Tóm tắt kỳ 1: Phượng nhận được tin nhắn mời ghé qua nhà Uyên giỗ bạn sau 10 năm bạn mất. Ký ức cũ hiện về làm cô nhớ lại năm cuối cấp III kinh hoàng.
>> Kỳ 1
“Một học sinh lớp 12A1 bị tai nạn đuối nước tại trường THPT T.P. Thi thể nữ sinh tên Nguyễn Vũ Mai Uyên được bạn học cùng lớp và bảo vệ hồ bơi phát hiện ra sáng thứ Hai, ngày 14/7/2009. Cơ quan công an đã có mặt để điều tra làm rõ nguyên nhân gây tử vong. Thông tin ban đầu cho thấy có thể nữ sinh trượt chân xuống hồ ngày cuối tuần, khi trường không có nhân viên trực hồ nên đã không cứu được em.
Việt Dũng”
Tôi bấu chặt lấy tờ báo trong tay, đạp xe thật nhanh đến tiệm tạp hóa nhà Hoài ở cuối con đường dẫn ra bờ kênh lở. Hôm ấy sau một cơn mưa, đường ngập thành từng ổ voi to đầy ậng nước. Tiệm của mẹ Hoài nằm vênh ra đầu con ngõ hẹp, chỉ cách tầm bùn lầy bắn tung tóe vài mét mỗi khi có chiếc xe tải chạy qua. Mẹ Hoài nói Hoài đi giao đá cho quán nhậu ngoài bờ sông.
Tôi bẻ lái quay liền ra quán nhậu, thấy Hoài vừa còng lưng bưng bao nước đá to khổng lồ vào quán. Tôi đỡ bao đá xuống cho Hoài, mở tờ báo đưa cho nó đọc. Hoài quấn tờ báo trả lại:
- Ừa, sáng tao đọc rồi, má tao đưa tao xem.
- Ủa mày không thấy gì lạ hả?
- Thì cũng chừng đó thông tin hôm giờ thôi mà, có gì mới đâu?
- Làm sao Uyên chết đuối được? Năm ngoái nó đi thi bơi toàn thành cùng mày mà?
=====
Câu hỏi đó giày vò tôi suốt từ hôm nhà trường dắt tôi ra ngồi dự họp báo với đám nhà báo tôi gặp ở cổng trường. Tôi trả lời đúng hệt câu kể cho thầy Hoàng Thắng nghe. Hoài đáp thứ nó đã trả lời vài chục lần mấy hôm đó. Ngồi được một lúc, tôi thấy đầu gối mình run. Tôi nhịp chân như bức bối chờ đợi điều gì đó. Không một ai nói nguyên nhân tại sao Uyên có mặt ở hồ bơi hôm ấy.
Mấy ông công an công bố: Uyên đã đuối nước từ hơn 16 tiếng trước khi Hoài phát hiện ra nó.
Mấy anh chị nhà báo lại nhao nhao lên hỏi. Công an gạt đi. Thầy Hoàng Thắng và cô Vân đứng lên nói: “Mong anh chị chia sẻ thời gian đau buồn của trường và gia đình em Uyên.” – Nói rồi họ đi thẳng. Tôi và Hoài ngồi giữa vòng vây của những câu hỏi ào ạt tới như bão tố. Cả hai đứa không nói gì, cầm cặp sách cúi đầu ra về. Tôi quên tạm biệt Hoài, hoặc vì tôi quá vội vã rời khỏi nơi những bàn tay đang cố bấu lấy áo tôi hòng moi ra câu trả lời có ý nghĩa nào đó cho một bạn cùng lớp chết đuối.
Nhưng trong buổi họp báo, đâu có ai nói Uyên trượt chân xuống hồ ngày cuối tuần đâu?

Vài năm sau đó, khi đã vào đại học, có lần tôi đọc được một quyển sách viết về cái chết và thời gian bi thương. Quyển sách nói, khoảng thời gian đau thương khi một người vừa mất đi, chính là khoảng trống mà người ở lại phải dằn vặt thoát khỏi cảm giác trống trải không còn người ở vị trí đó. Chính vì thế, người/vật đã mất càng gần gũi gắn bó bao nhiêu, thì càng để lại sự bi thương kịch tính cho người còn sống bấy nhiêu. Chẳng hạn, người ta hay trách rằng tại sao có người khi mẹ mất chẳng tỏ vẻ đau buồn lắm, nhưng khi con chó bị chết vì bệnh lại đau đớn suốt nhiều tháng ròng. Không nói về độ quan trọng của người hay chó, nhưng nếu người ấy đã không sống cùng mẹ nhiều năm, thì họ dễ dàng chấp nhận sự ra đi của bà hơn (vì lớn tuổi, hay đau bệnh). Nhưng nếu con chó là người bạn cùng nhà duy nhất của người ấy, vượt qua ly hôn, khủng hoảng, vượt qua đau ốm. Lúc nào con chó cũng cặm cụi ở bên. Thì nếu chú chó mất đi, nó sẽ để lại khoảng trống rất lớn trong đời sống thường ngày của người đó.
Đồng thời, nếu cái chết “dễ hiểu”, nguyên nhân hợp lý, nó cũng giúp người thân vượt qua đau buồn sớm hơn. Ví dụ như người đó bị bệnh kinh niên, hoặc qua đời vì gìa yếu. Đó là những lý do dễ hiểu. Nhưng nếu người/vật mất đi bất thần, như bị tai nạn, tự tử hay đột quỵ, cái chết đó thường để lại cú sốc khó lành trong lòng người ở lại.
Tôi không biết mình nên xếp Uyên vào hạng mục nào trong những cách tưởng nhớ và mất mát ở trên. Tôi không hiểu vì sao Uyên lại biến mất. Và sự biến mất đó không thể giải thích cách nào cho có lý hay hợp tình .Có lẽ vì vậy suốt chừng ấy năm, tôi không thể quên buổi sáng ngày học thể dục, ngón tay tôi lạnh nước hồ, rờ vào mái tóc phủ kín gương mặt Uyên. Những hồi ức đó rõ mồn một như bức tranh châm bằng kim trên da thịt. Mỗi lần nhớ lại đều đau buốt.
=====
Làm sao mà Uyên chết đuối được? – Tôi cau mày nhìn anh nhà báo tên Việt Dũng mà văn phòng tờ báo mời ra nói chuyện với tôi.
Anh ta lớn chừng bằng cậu tôi ở nhà, em trai của mẹ. Ở nhà tôi thường đi chơi điện tử cùng cậu nên tôi không thấy sợ nể gì một người lớn lắm.
Anh ta tròn mắt hỏi:
“Bên công an với nhà trường trả lời anh như vậy! Em có ý gì khác hả?”
Tôi đưa cho anh bức ảnh Uyên cầm huy chương đồng, đứng thấp hơn hai bậc bậc so với Hoài đang cười toe trong giải bơi toàn thành phố năm ngoái.
=====
Làm sao mà Uyên chết đuối được? – Định ngồi trên cửa sổ lớp học nhìn xuống với cái đuôi mắt dài đầy toan tính của nó. Nó nói thật to câu hỏi dõng dạc trước lớp.
Định là đứa nói năng không vì nể ai. Chẳng cái gì có thể chặn miệng nó lại. Vì nó biết cha của nó là hội phó hội phụ huynh quyền lực, lại tài trợ rất nhiều cho trường. Nó có cái tự do của một đứa không ai muốn chạm tới, kể cả thầy cô cũng không muốn dây dưa vào sự đanh đá và sỗ sàng của nó. Ba năm học chung, tôi không ngừng ngạc nhiên khi thấy Định sẵn sàng phun ra bất cứ gì nó nghĩ, như có lần nó hỏi cô dạy Toán: “Ủa cô cho các bạn đi học thêm làm hết đề kiểm tra rồi sao tụi em làm lại?” – Cả lớp im re. Nó cầm quyển tập học thêm của đứa nào đó trong tay, có hẳn gần một nửa đề kiểm tra đã giải sẵn trước đó.
Sau câu hỏi của Định, vài người tản đi. Không ai muốn nhắc lại chuyện đã qua của tuần trước. Không ai muốn dây dưa với sự rắc rối nặng cả sinh mạng người. Luật bất thành văn ở bất cứ ngôi trường nào ở Việt Nam là người ta sẽ tránh nói về cái xấu của trường, tránh nhắc lại nó, tránh dây dưa với nó, tránh “vạch áo cho người xem lưng”. Tránh bất cứ gì mảy may rắc rối có thể vấy vào mình. Chúng tôi đã đi học đủ lâu để biết chỉ còn bốn tháng nữa thi tốt nghiệp. Không đứa nào muốn dây dưa vô bất kỳ rắc rối nào có thể cản đường ra trường. Không một phụ huynh nào muốn đi lên đi xuống “giám hộ” cho con cái họ ngồi nghe công an và trường hỏi han đủ chuyện.
Và hơn hết, buổi chào cờ đầu tuần, thầy Hoàng Thắng có nói: “Dù bạn làm bất cứ điều gì, trả lời bất cứ ai, hãy cân nhắc giữ gìn danh tiếng cho nhà trường khỏi điều chẳng lành, để trường chúng ta giữ vững danh hiệu trường điểm của thành phố 12 năm liền.”
Khi Định hỏi, chẳng có câu trả lời nào đáp lại lời nó.
Tôi nhắm mắt hít một hơi thật sâu. Chỉ mới một tuần trôi qua, bạn cùng lớp của chúng tôi đã trôi vào miền quên lãng, tan trong khói mù như chưa bao giờ hiện hữu. Chẳng ai buồn nhớ một chiếc ghế đã trống. Chẳng ai nhớ số điểm danh giờ đã thay đổi thành 52, vắng đi 1 người. Chẳng ai nhắc lại tên Uyên trong kỷ niệm nào. Thậm chí, nhóm tự học chỉ gồm 5 đứa cũng không ai mở miệng nhắc Uyên trong giờ học riêng nhóm.

======
Tôi mơ thấy Uyên vài lần. Uyên có một bộ tóc xù tự nhiên từ hồi chín tuổi, khi chúng tôi học chung lớp ba cùng nhau. Mẹ tôi cho tôi học trường đó vì tiện hàng ngày mẹ Uyên có thể đón cả hai đứa về cùng, rồi ghé qua cơ quan trả tôi cho mẹ. Tôi nhớ mẹ từng bảo mẹ của Uyên cùng quê, hai người muốn hai đứa con gái lớn lên cũng chơi với nhau hệt như họ.
Uyên thường bảo mẹ nó cho tôi ngồi giữa trên xe máy, vì “sợ Phượng bám không chặt sẽ rơi mất mẹ không tìm được đâu”. Mẹ Uyên buồn cười nhưng cũng chiều con. Suốt vài năm cấp I thời đó, tôi ngồi giữa ôm mẹ của Uyên và Uyên ôm lưng tôi cho đến cổng cơ quan xe dừng xịch.
Lý do Uyên nói như vậy vì có hôm tôi nói với Uyên tôi sợ ngồi ngoài rìa xe máy lắm, vì chân tôi với không tới chỗ để chân, lúc nào cũng chới với. Tôi sợ đường xóc có khi tôi tuột tay, sẽ ngã xuống đường. Uyên bảo để Uyên lo.
Uyên như cô chị trời ban cho tôi, dù hai đứa bằng tuổi nhau và tôi dần cao hơn Uyên khi tuổi dậy thì tới. Trong giấc mơ, Uyên quay trở lại là cô bé tóc xù bám chặt lấy yên xe của mẹ, giữ tôi ngồi ở giữa không cho “rơi” xuống như tôi sợ hãi.
Tôi mở mắt. Trần nhà giống một khối đá trên mộ người đang di chuyển lại gần và ghì xuống ngực. Tôi bật dậy, vuốt hai mắt, tay ướt nhòe. Tôi nhớ ra sáng hôm ấy là ngày đưa Uyên về đất.
Tôi sẽ nói gì với mẹ Uyên khi gặp bác ở ngày đưa ma hôm ấy?
Khải Đơn
(Còn tiếp)
Kỳ 3: Hoài bỏ học. Phượng không dám tin vào điều cô bé tưởng tượng ra.
======

Mời tác giả một tách cafe
Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.
$2.00