Viết có chữa lành được không? 

Trong hơn một năm dạy viết vừa qua, có những người học nhắn tin hỏi học viết với tôi có thể chữa lành không. Có lẽ đã rời Việt Nam một thời gian, tôi không nhận ra “chữa lành” đã trở thành từ khóa có thể bán bất cứ thứ gì. Dầu gội chữa lành. Áo vải linen chữa lành. Âm nhạc chữa lành. Dầu gió chữa lành. Viết chữa lành.

Là người viết đã nhiều năm, tôi cẩn trọng với những gì mà nghề viết có thể đem lại. Viết là khoảng sáng giúp tôi bộc bạch cách mình sống và quan sát diễn trình tồn tại của mình. Tôi đi qua mỗi ngày trong sự tỉnh táo, cố gắng hiểu xem điều gì đã khiến cơ thể mình đau đớn hay không hài lòng, điều gì đem lại niềm vui và sự yên tâm ở lại. Viết giúp tôi soi rõ những khoảng chưa rõ hình nét đó, tạo tác lại lịch sử và sự tồn tại của tôi. Nói cách khác, viết là viên gạch cho sự sống của tôi. Sẽ có những viên gạch thuộc về phần nỗi đau. Và tôi khao khát thoát khỏi đau đớn đó để tiến tới không gian có ánh sáng nhiều hơn, và dũng cảm sống hơn.

Khi tôi học học viết ở San Jose State University, tôi dần nhận ra viết và chữa lành có thể đi cùng nhau, hoặc phản bội nhau.

Biểu đạt lại khoảng tối làm bạn buồn

Sau khi đã trải qua những điều không lành, trái tim và cơ thể ta trải qua những phản ứng khó chịu. Tim đập nhanh. Ngực ta đau. Tay đổ mồ hôi. Ta thở gấp. Cơ thể ta không đủ sức để nhận biết và suy nghĩ về tất cả những trải nghiệm chớp nhoáng đó. Thứ còn lại là sự đau và nhiều khó chịu. Qua nhiều năm tháng, hoặc trải qua điều tương tự nhiều năm tháng, những dấu vết này thành sẹo trong bạn.

Viết cũng giống như bạn nói vào một phần mềm ghi âm, như khi bạn đứng trần truồng trong phòng tắm và quan sát những vết sẹo. Có vết sẹo mờ dưới đầu gối khi bạn ngã xe đạp năm bảy tuổi. Một vết sẹo dài trên bụng sau kỳ mổ sinh con. Vết sẹo trên vai sau lần ngã xe. Trước phòng tắm và chiếc gương, bạn thấy mình đã trải qua những thương tích gì. Viết là hành động gỡ bỏ những vỏ bọc trên mình, “trần truồng” trước trang giấy, và cho bản thân cơ hội đếm lại những vết sẹo đó, nhớ về cách chúng hình thành, suy nghĩ về sự tồn tại của chúng trên cơ thể mình, bằng cách viết ra trang giấy.

Viết giúp bạn nhìn rõ bản thân bị tổn thương ra sao. Cây bút và trang giấy trắng giống tấm gương nhà tắm, hoặc một cái đèn pin rọi vào khoảng tối không rõ mặt làm bạn buồn. Nhưng không phải lúc nào rọi đèn hoặc soi gương cũng có thể chữa lành.

…nếu bạn không thể thành thật với chính mình

Nếu bạn vẫn nghĩ về viết như sự trình diễn, viết sẽ không thể chữa lành cái gì cả. Nó giống như bạn mặc váy áo xinh đẹp ra đường, vờ như mình chưa từng bị đau đớn, trình diễn lại nỗi đau để làm hài lòng ánh nhìn đám đông. Nó giống như tôi ngồi đây, gọt giũa từ vựng, cấu trúc câu, nhưng không thành thật nổi với điều giận dữ hèn hạ trong mình.

Cứ như vậy, tất cả những cái nhãn mà tôi đã dán lên cơ thể mình sẽ không được gỡ bỏ để nhìn thấy tổn thương. Chúng chỉ mặc thêm một lớp vỏ khác, gồm có chữ, giấy và khái niệm hoa mỹ tên chữa lành, kỳ vọng của chính tôi, là nếu bày trò như vậy, cuộc đời tôi sẽ bớt đau hơn ngày hôm trước bởi chắc chắn tôi đang được chữa lành.

… nếu bạn viết bằng động cơ trả đũa

Trong một kỳ học, lớp tôi đọc một quyển sách về một cô gái. Đó là các bài viết kể về tuổi thơ khi cô từng bị bắt nạt, đụng chạm, xúc phạm, và đỉnh điểm là bị hãm hiếp. Sau khi đọc quyển sách đó, lớp chúng tôi thảo luận.

Một bạn học trích lại từ sách một đoạn văn, trong đó tác giả (cũng là nhân vật cô gái) kể rằng cô đã lừa một thằng bé nhảy xuống tầng hai trường học với lời hứa sẽ làm bạn thân với nó. Cô làm vậy để trả đũa tất cả những đứa con trai đã bắt nạt cô trong trường. Thằng bé kia dù không bắt nạt cô, vì nó mới chuyển đến trường, đã trở thành nạn nhân cho sự thù địch của cô. Thằng bé bị trật chân sau cú nhảy. Bạn học tôi giải thích bạn cảm thấy vô cùng thất vọng khi đọc phần viết này, bởi vì bạn không thấy nhà văn (hơn 15 năm sau) đã trở thành một người trưởng thành, vẫn không có cái nhìn rõ nét về sự đau đớn của bản thân mình mà chỉ thấy sự trả đũa là điều sảng khoái, thỏa mãn, trước một nạn nhân vô tội khác. Trong quyển sách, chúng ta đâu có được nghe tiếng nói của thằng bé nạn nhân? Người viết dùng trang viết và thằng bé làm công cụ để chà đạp nhân danh sự chà đạp mà những kẻ khác tấn công cô. Đó là kiểu viết không công bằng và tàn nhẫn.

Câu chuyện trên đây và nhiều bài viết sau này tôi đọc khiến tôi nhận ra là nhiều người viết nghĩ họ muốn dành lại tiếng nói của bản thân, tiếng nói đã bị bịt miệng sau những năm tháng dài bị tấn công. Để thực hiện “sứ mệnh” đó, họ phải chà giẫm và tô vẽ kẻ xấu xa kia thật sự xấu xa, để đảm bảo thuyết phục người đọc.

Một số khác không thể đối mặt với chính lựa chọn hay hành vi mà bản thân nghĩ là đã sai (theo chuẩn của riêng họ), và không thể làm hòa với cái sai (tự thân) đó, thì tự động “lái” câu chuyện theo ý họ muốn khi viết, như thể nếu làm vậy sẽ an ủi bản thân hơn, sẽ giúp sự bất hòa trong thân tâm được vuốt ve yên lành.

Sự chân thật cho riêng mình

Chính vì vậy, nếu bạn kỳ vọng viết có thể chữa lành cho bạn, hãy bắt đầu bằng cách viết cho riêng bạn. Có nghĩa là bạn không xuất bản nó ở đâu hết, không chạy ad quảng cáo promote cho nó lên top, cũng không ghi tắt tên K.N xong tag 20 bạn thân vô bài viết trên mạng.

Cũng như trong không gian nhà tắm và chiếc gương, bạn dành thời gian suy nghĩ lại điều xảy ra, bạn mô tả lại sự kiện và những gì đã làm tổn thương bạn. Bạn cho bản thân và sự việc đó nhìn rõ nhau thêm nhiều lần nữa, cho đến khi nó tách rời khỏi cơ thể bạn, cho đến khi bạn nhìn thấy vết sẹo, bạn biết nó tồn tại, nhưng nó không biến bạn trở thành người xấu xí hay đê tiện, nó là một phần cơ thể bạn.

Còn nếu bạn dùng trang viết như chiếc váy dạ hội, như đao gươm chiến trường thì nỗi đau đó sẽ biến thành hình thức tổn thương khác, mà bạn sẽ tiếp tục vật lộn với chúng không ngừng, bằng các xung đột mới.

Chữa lành không có nghĩa là tô vẽ nỗi đau cho đậm nét

Một số người dịch các tài liệu tiếng Anh viết là “expressive writing” thành viết ra tâm tình hoặc miêu tả kỹ lưỡng, hàm ý để chữa lành thì phải gỡ hết tất cả đau thương bày lên trang giấy.

Bày tỏ là yếu tố quan trọng để bạn có thể hiểu chính cơ thể mình muốn gì và nghĩ gì, nhưng bày tỏ đến chỗ nào thì ổn?

Cũng trong chương trình học viết, tôi được đọc một số bài viết về nạn nhân bị cưỡng hiếp, nạn nhân bị người thân đánh đập nhiều năm. Những bài viết này mô tả cặn kẽ từng chi tiết bị đánh ra sao, bị cưỡng hiếp thế nào, chi tiết đến mức người đọc cảm thấy họ tham gia vào cuộc hành hung đó.

Những cách viết chi tiết này không thực sự có ích nếu người viết là nạn nhân trong bài. Bài viết trở thành cuốn phim quay lại toàn thể cuộc bạo hành thật chi tiết, nhưng không giải quyết câu hỏi RỒI SAO NỮA? GIỜ THÌ SAO? TA LÀM GÌ VỚI NHỮNG THỨ NÀY? Cách viết này không đặt người gặp vấn đề đau thương vào vị trí khác đi. Họ trở lại thời khắc của bạo lực, của sự bất lực của bản thân, của những căm hờn vì sao mình không thể làm khác đi.

Sống lại sự kiện gây đau đớn qua trang viết không giúp chữa lành. Sống lại trong tâm thế nạn nhân không giúp người từng là nạn nhân có thể thay đổi vị trí của họ trong cuộc cưỡng bức. Xem lại một đoạn phim bạo hành không giúp ích gì cho người bị đánh, mà chỉ làm cơ thể họ phản ứng dữ dội và đau khổ hơn trong sự đau đớn lặp đi lặp lại. Nếu “viết chữa lành” không cẩn thận, nó làm sự đau trầm trọng hơn vì sự tái tạo hình ảnh quá rõ nét này.

Cố gắng tìm kiếm và nhìn rõ đã xảy ra, thừa nhận bằng lời rằng nó đã làm tổn thương mình ra sao, và làm sao để mình sống với nó, đi tìm ý nghĩa đằng sau tất cả những hỗn loạn đó, là cách để người viết ra sự việc dần cảm thấy sự việc rời khỏi cơ thể mình, như vết sẹo kín miệng dần. Vết thương không biến mất, nó dần bớt đau.

Người viết kiếm tìm sự nổi tiếng bằng nỗi đau

Nước Mỹ có thị trường viết rất lớn cho mảng nỗi đau. Người viết được giới xuất bản (gồm công ty xuất bản và agent) khuyến khích thể hiện nỗi đau đã trải qua thật chi tiết, tường tỏ, kịch tính, đẫm máu, nhằm có thể ăn khách khi xuất bản. Nhưng nếu bạn tìm đến viết để chữa lành cho những tổn thương quá khứ, bạn phải nhìn việc này khác với việc sẽ biến các bài viết này thành quyển sách, in ra bán và trở nên nổi tiếng. Bởi hai việc này hoàn toàn khác nhau, kịch tính không có tác dụng chữa lành, đẫm máu không làm ai khỏe lại, và chữa lành là quá trình bạn khám phá lại chính cơ thể và tâm hồn bạn. Không ai làm thay bạn được, và không thể mua bán một vài bài học có thể giúp được.

Quá trình viết này ra sao sẽ giúp chữa lành, bản thân người viết cũng cần dành thời gian tìm hiểu để biết mình đang quay chậm nhai nghiền nỗi đau hay đang tìm cách nhìn thấy bản chất sự việc và định vị mình là gì trong tình cảnh đó.

Cũng chính vì thế, nếu một ngày bạn cầm những trang viết “chữa lành” và cảm thấy có nhu cầu biến trang viết đó thành tác phẩm kịch tính bán cho nhiều khán giả nhằm giúp bạn nổi tiếng hơn, là bạn chuyển hóa trang viết qua hình thái và sản phẩm khác. Trang viết không còn vai trò chữa lành nữa, mà thậm chí có thể phản bội người viết và gây ra các chấn thương mới. Vì một trang viết cho bản thân khác với bài viết dành cho số đông khán giả.

Là người viết đã và đang sử dụng viết như một công cụ kiếm sống và là một phần cảm niệm cuộc sống, tôi từ chối người học khi họ đề nghị giúp họ học viết chữa lành, bởi viết là kỹ thuật khác với viết dùng làm công cụ tháo gỡ các vấn đề tâm lý.

Giống như tôi làm nghề mổ heo xong người mua thịt bảo hay chị dùng dao mổ heo của chị phẫu thuật dùm tôi, thì tôi không làm được. Và bạn cũng thế, có lẽ bạn cũng không nên đi nhờ anh hàng thịt phẫu thuật nỗi buồn dùm bạn 🙂

Khải Đơn

==========

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

4 bình luận về “Viết có chữa lành được không? 

Add yours

  1. Tôi thích bài viết này của Khải Đơn, giúp tôi sống thật với chính mình qua những gì mình viết ra. Cảm ơn bạn

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: