…như hạt sương rơi.
Sự hư vô không thể cầm chặn được, trên một trảng rừng khô và giòn như kính bể. Mỗi bước chân rạo mình giữa lá khô, và tiếng thở đất trút ra từ cành cong gãy vụn. Tôi đã đi rất nhiều ngày, để tìm thấy cánh rừng người thợ trên núi cao kể lại.
Bài hát hôm ấy giữa lửa đỏ khuya sơ: “Này nai con đừng nhìn sâu vào mắt ta đến vậy, bởi sự tồn vong sẽ làm tim ta đau nhói. Hãy thật nhanh biến mất vào bóng tối, nơi kẻ săn mồi như ta sẽ quỵ ngã khi rừng nuốt chửng.” – Người thợ rừng ho tiếng khan giọng, dậm từng đốm than tàn tắt ngóm. Sương đọng trên da và đêm sụt sịt lời cuối cùng trước cơn ngủ vội vã.
“…không còn thấy rừng.” Người thợ lè nhè trong cơn say. “Không còn cánh rừng nào nữa…”
Sớm mùa hè tôi quay về trại, ông đã đi mất trong cơn đói cồn cào ám ảnh. Làng dưới thung lũng khói sớm và nắng hồng cam. Họ còn sống được bao lâu nữa?
Cánh rừng là vật trang trí cho những kẻ như tôi, đi tìm một hành trình hòng gắn lên vai thêm những cấp hàm chinh phục. Anh đã đi đến đỉnh núi chưa? Tôi đã vượt hết thung lũng. Cô đã tới hoang mạc chưa? Tôi đã từ núi sâu sống sót trở về. Lũ chúng tôi không biết cánh rừng là máu thịt sinh tồn và linh hồn với người khác, là ngôi nhà của những sinh thể khác mình.
Chúng tôi đến rồi đi, mưu cầu cánh rừng đẹp thẳng thớm xinh đẹp. [Ngay cả đòi hỏi đó cũng trở thành vô lối].

Ngọn lửa bùng lên giữa đêm khuya. Ánh than hồng bay như dải pháo bông lộng lẫy. Từng hạt tro bay đáp xuống mặt biển. Hồng như má người yêu trong buổi tỏ bày đam mê. Biển hôm đó phục sức như vũ nữ của dạ khúc đêm diệu kỳ. Chúng tôi hú hét như loài phấn khích si mê. Ngọn lửa khổng lồ gợi nhắc tham vọng của loài người vài ngàn năm trước: có lửa sẽ thống trị muôn loài. Hôm ấy ngọn lửa thống trị muôn loài, khi bước chân hươu dượm dài hoảng loạn phi nước đại, và ngã dúi dụi trên thềm đá cao. Cánh đại bàng dáo dác va vào thân cây rùng mình như roi vọt. Và con thỏ rất bé, đứng nhìn vào ánh trăng với câu hỏi không lời đáp: Chỗ nào để đi hết đêm nay?
Sóm hôm sau, tôi bước đi trên tro tàn và than rụi còn ấm. Dạ vũ tan rồi và thế giới lụi tàn như hạt sương rơi. GIữa nắng sớm tôi thấy vai mình lạnh buốt – như có hạt sương đã tan vào da thịt, khi chứng kiến cánh rừng phai đi. Nằm trên cát biển đen bằng tro bụi, tôi tự hỏi mái nhà của loài người sẽ còn tồn tại bao lâu, khi cánh rừng cháy đến mảnh gỗ cuối cùng và đống lá khô bể vỡ thành trăm nghìn mảnh?
Loài người là người thợ rừng đói đêm bỏ về thung lũng. Loài người là tôi mất hướng và nước mắt chảy khi nhận ra mình là kẻ không nhà. Loài người là anh lính cứu hoả đen đúa bạc phếch gương mặt hằn lửa đỏ, uể oải chặt những thân cây đang cháy rụi đến cuối cùng gốc rễ. Loài người là cô bé gái chẫm chẫm vài tuổi, ôm lấy mẹ rùng mình trước tro than.

Có chuyện cổ tích từng kể Alice chạy theo chú thỏ vào rừng để đến xứ thần tiên. Còn xứ thần tiên ở đâu nếu hang thỏ giờ kín bưng trong cây lá khói mù.
Có chuyện kể hai anh em rải những viên kẹo màu, để tìm về ngôi nhà thân yêu. Còn cánh rừng nào nữa để trái tim đi phiêu lưu, trong buổi phôi phai của thời lửa đỏ?
Có chuyện nàng Bạch Tuyết được cứu giữa rừng xanh. Dù tối đen lạnh giá như chú lùn nhân hậu. Tổ ấm của các chú lùn chắc sớm hôm ấy phủ than hồng lịm tắt?
Tôi đã ngừng tin vào chuyện cổ tích, vì phải đi thật xa để tìm thấy rừng đen trong sâu hút, và trở về nằm giữa biển khơi, thấy tim mình đã mờ nhạt như câu chuyện lỗi thời.

Thế hệ của chúng tôi, đã mất mát rừng xanh và núi thẳm. Đã xây bậc thang lên đỉnh trời và đặt bãi đáp trực trăng giữa rừng quốc gia. Đã vội vàng liếm hết cây cao và bỏ loài linh trưởng bơ vơ trên gọng cây cuối cùng sắp gãy. Đã bịt tai ngừng nghe chim cãi cọ hát hò, để bật chiếc loa thùng giữa xanh biếc trong veo.
Thế hệ của chúng tôi, không tin vào cánh rừng đã chết.
Như chuyện cổ tích, hầu hết đều không có thật.
Khải Đơn
(Chile, mùa cháy rừng)
=====

Mời tác giả một tách cafe
Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.
$2.00
Comment