Truyện – Phần 3: Trận đánh cuối cùng

Tóm tắt kỳ trước: Vì không tin bạn thân Uyên của mình chết đuối, Phượng tò mò đi hỏi tất cả những người liên quan.

>> Kỳ 1: Mười năm sau

>> Kỳ 2: Bóng người phai mờ

Suốt cả tuần trong lớp học, tôi nhìn vào cái chỗ trống để chừa ra đó vào giờ kiểm tra, tự hỏi chuyện gì quan trọng có thể khiến Hoài bỏ liên tục ba tiết kiểm tra?

“Ê, bà còn nhớ vụ con Hoài với Uyên đánh nhau tháng trước không?” – Định ngồi trên cửa sổ vắt vẻo hất hàm.

Tôi mở điện thoại lên, tìm lại tin nhắn hôm ấy một đứa trong lớp gửi link từ Facebook Livestream.

Một cái bạt tai vang thành tiếng xoáy trời đất, vung ra từ đứa con gái tóc ngắn. Tôi nhận ra đó là Hoài sau khi đứa livestream chuyển chỗ đứng vài lần. Nằm bên dưới Hoài, Uyên vùng vẫy. Mái tóc dài của Uyên bờm xờm lên như một thân thể bị tấn công và trở ngược lại phòng thủ bằng vũ lực mạnh nhất một sinh vật có được.

Sau vài lần bàn tay vung lên cào, Uyên đẩy Hoài ra, ấn nó xuống đất. Uyên dẫm lên bụng Hoài, tát từ trên xuống nhiều nhát.

Âm thanh của video vỡ bung ra tiếng hò reo đầy hào hứng. “Tao bắt con Uyên, chung tiền đi,” “móc mắt nó đi Hoài ơi”, “đ** phải đùa, dẫm chết con ôn vật đó đi”. – Tay tôi run lẩy bẩy rồi điện thoại rơi xuống bàn. Âm thanh nhỏ dần.

Cái video cho tôi quyền được chứng kiến một cuộc ẩu đả đâu ra đó diễn ra ngay cổng trường mà bình thường tôi sẽ chạy vọt đi vì sợ hãi. “Diễn viên” trong clip là hai người bạn của tôi. Sự ngổn ngang của âm thanh hò reo va vào tai tôi như những mảnh kim loại leng keng mà người ta khiêu khích đập lên cho ồn ào lủng xoảng – trấn áp kẻ ngoài cuộc nào đó mảy may có ý can dự vào cuộc xung đột trước mặt. Nhưng đồng thời, tiếng vỗ tay đó bơm máu lên tim, nó khiến tim người lọan nhịp. Ai sợ? Ai hào hứng? Ai thấy vui? Ai quyết đánh cược vài chục ngàn đồng để cuộc dây máu ăn phần thêm màu sắc hấp dẫn.

Cuộc xô xát một mất một còn khiến người xem càng lúc càng hăng máu, càng lúc càng thấy mình trở thành phần năng lượng châm vào cho lực cào cấu, đấm đá mạnh hơn trong tay từng đối thủ. Hai người giữa trận – bạn tôi hôm ấy – là hai ngọn đuốc sống thiêu cháy hết mình cho màn trình diễn mà có lẽ chúng không ngờ được ủng hộ đến thế.

Trận ẩu đả qua màn hình điện thoại hóa thành một chương trình truyền hình thực tế. Người xem dự phần rất hăng nhiệt. Người ngoài cuộc thấy quá xa đến mức không cảm thấy sứt mẻ, run rẩy hay bị chấn động. Sự cảm thông càng không tồn tại.

Khoảnh khắc ấy, tôi ước gì mình trở về thời không có điện thoại. Mỗi cuộc đánh nhau trong trường thường sẽ kết thúc bằng việc có một đứa nào đó lén đi méc thầy giáo. Thầy xộc vào giải vây. Hoặc chính những đứa dũng cảm nhất sẽ xông vào giải tỏa cuộc cào cấu. Rồi ai về nhà nấy. Xong chuyện hết phim.

Nhưng hôm ấy chúng tôi tình cờ sống trong thế kỷ của điện thoại có máy quay phim mà đứa nào nhà cũng sẵn lòng sắm cho chúng tôi cầm đi học. Nên chẳng ai méc thầy, chẳng ai giải vây. Người quay phim bận chỉnh góc nào rõ nhất, lăng xăng tới lui phục vụ khung hình. Kẻ xem chẳng phải đi đâu xa, ngồi nguyên trong lớp xem cảnh đánh nhau ngoài cổng trường. Người ta đủ xa nhau để không thấy cơ thể và da thịt đã đổ máu trên màn hình. Uyên vung tay tát, máu từ miệng Hoài ướt đỏ rơi xuống áo. Hoài vùng chạy khỏi khung cảnh. Đứa cầm điện thoại hét lên: “Đuổi theo nó, đuổi theo nó”. Nhưng Uyên nhìn xuống tay, gương mặt nó cũng đầy vết xước. Nó kéo áo trắng xộc xệch lên, quay lưng rời khỏi khung hình – như một diễn viên hoàn thành cảnh quay.

“Nhớ, thì sao?”

“Chả sao cả, Hoài nghỉ học mấy ngày rồi?” – Định lườm tôi bằng cái liếc dài rách mắt. Nó nhảy xuống khỏi cửa sổ bỏ đi.

Cái video đó được chia sẻ đâu chừng khoảng 40 ngàn lượt trong một ngày. Uyên và Hoài bị kỷ luật, viết kiếm điểm và dọn nhà vệ sinh nữ thay phiên nhau suốt một tuần.

Những ngày đó trôi qua như vết thương im lắng khép miệng. Mỗi khi tôi đạp xe chở Uyên về, sẽ có mấy người lớp khác đạp dí theo, nói những câu như “ê, bà oánh lên tay lắm”, hay “người gì đâu dữ như quỷ cái”, Uyên thả tóc dài xuống, để những nếp bông xù che đi gương mặt đầy vết cào đang lên mài đen.

  • Tao không hiểu tại sao Hoài lại làm vậy với tao? – Uyên lầm bầm sau lưng xe.
  • Làm vậy là làm gì?
  • Thôi, đừng hỏi. Tao mệt lắm. Mỗi ngày trôi đi tao lại thấy quá khứ tốt đẹp tới nỗi mình không còn đủ can đảm nhìn về tương lai nữa.
  • Mình đâu cần nhìn hay chạy tới đâu, tương lai sẽ tự tới mà. Như tụi mình, sẽ tốt nghiệp, sẽ vào đại học, có đứa sẽ đi du học. Rồi mày sẽ nhớ những ngày tao chở mày đi học như vầy, vì có thể tụi mình không học chung trường nữa.

Nói tới đó, tôi dừng xe lại, quay lại nhìn Uyên: “Đừng lo. Rồi Hoài sẽ hiểu mày hơn… như mấy năm qua vậy.”

Uyên ôm chầm lấy tôi, cả thân người run lên bần bật. Tiếng nó khóc như âm thanh vang lên rồi chạm vào thành da thịt của tôi, làm cơ thể cũng rung theo từng đợt nấc xô lên không kìm lại được.

Cơn run rẩy đó của người bạn khiến tôi thấy nó thu bé lại hệt như ngày xưa tuổi lên mười, nó đứng trước lớp và kiên quyết không chịu xin lỗi cô vì đã đánh bạn, bởi hôm đó thằng Thái cùng lớp giật cặp sách của tôi giờ tan học. Mặt Uyên khi ấy đanh lại. Không xin lỗi. Không trả lời. Xòe tay cho cô đánh không kêu la. Cô đánh tới cái thứ sáu thì đổ mồ hôi, cho nó về chỗ ngồi. Bàn tay đỏ tía lên vì cây gậy gỗ.

Hồi ấy, tôi nhìn tay mình, không dám hỏi Uyên có đau không. Không dám giơ tay thú nhận Uyên đánh thằng Thái vì em. Không dám can thiệp vào những xô xát làm đau bạn mình. Hồi này cũng thế, tôi chẳng dám mon men lại gần với thực tại mà Uyên mô tả rằng quá khứ tốt đẹp tới nỗi nó không đủ can đảm để thấy gì khác. Mọi thứ đã hỏng hóc tới mức tuột dốc không phanh từ cuộc loạn đả mịt mù ấy.

Tôi giữ lấy vai nó. Để nó khóc ướt áo tôi. Để những ức buồn (hi vọng) trôi qua lớp vải áo và tan vào không khí. Để một hôm nào đó, tôi có thể dắt cả nó và Hoài về nhà như chỉ vừa tháng trước mẹ tôi nấu chè sen cho cả đám ăn. Để ngày thi tốt nghiệp chúng tôi sẽ đi thi về, rời khỏi mái trường, sẽ cùng nhau bay vào chân trời khác không do dự, vì biết rằng luôn có nhau như những ngày cuối cấp bây giờ.

Nhưng vết thương không lành đi vì người đau tự che mắt phớt lờ kết thúc cuộc hội thoại. Cũng như sự im lặng chối từ không đủ để khiến ngọn núi lửa thầm lặng bên dưới tâm hồn tắt ngấm. Nó âm ỉ như cái mũ cồi, chờ dịp sơ sảy nào đó sẽ phun đầy nham thạch và làm bỏng cháy thân thể của bất cứ người nào can dự.

Hai tuần trôi qua, tôi tưởng chủ đề duy nhất để đem ra so sánh của cả thế giới xung quanh chỉ còn là về cuộc xô xát của hai người bạn. “Mày nói năng lung tung, mày có muốn tao táng mày như con Uyên táng con Hoài không?”, “Ngon ra cổng trường làm rõ đâu ra đó với tao”.

Lời khúc khích bay lên như nấm. Hoài không xung phong lên bảng sửa bài nữa, bởi nó sẽ nghe vài tiếng khúc khích bên dưới nhắc lại cái miệng đầy máu của nó dạo nào. Uyên không tham gia hát trên sân khấu đầu tuần dưới cờ nữa. Nhóm văn nghệ đã “khai trừ” nó vì nó bị kỷ luật và trường không cho phép học sinh bị kỷ luật tham gia văn nghệ. Và có lẽ Uyên cũng chẳng thể hát nếu mấy trăm đứa bên dưới “ngưỡng mộ” cái tát “đàn chị” nó thể hiện trong video livestream.

Bàn học trong lớp đã biến thành hàng rào, ngăn cách chúng tôi giữa lớp lớp những câu đùa vô tâm đẩy hai người bạn gái rụt đầu vào như con rùa ẩn nấp vì sợ  bị trừng phạt. Ở bên này hàng rào, chúng tôi thoải mái cười giỡn không ai chống trả kịp. Ở bên kia, Hoài và Uyên cứ teo bé lại dần, như hình nhân búp bê bằng vải xẹp dần sau mỗi lần bị dày vò trong những câu đùa vặn xoáy, trong những kênh kích nhẹ nhàng như trẻ thơ nhưng đầy hả hê độc địa. Họ chật vật tìm cách trở nên vô hình trước những khiêu khích rất vô tư và cho vui đó.

Nhưng cuối cùng thì Uyên đã không còn phải bị dày vò nữa. Nó có thể đang nhìn ngắm tương lai nhẹ nhõm và yên ổn vô cùng, khi cả thế giới thình lình quên hẳn tên nó (hay cố ý lờ đi như được chỉ dạy).

**

“Trường chúng ta đang trải qua một thời gian khó khăn. Tôi hi vọng các em hiểu rằng chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp. Các em cần tập trung ôn thi, không nên xao nhãng trước chuyện bên ngoài, và nhất là tránh nói năng bậy bạ trước nhà báo. Những ý kiến không đúng với chỉ đạo của trường sẽ bị kỷ luật và mời phụ huynh lên làm việc,” Cô chủ nhiệm lớp tôi nói.

Khi ấy, cô đang ám chỉ những tờ báo suốt mấy tuần đang chạy đủ chuyện về vụ Uyên qua đời.

“Nữ sinh bị đuối nước từng có mâu thuẫn đánh nhau với bạn cùng lớp” – một tờ báo mạng tuổi teen đăng.

“Xem lại livestream kinh hoàng của nữ sinh trường T.P” – Một trang web chuyên tin trên mạng viết.

“Chân dung “đối thủ” trong livestream đánh nhau của nữ sinh bị đuối nước”

“Bi kịch trường học của nữ sinh 12 đuối nước”

“Chân dung “đối thủ” nữ sinh đuối nước trường điểm thành phố”

Những tựa báo ghim vào mặt tôi như kẻ trêu đùa nào đó đang ném những nhát dao thẳng vào người nó biết thực sự quan tâm đến nhân vật trong bài viết. Tôi tránh lên mạng, tránh đi bộ qua quầy báo lựa tạp chí như thường làm. Nhưng tất cả tiêu đề đó như gào thét gọi tôi, vờn vũ chung quanh, nhắc tôi không ngừng nghỉ về cái chết của Uyên – hay bằng cách nào đó ám chỉ Hoài có liên quan đến vụ tai nạn đau buồn kia.

Tôi muốn giơ tay đứng lên hỏi cô Vân nói “không đúng chỉ đạo” là những gì, và chúng tôi liệu sẽ phải ăn nói thế nào nếu nhà báo vẫn đến trường và đuổi theo chúng tôi với những câu hỏi có đuôi đầy bứt rứt. Tôi muốn hỏi cô Hoài đâu rồi. Tôi muốn hỏi vì sao không ai nói với nhà báo và công an rằng bạn cùng lớp của chúng tôi là vận động viên thi bơi của trường, làm sao bạn chết đuối được?

Nhưng tôi 18 tuổi, nỗi sợ đầy ngực như quả bóng rất to chèn cả khí thở. Tôi không có chút sức lực nào để hít một hơi dài và diễn đạt câu hỏi tròn đầy rõ nghĩa cho cô như khi tôi viết những dòng chữ này. Tôi thở hổn hển như đứa trẻ đứt hơi, vặn vẹo thân mình trước những xô lệch kỳ dị đang diễn ra trong lớp học bé nhỏ của mình. Tôi chỉ cố gắng vượt qua cú sốc bạn không còn và một bạn khác chẳng thèm xuất hiện nữa. Chừng ấy nỗ lực ích kỷ nhấn tôi xuống thành chú rùa nhỏ, rất im lặng và hồ như vô can trước mọi điều vừa xảy ra.

**

Tôi lại đến nhà Hoài, đi qua vụng nước bắn tung tóe ở xóm và tìm thấy nó đang ngồi xắn quần trước cửa hàng bó rau cho mẹ.

  • Sao mày nghỉ gì bỏ ba tiết kiểm tra luôn vậy?
  • Chắc tao sắp nghỉ học luôn.
  • Nghỉ luôn? Rồi mày làm gì ở nhà?
  • Phụ má tao lo chợ búa, chứ lưng má thoái hóa có hôm cả đêm không ngủ được vì đau.
  • Nhưng còn có bốn tháng nữa là thi xong, rồi mày muốn ở nhà phụ má bao nhiêu mà hông được?
  • Thôi mày về đi…

Hoài đứng dậy bỏ đi vào trong nhà. Mẹ Hoài, dì Chúc, nhìn tôi rồi lại cúi xuống bới những củ khoai tây vun thành đống cao để bắt mắt người mua. Dì không ngẩng lên nhìn tôi lần nào nữa. Tôi đứng đó chờ mãi ánh mắt dì nhướng lên, hi vọng dì vẫy tay gọi mình lại hỏi hai đứa nói với nhau chuyện gì, để tôi có dịp mở lời. Nhưng hẳn dì biết điều tôi muốn hỏi, nên dì cúi mặt quay đi.

Hoài chẳng bao giờ nói gì về chuyện bỏ học trước khi Uyên mất. Nhiều lần dì Chúc đi họp phụ huynh đụng tụi tôi trong thang máy còn nói các con dòm chừng con Hoài dùm dì, bữa nào rảnh đi ngang nhà ghé dì bổ dưa hấu cho ăn. Dì chỉ có mình con nhỏ, dì muốn nó tốt nghiệp rồi làm hay học gì nó ưng, chứ thất học như dì khổ lắm. Không lẽ đời dì bán tạp hóa vất vả rồi lại nỡ bắt con chạy chợ theo mình.

Tôi nhớ tất cả những lời ấy, và tôi biết dì Chúc sẽ chẳng bao giờ muốn Hoài nghỉ học khi chưa đầy bốn tháng nữa là chúng tôi xong hết tất cả các kỳ thi.

Thế giới của tôi rụng vỡ thành từng mảnh, những người thân quen rời xa dần khỏi ghế bàn trường học.

Uyên đâu rồi? Và tại sao Hoài lại bỏ lớp?

Phải chăng tương lai đen tối đến nỗi tôi chẳng còn đủ can đảm tưởng tượng ra nó thêm lần nào nữa?

Khải Đơn

(Còn Tiếp)

======

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

1 bình luận về “Truyện – Phần 3: Trận đánh cuối cùng

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: