Lần đầu tiên tôi đến thăm nhà bà Kim Chưởng và ông Lý Hùng là do một bạn đạo diễn trẻ tên Võ Huy Thăng chở đi, ra đến chợ nổi Cái Răng, đi bộ khỏi những cây cầu gỗ gập ghềnh, băng qua vài ba cửa nhà dân xóm chợ nổi, là tới chiếc ghe gia đình họ.
Bà Kim Chưởng bán cà phê trên ghe. Ông Hùng hát cho đám tiệc, đoàn du lịch – kiểu ca nhân miền Tây xưa giờ kiếm sống trên sông. Bà Chưởng kể lại rằng từ khi bà biết nhớ, gia đình bà đã mưu sinh trên chợ nổi, rồi bà cưới ông, rồi làm một cái ghe to hơn, rồi sinh con, rồi cứ tiếp tục sống cùng chợ nổi như vậy.
Tôi thường xem đi xem lại cảnh quay bộ phim làm về ông Lý Hùng – người đàn ông da đỏ nâu rám nắng, gầy trơ xương kiểu đàn ông Nam Bộ, mắt sâu đọng kín một nỗi buồn không tên gọi, ở trần và nghèo quay quắt trên tiếng nước bập bềnh. Ông lom ngon cạnh cây đàn như một chú dế rất bé giữa dòng sông khổng lồ. Nhưng chỉ cần ông khảy một phím nhạc, rồi ca, thì cả dòng sông chìm xuống, và ông bừng lên bằng cất giọng mạnh như xói thẳng vào tim người nghe.
Nghe ông ca, tôi như đứa con nít đang ngủ lóp ngóp cạnh bờ nước, giật mình thức giận vì sức mạnh của lời hát đã nhấm chìm mọi khoảng không khác của đời sống:
“về lại quê hương với cát trắng bụi mờ
với những ước ao tan tành sụp đổ”
Khúc ca đó trong bản “người tình trên chiến trận”mà ông Lý Hùng hát, có thể khiến người nghe bên những cuộc nhậu cạnh bờ nước, trong những đám tiệc mà chủ họ xông xênh đủ tiền mời ông ghé ca, và đủ sức khiến những người không can dự như tôi cảm thấy sự bẽ bàng của người lính sau trận chiến điêu tàn và làm phận người bôi xóa.
Ông Hùng hát lại ca khúc đó lần nữa, trong bộ phim mà cậu bé đạo diễn đem đi Pháp thi thố cho người nước ngoài xem.
Có thể khán giảkhông hiểu cảm giác mà khúc ca đem lại – dù phụ đề được gắn đầy đủ bên dưới.
Có thể họ không cảm niệm được cái đắng đầy trên bờ môi – mà những người ca nhân ở xứ sở Cần Thơ của ông đang trải qua mùa kiệt quệ.
Và rồi tôi nhớ lại lần nữa ghé chiếc xuồng của gia đình ông trên chợ nổi. Trong góc phòng nhà họ có chiếc bàn học nhỏ và mấy đứa nhỏ cặm cụi làm bài dưới ánh nắng xiên qua buổi trưa oi ả. Người bạn đi cùng tôi kể rằng, cả chợ nổi xưa giờ chỉ có một bạn đậu vào đại học, nhưng rồi bạn ra trường cũng vất vả lắm mới tìm được việc. Còn lại trẻ con sống ở chợ nổi rày đây mai đó cùng gia đình, nay lênh đênh mai đậu lại, và thường nghỉ học sớm. Thực tại đó càng làm những chiếc bàn học và màu vẽ, và bút giấy ghi chép của tụi nhỏ quý giá hơn sự tồn tại bình thường – hóa ra ở ngôi nhà này, trẻ con vẫn còn tin vào sách vở và ba má chúng mưu cầu sự học.
Hàng ngày từ sáng sớm, bà Kim Chưởng sẽ chèo xuồng ra chợ bán cà phê. Bán cho dân buôn bán thương hồ. Bán cho du khách. Bà cười thỉnh thoảng du khách có “tip” cho bà nữa nghen. Nụ cười nở toang như một mớ ánh nắng tự hào lấp lánh chẳng che giấu. Chồng bà đi hát cho ghe du lịch, cho đoàn muốn nghe ca, cho đám tiệc, cho cả những đám lễ như ma chay cúng giỗ mà gia chủ muốn linh hồn đã khuất vui vẻ lên ngày ra đi.

Bà Kim Chưởng, vợ ông Hùng, làm nghề bán cà phê ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.
Xứ miệt miền Tây là vậy, thời khoảng năm 2007, cũng hiện đại lắm rồi, tôi đi thật sâu vô một vùng ở An Giang, theo hai chiếc đò của gia đình anh nông dân vào tận bờ sâu nhà họ. Khung cảnh đó trơ trụi thẳng tắp tới chân trời. Có lúa. Có nước. Có bờ bao. Nhưng chẳng có người nói với nhau khúc nào. Khi ấy, giá mà đêm nghe được một câu vọng cổ, tim người hẳn sẽ thắt lại vì được thương xót vô bờ. Từ những ngày câm lặng, tôi thường chờ đợi sẽ nghe tiếng vọng cổ vẳng ra từ đâu đó mỗi dịp đi thật xa ở miền Tây. Sau một buổi chiều đọc giảng ở Phú Tân, vài gia đình ngồi lại nghe một đoạn khúc ca. Sau một đêm lễ dài mệt mỏi, con cháu ngồi quây quần húp cháo nghe ca nhân thả một bản thê thiết vô chừng. Xứ vắng vẻ u sầu quá, cần thêm linh hồn biết gọi tên vùng đất, biết định nghĩa thương ghét oán hờn, biết tỏ bày thành lời những phức cảm mà họ không thể nào gọi tên nổi trong sự vùi dập vất vả của đời sống.

Con trai ông Hùng ngồi học trên ghe
Ông Lý Hùng đóng cái phần số đó trong cuộc chuyển mình của miền Tây. Khúc ca ông cất lên đóng băng lại nhịp động cơ máy nổ rít lên rẽ sóng chạy đi giữa chợ nổi băng băng. Ca từ rành rọt của ông chất vấn những người quây quần về xúc cảm khó khăn mà vội vã qúa họ quên mất. Những ngân nga cuối cùng trong cổ họng, rung lên theo phím đàn, gọi về hồi ức mà người ở chợ nổi đã sống và nghe cả đời, nhưng không cách gì truyền đạt được cho những sinh phần thế hệ kế tiếp (vốn đã đeo headphone và nghe BTS hay Sơn Tùng mới mẻ).
Nhưng khi ông Hùng ngồi đó và ghìm giọng cho một khúc trầm, những hệ lụy và quấy quả khác của phần đời hiện đại không gì cưỡng nổi bị đẩy lùi sang bên, để hiện diện lại bối rối thương yêu hay quày quả đau đớn của người chinh nhân trong chiến cuộc vài chục năm trước, để chất vấn khôn lường về đạo nghĩa sống mà soạn giả nào đó chen cài trong câu hát. Đó là phần đời sống của chợ nổi đang dần lở lói đi, theo cách thông thường và hợp lý hơn cả của sinh tồn hiện đại.
Một tháng trước, tôi nghe tin ông Hùng qua đời. Không còn hát nữa. Vài câu hỏi láng máng hiện lên.
Ai sẽ ca một khúc vọng cổ cho sông Cần Thơ khi chiều tà?
Ai sẽ dạy tụi nhỏ biết về những tình anh bán chiếu hay chinh nhân chờ chiến cuộc tan lìa?
Ai sẽ tiếp đãi những đoàn khách mê mải tiếng ca khi quay lại chợ mùa này? – Hay lần này họ sẽ chỉ nhậu xỉn và ra về trong một trận karaoke long trời lở đất?
Ai sẽ làm người lạ như tôi biết kinh ngạc trước phẩm giá của con người sinh tồn từng ngày trên chợ nổi Cái Răng, trên sông Cần Thơ, trên con đò lấp lửng bờ nước với gánh bún và quầy cà phê?
Ai sẽ tiếp tục phụ bà Kim Chưởng nuôi mấy đứa con nhỏ tới trưởng thành?
Những người Pháp năm nào chấm cho một bộ phim ngắn Việt Nam đoạt giải Nhất có thể sẽ quên mất tiếng ca năm nào đã tắt lịm bên dòng sông. Người đến thăm chiếc ghe con năm nào của gia đình ông bà có thể quên mất buổi ngồi nghe ca, như vô số du khách khác ghé ngang Cần Thơ và mưu cầu nếm chút hương vị vùng đất này.
Nhưng chợ nổi và dòng sông đã mất đi thêm một ca nhân rong ruổi, mất một linh hồn giữ gìn tri giác của dòng sông. Người nông dân ngủ trong rẫy sâu thiệt sâu ngoài kia, sẽ dần mất đi cơn trở mình giữa giấc, chạnh lòng không nghe được khúc ca, rồi thương nhớ hay yêu mê ai cả đời cả kiếp mà chẳng có ai cất tiếng hát tỏ bày dùm họ. Đứa trẻ loanh quanh bên sàn nhà lấp ngấp nước ở quãng này của Cái Răng, sẽ không thể nào nhớ nổi một thời có khúc cải lương bảo người ta lớn làm người biết tử tế tin thương, biết dằn vặt âu lo vì điều không thiện, biết kiệt quệ sức mình để bảo vệ chút nhân tính cuối cùng giữa binh đao loạn lạc.
Mỗi lần khúc vọng cổ cất lên trong đoạn video người bạn đạo diễn ghi lại, tôi lại thấy mình đứng trên chiếc ghe của gia đình họ năm nào. Bà Kim Chưởng vợ ông cười hào sảng đưa cho tôi ly cà phê đá mát lạnh. Thằng nhỏ ngồi rị mọ nheo mắt trong đám bài vở. Và ông Hùng đi về trên chiếc ghe mảnh, quành một cái rồi cập vào ghe nhà, bước lên rồi cười nheo mắt với đôi mắt sâu hút và gương mặt gầy đầy góc cạnh.
Ông còng lưng xuống trên cây đàn, như chuẩn bị vô thế cực kỳ vất vả hệt một bác nông dân, và vút lên một tiếng ca xuyên vào cơn ngủ trưa đờ đẫn trên sông nắng nôi mệt mỏi.
Hôm ấy… tôi được gặp linh hồn của dòng sông…
Tác giả ảnh: Huy Thăng
Khải Đơn
=====
Bộ phim “Trôi” do Đạo diễn Võ Huy Thăng và Lê Đình Tuyển thực hiện – đạt giải nhất cuộc làm phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc năm 2019 do Viện Quốc tế Pháp ngữ – IFI tổ chức. Đây là cuộc thi độc đáo lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tác phẩm được gửi trình chiếu và đạt giải thưởng lớn (Grand Prix) tại liên hoan phim 3D Angoulême – Pháp.
Nhân vật chính trong phim là ông Lý Hùng – ca nhân ở Chợ Nổi Cái Răng – một năm sau khi bộ phim đoạt giải – ông Lý Hùng qua đời.
Bài đã đăng trên Tạp chí Người Đô Thị