàu của tôi.
St. Louis dung chứa một dòng sông Mississippi cắt ngang qua thành phố với một bảo tàng nhạc Jazz giàu có và màu sắc. Con đường dài san sát quán bar và khán phòng đêm đêm sáng đèn, đong đưa trong từng giai điệu xưa cũ hun hút hay tò mò ngắm nhìn tay nghệ sĩ trẻ với ánh nhìn kiêu ngạo bước lên sân khấu. Dòng sông của âm nhạc. Ngọn gió trên đồng xa đưa người nghệ sĩ từ nông trang khô rốc mùa hè đến với ánh đèn và khói thuốc chìm sâu. Họ phóng lớn những rung cảm yếu ớt và câm lặng từ đời sống, từ khi bàn tay chạm vào bông cotton trắng đến khi anh mất em giữa cánh đồng vàng mùa gặt… hóa thành nhạc jazz.
Tôi hít vào một hơi thở lạnh, bỗng nhiên nhớ da diết lần đầu mình nghe một bản của Miles Davis là ở Fukusima, cũng là một sáng trời buốt. Tôi lạc lõng vô cùng giữa con đường lát gạch gập ghềnh trên phố nhỏ. Fukusima vắng tanh sau những ngày động đất tan hoang. Mọi người cúi mặt bước nhanh. Tiếng kèn của Miles Davis vang lên từ một tiệm đĩa. Người chủ tiệm liệu có quá buồn như tôi, mà buộc phải bật lên một khúc kèn nấn ná và trầm ngâm? Hệt như khi ta bối rối đến mức không hiểu mình phải đứng dậy cách nào trong cơn mưa lạnh ướt mình và cơn đau lịm đi trong máu thịt?
Hôm ấy ở Nhật, tôi mua hai đĩa CD đầu tiên của Miles Davis, giữ mãi thứ âm thanh theo tôi nhiều năm sau này… cho đến đêm ở cạnh dòng Mississippi, tôi ngỡ mình tỉnh một giấc ngủ dài, để gặp gỡ bạn hữu của người chơi kèn đã được nuôi nấng từ con phố hẹp đầy bất an như thế. À, đây là “Bible Belt” nổi tiếng của miền Nam, nơi âm nhạc vừa mê đắm nhục cảm, vừa thiêng liêng trong Ngôn lời của Đức Chúa, vừa cất lên giữa khu ổ chuột tối đen, nhưng cũng âm vang lộng lẫy giữa khán phòng lễ Chúa Nhật.
Suốt nhiều ngày dài sau đó trên con đường miền Nam, tôi băng qua đồng bông vải cotton trắng xóa khô cằn nghiêng thân phủ đầy màu cát khô cháy. Tôi nhìn thấy những dải ngô kéo dài vô tận, hệt như một cảnh quay trong bộ phim kể về ca sĩ Muddy Walters đeo cây guitar rời khỏi nông trại tung đỏ bụi mù để ra thành phố, đi tìm đường chinh phục thế giới bằng tiếng ca giữa cánh đồng nô lệ. Một giấc mơ hào nhoáng bạc tiền, đẫm máu, đầy ma túy và yêu đương… để một thế hệ nghệ sĩ như Little Walters hay Etta James kiêu hãnh bước lên sân khấu.
Giữa những giờ dừng chân đường xa, tôi chạm tay vào đoạn nước hiếm hoi của con suối ăn vào dòng sông Mississippi, nghe đâu đó có lời hát “Fish are jumpin’” mà cô bán vé tàu vừa ngân lên. Tôi ngủ bên một bờ sông Mississippi, bật trên radio ngân vang tiếng kèn lả lướt và chuyện trò không dứt, từ những bản nhạc jazz cũ kỹ, đến những ca khúc bluegrass nhiệt thành, hay vũ điệu cajun say đắm, ồn ào mà người ta choàng vai nhau khiêu vũ ở New Orleans.
Từ nơi đây, sông Mississippi tắm đẫm cánh đồng mùa khô hạn, nuôi nấng tâm hồn mê mải bay cao. Dòng chảy tạo hình ra những kẻ phiêu lưu tóc bạc bụi đường như Mark Twain, tỏa thành kẻ ca hát giữa trời sao và gió lạnh, giữa đau đáu đói nghèo, ấm ức, khốn khổ và yêu đương chẳng rời:
“Lord have mercy on this land of mine
We all gonna get it in due time
I don’t belong here
I don’t belong there
I’ve even stopped believing in prayer”
Khải Đơn
Comment