Hồn nhiên thô lỗ

Người đàn ông cầm cây chổi, hua con mèo vào góc tường, đập liên hồi làm nó co rúm lại, cho đến khi cô chủ quán cafe hung tợn quát lên: “Làm cái gì mà đập nó! Nó ăn nhà ăn cửa nhà ông hả?”
18839290_1943583999207867_3763192768646088531_n.jpg
Ông hậm hực nhìn bà, rồi quăng luôn cây chổi kế bên quán, ra điều dằn mặt cô bán cafe rồi bỏ vào nhà.

Sau khi cầm ổ bánh mì mua gần đó về nhà, trong lòng tôi vẫn cấn cá câu hỏi của cô bán cafe: “Nó ăn nhà ăn cửa nhà ông hả?” – Nhưng đó là cách ta thấy rất quen thuộc ở đô thị, nơi người ta cho mình cái quyền đối đãi với động vật bằng một sự thô bạo thuần túy.

Hai bạn trai ngồi kể cho nhau nghe họ đã dồn con chó đến chân tường và đánh què chân nó ra sao.

Một ông bố chờ đón con đi học về, thấy chú sóc đang trèo trên thân cây rồi đu qua dây điện gần đó, vui tay ông nhặt đá chọi con sóc.

Mấy bạn nhỏ phát hiện trong trường học mình có mèo hoang, bèn rủ nhau dụ bắt con mèo, cột vào bọc nylon vứt trong sọt rác. Chú bảo vệ trường chiều đi kiểm tra phòng học phải gỡ cho con mèo thoát ra. Chú nói: “Để nó kêu một hồi vầy chắc chết ngạt quá !”

Người ở đô thị coi chó, mèo, sóc, giun, dế, cóc, nhái như một thứ sinh vật xâm chiếm không gian sống của mình. Họ bất bình vì chúng đi qua lại nhà, ỉa gần nhà, kêu gào trong đêm, làm bẩn đường đi, rơi vào cửa sổ… Cứ tiện tay nhặt được là cầm chổi, ky, gậy đập cho bằng chết con vật thì thôi. Hoặc đôi khi, như ông bố kia, chọi đá con sóc chỉ vì nhìn nó… ngứa mắt quá.

Những bạn thiếu niên cũng lớn lên như vậy. Em nhìn thấy cha mình dùng gậy đập con mèo hoang. Em thấy mẹ cầm nguyên cái đĩa nhựa chọi con chó hàng xóm dám héo lánh qua ăn đồ ăn cho chó nhà mình. Em lớn lên và biết rằng nơi nào có dấu chân em, lãnh địa của em, thì mọi thứ động vật chỉ là đồ xâm lăng cần bị đe dọa, tiêu diệt hoặc nhẹ nhàng lắm chỉ là vật tiêu khiển – tao muốn mày sống thì mày mới được sống.

Cảnh huống đó không ai quan tâm, bởi chúng ta không cợn lòng khi nhìn theo một chú chó hoang bị đánh đập cho đi lê lết mãi ngoài đường không dám dừng lại. Ta không buồn xíu nào khi gọi hoài một con mèo hoang lại mà nó chỉ nhìn ta như kẻ thù và chạy thật nhanh biến mất. Ta không thấy đói, thấy khát khi không nghe chim nhỏ hót ngoài vườn hay sóc lách tách bẻ vỏ quả gì đó ngồi ăn trên cây. Nhà bê tông, cửa kính, phòng máy lạnh, rèm thơm… ta chẳng cần gì ở thiên nhiên cả.

Bởi vậy, khi tôi nhìn một buổi sáng bà dâng lễ cho mấy nhà sư đi khất thực ở Luang Prabang, tôi đã dừng lại xem bà làm gì với chú chó màu trắng sau lưng tò mò đi lại. Bà cho nó ăn một chút. Lát sau, chó màu đen lại, bà vẩy tay đùa, kêu nó, nó mon men lại gần, bà cho nó ăn. Lát sau thì có thêm một chú chó đen gần đó nữa lại, cũng được cho ăn. Mấy cậu bé sư trẻ lát sau đi lại khất thực, thấy bà cho chúng ăn thì cười nhìn bà. Ba con chó đứng nhìn nhà sư rồi thong dong bỏ đi chỗ khác.

Cảnh tượng đó nhìn từ xa sẽ bị phán xét thật kỳ: xôi để cúng dường lễ nghi vậy, ai lại cho chó ăn. Nhưng nhà sư vẫn chẳng mảy may không vui. Bà cũng chẳng lấy đó làm xấu hổ.

Có một lần tôi đạp xe ở miền Nam Thái Lan, trong thị trấn tên là Trang. Thấy chú mèo màu vàng bự quá, tôi dừng xe lại chơi với nó. Lát sau, ngôi nhà ở bên đoạn đường đó mở cửa ra, một chú lớn tuổi dắt xe máy ra đi đâu đó. Trước khi đi, chú thả ra trước cửa nhà ba cái thố đựng thức ăn tổng hợp, rồi khóa cửa lại. Lát sau có tới 5 – 6 mèo hoang chạy lại ăn, xong thảnh thơi đi chơi.

Ở Bangkok, gần một trường trung học, vài lần tôi nói chuyện với hai cô bé chiều nào tan học cũng vào 7-Eleven, mua một hộp nhỏ đồ ăn xong đi lại công viên gần đó, gọi từ trong bụi cây ra một chú mèo. Con mèo có lẽ bị mẹ bỏ, rất bé và cô đơn. Hai cô bé đợi mèo ăn, vuốt ve chơi với nó, dọn sạch hộp vứt vào sọt rác rồi về nhà. Cứ vậy cả mấy tháng trời, con mèo lớn lên vậy, cũng chẳng bị ai bắt hay đánh đập.

Cứ như buổi sáng hôm đó, tôi nhìn ông bố chọi đá lên con sóc đang đứng trên dây mà rùng mình, thiệt tình không hiểu động cơ nào khiến người ta phải điên giận chỉ vì con sóc đang trèo cây qua đường (!!?)

Thái độ của ta với đô thị cứ như thể đây là nhà tao, tao muốn thịt, muốn giết, muốn đánh con gì thì đánh, chúng mày không ai có quyền ở đây hết, đây là lãnh địa loài người.

Đô thị của ta cứ xấu xí, ngạt thở, ức chế thêm mà ta không thể lý giải vì sao. Thực ra thì dễ lắm, nó xấu xí đi vì chính những cư dân không hề yêu thương nó. Ta cứ đứng trên tầng 5 chọi tất cả mọi thứ không thuộc về mình xuống đất. Ta yêu chú chó của mình nhưng cứ để nó đi bậy bên nhà hàng xóm cũng được, không dơ nhà là an tâm. Ta muốn không gian tuyệt đối là của mình nên phải đánh đuổi, hù dọa tất cả bọn khác loài tránh ra. Ta tự vây bọc không gian sống của mình bằng sự thù địch, thô lỗ và thiếu độ lượng.

Ta cứ hồn nhiên mà ác độc như vậy – và tự hỏi vì sao thành phố ngột ngạt quá…

Làm sao mà hiểu nổi…

Khải Đơn

Advertisement

1 bình luận về “Hồn nhiên thô lỗ

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: