Mùi dầu gió

Xóm tôi ở sát lưng cánh rừng. Hàng xóm có bà Tư với ba đứa con trai. Bà không có chồng. Bà Tư gầy như thanh củi nước, thường vấn khăn kín đầu, mặc bộ bà ba màu nâu mờ. Anh con trai cả của bà cao lớn nhất xóm, thường đi làm quần quật cả ngày. Bà Tư bệnh yếu thường xuyên. Mỗi khi bà qua nhà tôi chơi, mùi dầu gió con ó xực vào nhà. Bà ngồi nói chuyện với mẹ. Mùi hương đó xanh huốc dần, đậm ngạt thở. Mới 5-6 tuổi, tôi nói to: “Con không thích mùi dầu gió bà Tư”. Bà Tư với mẹ nghe vậy thì cười phá lên. Tuyên ngôn của tôi có phần vô nghĩa.

Tôi không cho bà Tư ôm hay ẵm bồng vì ghét mùi dầu gió xanh con ó xây xẩm mặt mày. Bà về rồi mẹ mới bảo bà Tư yếu người, lúc nào cũng thấy lạnh nên xức dầu gió.

Gần sáu tuổi, răng tôi sún hết cả. Một buổi tối đau răng không ngủ được, tôi cứ vậy mà khóc. Hồi bé tôi có biệt tài khóc hàng giờ, khóc từ lúc đến lớp tới khi tan trường, tới khi cô giáo quá mệt bảo mẹ tôi thôi không gửi trẻ nữa vì tôi khóc cả ngày làm cả đám trong lớp khóc theo. Đau răng thì càng khóc nhiều. Bệnh viện ở xa tít nơi nào hồi ấy tôi không biết, còn bác sĩ khám răng thì phải đợi ngày mai trời sáng mới đi được.

Bà Tư qua thấy tôi khóc bèn về nhà đem qua một hộp bánh bằng thiếc. Trong hộp bà có chai dầu gió khuynh diệp gói trong vài lần vải. Hồi đó nơi tôi ở hay thấy mọi người dùng dầu con ó, chứ dầu khuynh diệp là lần đầu tiên tôi thấy. Bà Tư nhỏ vài giọt ra ngón tay, bảo tôi há miệng rồi rịt vào chỗ đau. Mùi khuynh diệp ngái hơn, nồng hơn, tràn đầy cuống họng, cay xè rồi dịu lại. Có thể vì dầu cay quá tôi quên bớt đau, ngừng khóc. Hồi đó xóm còn chưa có ai có TV, mãi sau này đi thật xa khỏi làng, mỗi lần xem TV thấy quảng cáo dầu khuynh diệp thì tôi nhớ bà Tư và chiêu làm đỡ đau răng sâu của bà.

Người già nghèo ở quê coi chai dầu gió như thánh dược. Đến nỗi tụi tôi hay đùa là các bà xức dầu gió cũng như giới trẻ xịt Chanel vậy, phải có mới tự tin sải bước trong đời.

Một lần tôi đi xe đò về nhà ngoại ở Cần Thơ. Trên xe có mấy chị lấy khăn mùi xoa che kín mặt, đội nón, mặc áo khoác kín mít, đứng ngồi không yên đợi lúc say xe đò thì ói. Anh lơ xe thỉnh thoảng sẽ đi chào bọc nylon một vòng, ai ói không, nghe rất xởi lởi chân thành. Rồi thể nào tới khúc lên phà Mỹ Thuận hay phà Cần Thơ các chị cũng sẽ đồng loạt ói mật xanh mật vàng vì mùi dầu máy quá nặng, xe thì lắc lư thắng gấp liên hồi.

Có một bà lớn tuổi ngồi kế mẹ tôi với tôi. Bà cầm chai dầu gió bám lấy ghế xe đi lên hàng đầu, bảo mấy chị xức dầu đi cho bớt mệt, xong bảo xức dầu vô mũi ngửi sẽ toàn thấy mùi dầu, không thấy mùi dầu máy nữa, sẽ đỡ ói. Rồi bà quay lại chỗ, quay qua mẹ tôi cười hì hì bảo đó là mẹo bà học được. Lúc đó trong đầu tôi nghĩ không biết giữa mùi dầu máy với dầu con ó thì mùi nào thấy mắc ói hơn, xong còn trộn vô nhau nữa chứ. Nhưng sự quan tâm của bà với chai dầu gió màu nhiệm coi bộ có tác dụng, phần sau của chuyến đi diễn ra êm xuôi hơn, bác tài không phải rú lên liên tục là ai ói lấy bọc nylon nghen.

Chắc hẳn bà lão là người sáng chế ra tuyệt chiêu dùng dầu gió át dầu máy. Bởi từ đó về sau, mỗi chuyến xe đò đi qua đời tôi đều đậm mùi dầu gió. Dầu thoang thoảng trên vai. Dầu tràn ngập trong khoang lái. Dầu phảng phất hay thắm đượm tùy theo chủ nhân chai dầu ngồi gần hay xa. Dầu gió trên tay hân hoan du hành, kiểu vậy. 

Tôi vẫn ghét dầu gió y hệt tuổi lên sáu, và vì vậy mẹ tôi không được phép tích trữ dầu gió trong nhà. Nhưng rồi cuối cùng chai dầu gió màu nhiệm cũng tìm được đường đến nhà tôi, khi có một hàng xóm đi Mỹ về (lần đầu tiên tôi biết một người từ Mỹ trở về). Dù không hiểu vì sao Mỹ có liên quan tới dầu gió, nhưng chai dầu xanh con ó đó rất to, nhãn có in chìm hoa văn 5 màu, với một con ó to chà bá vung cánh tự tin. Tôi xin mẹ cái vỏ vì mê mẩn hoa văn 5 màu lấp lánh, là chỉ dấu của “hàng xịn” mà sau này nhiều người quen chuyền tai nhau mỗi khi có quà nước ngoài gửi về.

Rồi một ngày tôi bị đau bụng. Đau quặn thắt. Đau không hiểu nổi. Mẹ thì sợ hãi không biết tôi bị gì, bèn lôi chai dầu gió thần dược ra xức ở lỗ rún. Xức một chút thì có vẻ đỡ đau thật, nên mẹ càng tự tin làm tới. Mẹ xức càng lúc càng nhiều dầu lên bụng tôi. Kết quả đúng là bụng tôi đã hết đau, nhưng vùng da gần rún thì nổi đỏ lên có vẻ vì phản ứng với độ nóng của dầu. Vết mẩn đỏ đó đau như bị bỏng, nên chắc lúc đó có còn đau bụng thì não cũng bối rối chuyển qua tập trung vô chỗ đau bỏng dầu. Tuy mẹ có xót con nhưng vẫn gật gù thán phục đúng là dầu xịn nước ngoài tác dụng mạnh.

Dầu gió được dùng vào đủ thứ trong cuộc đời hiển hiện trước mắt tôi. Khi đứa trẻ ốm, mẹ nấu cháo thịt bằm, bí mật nhỏ vô đó một giọt dầu khuynh diệp ăn cho giải cảm. Dù tôi chưa bao giờ đọc xem trên vỏ chai có thông điệp “Không được uống” hay không, nhưng có vẻ cũng chẳng hại gì. Cùng lắm cháo thơm mùi khuynh diệp cho mới mẻ. Khi người bị cảm lạnh ngật ngừ, người thân nấu một nồi lá xông đủ lá xả, lá chanh, tía tô, bạc hà, ngải cứu, hương nhu, nhỏ vào đó vài giọt dầu xanh con ó hay dầu khuynh diệp rồi trùm mền cho nước nóng xông đổ mồ hôi, người bệnh dần tỉnh lại. Khi đứa bé ngã lăn quay đơ ngoài sân vì đuổi bắt bạn bè, vết xước rỉ máu, bà mẹ cũng xối nước qua cho sạch đất cát, rồi xức dầu cho nó ré lên khóc nghe vuôi chơi.

Rồi cuối cùng dầu phật linh cũng ra đời. Chai dầu hình trụ, cỡ nhỏ, dầu màu nâu vàng cánh gián, không hăng nồng như dầu khuynh diệp và không cổ truyền như dầu con ó. Đại loại giống như sau nhiều năm xài Chanel No.5 thì bà con cũng cần một mùi hương mới mẻ thì các hãng nghĩ ra mùi mới. Một lần tôi đi viết bài ở An Giang, đi xe nhỏ vô một cái xóm xa tít mù, đón một anh bị tâm thần đi tái khám. Lúc anh y tá với chú lái xe vào nhà dắt anh ra thì anh rất hoảng loạn, anh cứ đòi mẹ theo nhưng hôm đó bà bệnh quá không đi được. Lên xe rồi, mẹ anh bảo anh y tá cầm theo chai dầu phật linh, có gì xức cho anh, anh nghe mùi sẽ không quậy. Quả thật, chuyến đi hôm đó từ An Giang lên SG, thỉnh thoảng anh y tá lại lôi chai dầu ra xức cho anh. Chiếc xe nhỏ nên mùi dầu phật linh loáng thoáng, tôi lắc lư theo mùi hương khi bác tài đi qua những ổ gà lần lữa trải ra trên đường. Bác tài nói chắc ngửi mùi dầu nó an tâm có mẹ ở đó. Rồi bác tài bảo bác không biết ai sẽ lo cho nó nếu mẹ nó yếu đi. Câu chuyện không đầu không cuối theo mùi dầu phật linh đi hết 300km đến bệnh viện tâm thần. Tôi không bao giờ biết anh và mẹ sẽ sống tiếp ra sao, nhưng mỗi tháng nhờ những chuyến xe như vậy, anh được tái khám, có thuốc về điều trị, mẹ anh bớt phần hoảng sợ mỗi khi anh lên cơn cầm dao dí cả nhà chạy. Chai dầu phật linh theo anh, theo người y tá, theo bác tài, đi quãng đường mà mẹ anh khó nhọc không theo được.

Trong mùi dầu gió cũng có những phần chuyện sượt qua rồi rơi lại trong tim, như một người chồng ở xóm tôi bỗng nhiên thấy nhức đầu kinh khủng, vợ ông đưa ông vào giường nằm, xức dầu, cạo gió. Đến chiều hôm đó thì ông qua đời. Sau này nhớ lại chuyện đó, tôi nghĩ có lẽ ông bị đột quỵ, một thứ bệnh vừa xa lạ vừa không cách gì xoay sở kịp giữa ngôi làng xa tít tắp đậu bên lưng cánh rừng. Tôi nhớ mùi dầu gió tỏa ra từ ngôi nhà của ông bà, khi bà khóc hờ ông và hàng xóm đổ về giúp may chay đêm ấy.

Nhiều năm sau, tôi ở nhờ trong một gia đình ở Tân Châu, An Giang. Hôm đó đi làm lội mưa suốt hai ngày nên tôi đổ sốt, người đau và lạnh. Bác chủ nhà nói vợ nấu cháo cho tôi ăn rồi uống thuốc. Ăn cháo xong tôi nằm thiếp đi mê man. Bác gái nói thầm để bác cạo gió cho con, rồi bác nhờ con bác vào giúp lật tôi nằm sấp xuống giường, kéo áo lên và dùng miếng kim loại cạo gió. Bác dùng dầu con ó bôi lên những chỗ sắp cạo. Lưng tôi nóng bừng. Vết cạo đau dần, đau dần, rồi lịm đi. Tôi ngủ từ sáng đến gần nửa đêm mới tỉnh dậy. Bác gái hâm lại cháo cho ăn, sáng hôm sau thì tỉnh hẳn. Suốt ngày đêm hôm ấy, đầu óc tôi tan loãng trong giấc mơ không đầu không cuối, có hình người và không, có tiếng gọi và sự im lặng. Mùi dầu gió là chất lỏng xóa nhòa những ranh giới rõ ràng và mơ hồ đó.

Khi cảm lạnh dọc đường, tôi nhớ mùi dầu gió và bàn tay thô ráp của người bà quê, không am hiểu khoa học y tế gì, nhưng có đủ lòng thương vực tôi dậy khỏi ngày đau yếu. Dầu gió không phải thần dược trị bá bệnh như bà lão trên xe đò thành thật tin tưởng dầu gió át dầu máy, cũng không phải phương thức bí truyền giúp trẻ vững chân vào đời. Nhưng dầu gió như tay của mẹ, thô ráp và yếu ớt, xoay sở với thiếu thốn cùng cực trong thời chúng tôi, để những đứa trẻ lớn lên an toàn theo cách họ tưởng tượng.

Trong chuyến xe khách giường nằm đi Phan Thiết một bận nọ, từ cuối xe có người than lớn thành tiếng “Trời ơi, ai xức dầu hôi vậy?”, và tôi phì cười. Có lẽ dầu gió xanh, dầu khuynh diệp, dầu phật linh, đã kịp trở thành mùi đượm bóng thời khốn khó khi bệnh tật, và người bây giờ chỉ còn thấy nó như một thứ mùi phản cảm của những người bà nhà quê ít quan tâm tới không gian của người khác mà mùi dầu của họ len vào.

Tôi chìm vào giấc ngủ trên chiếc xe lềnh khênh lướt đi. Tôi nhớ tất cả những yêu thương kỳ quặc đã bay theo mùi dầu đáng ghét ấy và bám vào thân thể tôi. Tôi của bây giờ.

Khải Đơn

Ảnh trong bài: Photo by Victor Serban on Unsplash

=============

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: