Viết cho người mắc kẹt giữa đại dịch…
Tối qua tôi nhận được khảo sát từ một trường đại học, với nhiều câu hỏi về cảm giác và sức khỏe tinh thần trong thời gian bệnh dịch diễn ra.
Có thể nếu bạn ở Việt Nam, giờ này cảm giác về mùa dịch của bạn đã kết thúc, khi có thể tự do đi lại ngoài đường, hẹn người thân yêu bữa tối hoặc đi cafe buổn chiều muộn nhìn hoàng hôn bên sông. Có thể bạn không còn cảm giác gì khác về đại dịch như một giấc ngủ dài đã qua thật xa (với người Việt là gần hai tháng kể từ khi thời gian giãn cách xã hội kết thúc).
Tôi đã nhận được tin từ bạn tôi, cô nhắn rằng cô và bạn trai lâu năm quyết định kết hôn. Tuy đã sống với nhau gần ba năm, họ vẫn chưa bao giờ nghĩ sẽ lập gia đình. Anh ngỏ lời khi họ phải ngồi làm việc cạnh nhau suốt 24/7, và cô thấy mình cần có người bạn đời ở bên, kể từ khoảnh khắc khó khăn và ngạt thở đó.
Một người bạn thân thiết kể, cô đã bật khóc khi nghe Singapore tuyên bố sẽ dần mở cửa trở lại. Những ngày ngồi trong nhà làm việc, cảm nhận sự chậm chạp và yên ắng qua đi rồi sẽ kết thúc. Cô lại có thể đi uống trà, lại có thể vào siêu thị. Bình thường – là cảm giác hạnh phúc đến ngạt thở.
Tôi cũng nhận được tin nhắn bạn từ New York. Anh bị sốt kéo dài nhiều ngày. Đó cũng là thời gian bệnh ung thư của cha anh trở nặng. Nhưng anh không dám về nhà thăm. Anh ngồi trên mạng, đòi mẹ mở webcam để nhìn cha nằm trên giường. “Tôi sợ mình sẽ lây bệnh và khiến cha tôi nguy hiểm. Tôi có tất cả triệu chứng của Covid-19. Tôi không dám về nhà.” – Mãi ba tuần sau đó, khi những cơn sốt kiệt quệ qua đi, và những liều thuốc bác sĩ kê toa qua mail cho anh dần có tác dụng, anh mới có thể ra ngoài để đi xét nghiệm miễn phí, và chờ đợi đến lần xét nghiệm tiếp theo mới dám về thăm nhà.
Hôm sinh nhật 50 tuổi của người bạn tôi, cô kể rằng chồng cô đã nghĩ ra một cách chúc mừng sinh nhật cô thật đặc biệt. Anh gắn một cái biển hiệu viết tay ngoài đầu hàng rào, ghi câu: “Hôm nay là sinh nhật Kristina, bạn hãy bấm chuông xe đạp nếu muốn chúc mừng sinh nhật cô ấy cùng tôi!” – Hôm đó, vợ chồng cô nghe thấy thật nhiều người trong thị trấn đi qua đã bấm chuông xe đạp. Cô rất hạnh phúc, dù họ đã phải ở nhà suốt cả tháng và vật lộn cùng hai đứa con trai bé, cùng với công việc toàn thời gian qua mạng.
Một người tôi rất quý mến ở Indonesia nói cô và bạn trai đã chia tay, vì họ đã xa nhau suốt bốn tháng dài. Các cuộc cãi nhau đầy lên mỗi ngày qua điện thoại. Cô ngạt thở thấy anh như người xa lạ. Dường như không ai còn đủ sức để dừng lại trước tranh cãi mới sẽ nổ ra không bao giờ dứt – qua điện thoại. Người ta xa nhau đi khi khoảng cách lớn dần lên.

Rồi sự lặng lẽ vây bọc cuộc trò chuyện. Tôi và bạn bè rất hay bày trò giỡn. Có thể chúng tôi ngầm hiểu rằng, đùa giỡn là cách tốt nhất để đi qua thời gian này. Mọi thứ sẽ không có gì thay đổi. Chúng tôi sẽ có lại cuộc sống mình mất mát chỉ sau cái nháy mắt của đại dịch.
Mỗi chiều, tôi đi ra bờ biển ngắm hoàng hôn. Có ngày hoàng hôn đẹp đến ngạt thở. Tôi chỉ muốn báo tin với bạn thân rằng: Cậu ạ, tớ đang ở nơi mà tớ có thể chạy đi chơi ngoài trời, ở nơi tớ không cần đeo khẩu trang, ở nơi mọi người không nhìn nhau gườm gườm sợ và bỏ đi. Hôm ấy, tôi đột nhiên bật khóc, và nhận thức được rằng mình đã rơi vào cơn lo lắng của những người bị đại dịch bao trùm cuộc sống.
Có thể bạn đã thấy mọi thứ thật bình thường. Nhưng tôi và những người bên cạnh tôi biết cuộc sống đang ở trong bình thường mới – nó không còn bình thường nữa.
Cô bán hàng đầu xóm nhà bạn tôi đã dắt theo một cô bé đi bán cùng, vì cô bé kia vừa vào xưởng làm công nhân ở Bình Dương thì giờ đã mất việc, đành đi gom rau bán từng bó ở chợ xổm Quận 7 cuối ngày. Một người bạn từ doanh nghiệp đang làm ăn ổn định, cuối năm ngoái khi trò chuyện ngày Tết, cậu bảo tôi năm nay muốn thuê thêm ba em nhân viên để tiện xử lý công việc. Giờ các dự định tạm ngừng lại, và cả cơ sở nhỏ nhà cậu cũng tạm thời ngừng việc vì không có khách hàng mua bán gì nữa.
Tôi đã đợi một chuyến bay về nhà trong bốn tháng cho đến những ngày không còn mong đợi gì nữa. (Tất nhiên vẫn chẳng có chuyến bay nào), và mọi cảm xúc dường như dễ rơi vào đỉnh điểm vỡ vụn hơn bao giờ hết. Tôi bật khóc chỉ vì trời mưa hai ngày. Tôi nghe điện thoại bạn tôi nói chân của mẹ cô đã phù ra vì bà không được phép ra khỏi nhà suốt hai tháng và bà mất cả động lực đứng dậy đi bộ trong phòng.
Hôm ấy tôi đang khóc, thì cô chủ khách sạn gõ cửa phòng tôi. Cô cười thật lớn như một bông hoa khổng lồ (vì cô rất to con và đang mặc nguyên bộ đồ xanh dương sang trọng). Cô mang cho tôi bốn quả ớt thật to từ trang trại nhà con gái cô (cách chỗ chúng tôi 2 giờ xe chạy). Cô bảo tôi hãy nấu ăn đi, ớt này cay thiệt, không phải ớt mua ngoài chợ đâu. Xong cô đặt mớ ớt xanh vào tay tôi, và ôm chầm lấy tôi.
Cách đó hai tuần, tôi và cô mới chỉ đứng ngoài đường làm quen với nhau – từ hai người xa lạ.
Cô và chị bạn tôi nói một câu giống nhau: Giờ chúng ta cần nhất là hi vọng. Từng người hi vọng. Mọi người hi vọng. Tất cả chúng ta đều hi vọng.
Chúng tôi đã nói với nhau về tương lai. Một cô nói cô sẽ đưa con đi nghỉ khi thành phố cô ở trở lại bình thường. Một bạn tôi kể anh sẽ đi thăm người yêu – đã ba tháng anh không thể đến thăm cô dù chỉ cách nhau chừng ba tiếng lái xe. Tôi hứa hẹn với người bạn thân về chuyến đi kế tiếp của hai đứa, và cuộc học hành chúng tôi đang theo đuổi.
Tôi đã nghĩ đến thật nhiều khả thể của tương lai, và dần nhận ra, tương lai có đến hay không cũng không quan trọng lắm. Bởi giờ đây tụi tôi đang đỡ vai nhau, cười đùa cùng nhau, nấu một món ăn cùng nhau qua mạng, thảo luận đề tài bài vở kế tiếp, chạy hết quãng đường còn nợ nhau giấc chiều.
Tương lai ở ngay trên tay, với hình hài hi vọng nó trao cho con người. Chúng ta không ngừng lại chỉ vì một đợt kín cổng cao tường.
Vậy nghen.
Khải Đơn
Comment