Bạn đã đánh mất sự tự tin thế nào?

Có thể sẽ rất khó khăn để bạn nhớ lại lần cuối cùng mình cảm thấy mất mặt và tổn thương khủng khiếp khi còn bé như thế nào. 

Tôi thì nhớ nó rất rõ, vì đã ghi chép lại trong sổ của mình, khi cô giáo chuyên về văn nghệ của khối dí ngón tay vào trán tôi và nói: “Mày vừa đen vừa xấu, thôi thi thố cái gì, để mấy đứa này đi thi đi!” 

Bạn hẳn đang nghĩ tôi rõ là nghiêm trọng hóa vấn đề, chỉ một câu nói thì ảnh hưởng gì ai, nhất là chuyện đó đã diễn ra cả 17 năm trước. 

Nếu bạn thấy bản thân là người cực kỳ thiếu tự tin về bản thân, hãy dành vài phút hoặc một lúc nào đó trong ngày, để nhớ lại xem sự thiếu tự tin của mình bắt nguồn từ đâu. Chép nó ra. Và bạn sẽ thấy chân dung của mình bây giờ, có thể đã bị bóp méo kể từ những vụn vặt tầm phào xa xôi đến như vậy. 

Tôi thường nhận được nhiều câu hỏi như “Em mất hẳn tự tin vào bản thân khi mất việc và không thể xin lại việc mới”, “từ khi chia tay anh ấy, em thấy mình chẳng là gì cả, và sẽ chẳng ai thèm yêu mình nữa”, “em không bao giờ đủ tự tin để đứng nói chuyện trước đám đông, dù chỉ là với nhóm đồng nghiệp trong công việc”. 

Mỗi một câu hỏi trên đây hàm chứa rất nhiều vấn đề ẩn sau sự thiếu tự tin của từng người. Tôi không lâm vào hoàn cảnh của tất cả mọi trường hợp, nhưng tôi sẽ kể lại cách mình vượt qua vấn đề của chính mình, để xem ta có thể giải quyết sự thiếu tự tin ra sao. 

Sự thiếu tự tin của bạn có thể bắt nguồn từ rất nhiều chỗ. Hồi nhỏ đi học bạn luôn là đứa bị bắt nạt, bị trêu chọc không ngớt trong nhiều năm về cơ thể. Nếu bạn béo và đen như tôi, có thể bạn đã nghe đủ mọi tính từ và danh từ xấu xí nhất vứt lên người mình: “Con mọi đen”, “mày như con miên vậy”, “đen thui như cột nhà cháy”, “đen gớm vậy ai nhìn”. À đó chỉ là mấy câu đùa thôi (đó là với người đùa), còn với người “bị đùa”, nó dần dần hóa thành sự thật. Tôi đã tin rằng mình rất gớm, rất kinh dị, rất xấu, và không nên xuất hiện ở chỗ nào đòi hỏi sự hào nhoáng xinh đẹp. 

Hậu quả của việc đó: Tôi mất hết tự tin. Và để khẳng định cho mọi thứ tồi tệ thêm, tôi quyết định bước sang một thái cực khác – đó là dẫm đạp sự bình thường của bản thân mình – biến bản thân mình thành sự cực đoan của thái cực ngược lại: “Ờ tao xấu đó thì sao? Tao có thể làm mọi thứ hơn tụi bây.” – Nghe thì có vẻ hay lắm, nhưng cách suy nghĩ này thực sự nguy hiểm. Nó khiến tôi căng thẳng luôn muốn giành được sự thành công cực đoan, sẵn sàng trả giá đắt nhất để đạt được mục tiêu mình muốn. Khi ta bị ánh nhìn ruồng bỏ, ta tìm cách đâm nát ánh nhìn đó, thay vì sống cuộc đời của riêng mình. 

Lẽ ra tôi có thể sống thật bình thường, thấy rằng cơ thể mình chỉ là bình thường như vài chục triệu người khác trong đất nước mình, tận hưởng niềm vui bình thường chẳng có gì gay gắt. Đàng này, vì cảm giác thiếu tự tin, cảm giác thù địch với bề ngoài, tôi từ bỏ tự do được sống như một người bình thường. 

Có lẽ phải tới năm 29 tuổi (tức là 11 năm sau khi bị cô giáo cười vào mặt) tôi mới nhận ra mình… bình thường. Sự tự tin xuất hiện trở lại vì vài điều đơn giản. Hồi đó tôi ở Thái, chơi với một đám bạn người Thái. Sự cách biệt về ngôn ngữ khiến chúng tôi chỉ nói tiếng Anh với nhau, và chúng tôi cũng không đùa giỡn về cơ thể của nhau. Đôi lần, mấy bạn người Thái đi đạp xe dài cùng tôi hay bảo tôi mặc áo tay dài hoặc đeo tay áo để chống nắng. Bạn giải thích: “Để không bị cháy da và ung thư. Chứ da của cậu chẳng có vấn đề gì” – Và sau đó bạn giải thích họ tránh nói về màu da của nhau vì bạn bè họ nếu đến từ vùng Đông Bắc hay các nhóm tộc người sẽ có thể đen hơn họ, nên họ không đùa giỡn trên màu da của bạn bè. Vậy là có vài năm không ai trêu tôi là “đen như con mọi” như trước. Tôi quên đi những tính từ khiến mình sợ hãi.

Sau đó, cùng thời gian, tôi bắt đầu tập thể thao nhiều và thấy khỏe mạnh. Sự khỏe mạnh đem lại cho tôi một chút tự hào nho nhỏ và thầm kín. Mình làm được việc này. Mình chạy được quãng đường kia. Mình có thể làm việc dài hơn một xíu không mệt. Tất cả sự tự hào đó đẩy lùi dần những ghét bỏ tôi từng nhấn chìm cơ thể và tinh thần mình. Cơ thể đó đang phục vụ tôi rất tốt. Nó khiến tôi yêu hơi thở, yêu di chuyển, yêu từng cảm xúc ra đời. Vậy tại sao tôi lại thù địch với cơ thể đó. Vậy là, tôi tự lý luận lại và thấy mình nên tôn trọng cơ thể của mình. 

Có vài bạn nữ từng kể tôi nghe, các bạn không thể vượt qua sự thiếu tự tin khi sự chê bai và sỉ vả đến từ chính người thân của họ. Có một chị thường bị chồng gọi là “mẹ sề nhà tớ”. Anh dùng cả cụm danh từ đó trên Facebook mỗi khi tag chị vào post nào đó. Sau khi sinh con, cơ thể chị không còn gọn được như cũ, và chị đang rất loay hoay với sự đột ngột mất dáng và tìm hiểu đủ thứ để đẹp lại, thì cách anh đùa giỡn như vậy khiến chị cảm thấy tủi thân vô cùng. Một người bạn khác của tôi thường xuyên bị cha của bạn chê là “thằng hô”, hay “cái mồm như cái mái hiên”. Bạn biết đó là nhược điểm cơ thể. Bạn có tìm hiểu đến những giải pháp như niềng răng để cải thiện gương mặt nhưng vẫn chưa tiết kiệm đủ tiền để niềng răng. Khi bị chính cha mình liên tục đem chỗ chưa đẹp đó ra đùa giỡn, bạn chẳng còn chút tự tin nào, kể cả khi đứng trước nhóm ở công ty thuyết trình, bạn vẫn nghĩ cả công ty đang nhìn vào… miệng bạn. 

Cũng có bạn từ nhỏ luôn bị cả ba má anh chị em họ hàng chê là lùn, lùn quá không lấy được chồng, lùn quá làm gì ăn, lùn quá không có sức khỏe đẻ con sao được. Nói chung lùn là một bất hạnh. Nghe riết một triệu lần thì bạn đó không còn chút tự tin nào về bản thân và nghĩ mình là con bé tí hon vô dụng nhất dòng họ, thua thiệt nhất nhà, kém cỏi nhất thế gian, và không xứng đáng với bất kỳ điều tốt lành gì. 

Người thân là thành tố quan trọng rót thêm đầy bình tự tin hay đạp đổ nó. Sau này tôi đã thấy nhiều bạn mình trở thành cha mẹ đã hiểu vấn đề và hết sức bảo vệ con khi người ngoài chê bai bạn nhỏ về ngoại hình. Nhưng với đứa đã trót thành người lớn như tôi thì sao? – Đã ăn đủ những tị hiềm cười cợt vào mặt, thì làm sao người thân còn cứu gì nổi nữa? – Còn chứ, người thân vẫn là thành tố quan trọng nhất giúp họ tự tin hơn hay hủy hoại chút tích cực còn xót lại trong tâm trí họ. 

Có anh chồng để ý thấy vợ mình mất hết tự tin sau sinh, đã chủ động đề nghị dành thời gian chăm sóc con để vợ đi tập thể dục lấy lại vóc dáng. Đó là niềm động viên quan trọng giúp chị cố gắng có vóc dáng đẹp như cũ. Có cô bạn gái sẵn sàng ngồi nghe bạn trai mình tập thuyết trình cả chục lần trước ngày anh trình bày trước nhóm chung công ty. Vì tập nhiều lần, vì nghe góp ý sửa sau mỗi lần, bạn trai đó dần quên mất nhược điểm cơ thể (là miệng hô) và hay quên bài, đã thực hiện bài thuyết trình tốt như anh mong muốn. Có người bạn trai đủ tinh tế để khen “da em nâu như vầy nhìn rất khỏe mạnh”, hoặc có người chị bảo: “Em có biết để da em nâu vậy có người phải tốn nhiêu tiền đi tắm nâu không?”

Môi trường có người thân yêu liên tục động viên, nhắc nhở sự động viên thường trực sẽ giúp người mất tự tin dần có lại sự tự tin với bản thân và những việc họ làm. Họ mạnh dạn hơn thể hiện. Họ dũng cảm bày tỏ ý kiến. Họ dám xung phong thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà trước họ chẳng bao giờ dám. Sự tự tin tưởng chỉ là món đồ vô hình, có thể gíup một người khai mở cả con đường mới trước mắt họ. 

Nếu môi trường sống của bạn không khuyến khích sự tự tin thì sao?

Có những mối quan hệ độc hại. Một người bạn thân thường hạ thấp bạn để họ thấy họ tốt đẹp hơn. Họ trá hình những chê bai dưới cái vỏ của “lời khuyên”. “Tao thấy mày làm được lắm, nhưng còn non yếu như mày thì nên quên vụ này đi.”, hay “Tớ cá nhân thấy là cậu rất giỏi, cậu làm được việc này. Nhưng cậu nghĩ công ty có cho người không đẹp dáng như cậu xuất hiện trên sân khấu không?” – Không phải những lời như vậy không có lý, mà chỉ là nó đạp đổ dự định của bạn từ trước khi bạn bắt đầu nghĩ về bước đi kế tiếp. Vì vậy, hãy cẩn thận với những lời khuyên “ban ơn” kiểu này. 

Có những người chồng dùng cách này để thấy mình có giá trị hơn vợ (hoặc ngang vợ) hoặc đơn giản là để cô ấy thấy bản thân vô giá trị, may mắn lắm mới yêu được anh ta. “Em ăn mặc vậy quê chết, đi tiệc công ty anh dám nhìn ai”, hoặc “em béo ú xệ thế này, thôi đừng có mặc mấy đồ màu mè lòe loẹt”,  hoặc “người ta sang vậy mới đi này đi kia, em con cái đùm đề ở nhà đi chứ đi đâu”. Cách này làm khu biệt phụ nữ dần trở thành “con mụ” trong bếp, không dám bước ra đường, sợ mình làm xấu mặt gia đình, tủi thân vì mình thấp kém làm chồng không nở mày nở mặt. 

Có những bạn gái cũng dùng cách này, như phương tiện để “giữ chân” người đàn ông của mình. Cô chê bai anh kém cỏi không thành công. Cô bày tỏ rằng anh chả kiếm được nhiều tiền bằng đồng nghiệp cô thì nên ở nhà lo cho gia đình. Đây là phiên bản nữ của kiểu chồng bên trên. 

Những môi trường độc hại này dần sẽ bóc sạch chút tự tin cuối cùng còn sót lại trong bạn, để lại bản thân bạn chỉ là một cái vỏ kén phục vụ theo nhu cầu và ý nguyện của người sống bên bạn. Bạn ngừng sống cuộc đời của bạn. Bạn ngừng dũng cảm cố gắng. Bạn mất niềm yêu đời. Và bạn thấy kiệt quệ trong sự tủi hổ phận bạc. 

Vậy có phải là bạn phận bạc tủi nhục không?

Hồi đó tôi quen một anh làm từ thiện. Anh đến thăm một em bệnh nhân bị cắt bỏ hai tay. Em ấy bảo cuộc đời bất công với em. Tại sao lại là em. Em không thể sống nữa. Anh dắt bạn đó đến nhà một người bạn bẩm sinh không có cả hai tay, mà chỉ có chi tới cùi cỏ. Anh ấy là một nhà thiết kế. Anh nhờ người bạn đó chỉ em cách tự đánh răng, tự cầm muỗng, tự ăn, tự thay quần áo, dù chỉ có cùi chỏ. 

Anh chỉ nói với em bệnh nhân vài điều: Thứ nhất là cuộc đời không bất công với em, vì có nhiều người cũng gặp vấn đề như em chứ không phải em là đứa duy nhất. Thứ hai là hãy nhìn người khác khắc phục sự cố đó, em cũng có thể làm được. Sau rất nhiều tháng tập luyện thì bạn bệnh nhân cũng đã tự chăm sóc cuộc sống của bạn được như hồi còn tay, dù vất vả hơn. 

Đó là cách giữ gìn và tăng cường sự tin của bản thân. Ta cần có sức khỏe tốt, để thấy tự hào về cơ thể. Ta cần có người đủ nhiệt thành và tốt đẹp động viên ta, khẳng định liên tục là ta bình thường và tốt đẹp, như cách anh bạn tình nguyện tôi làm. Và cuối cùng, ta cần hành động: Hành động có thể thay đổi tất cả những sự tự ti cùi bắp nhấn chìm ta. 

Nếu bạn thấy mình thuyết trình chưa tốt, hãy tập nó 10 lần trước ngày thuyết trình.

Nếu bạn thấy mình bị chê bai về cách ăn mặc, hãy hỏi người giỏi về ăn mặc chỉ dẫn mình cách ăn vận đúng đắn theo hoàn cảnh. 

Nếu bạn bị cười vì cơ thể bạn không giống người xung quanh, hãy nhớ rằng bạn bình thường. Nếu bạn đen thui (như tôi), thì hãy nhìn ra đường để thấy cả ngàn bạn khác cũng đen… y hệt tôi. Nếu bạn lùn thật lùn, hãy nhớ rằng hồi xưa mình đi học, đứng kế mình có ít nhất 5 đứa lùn y chang, mình có quái gì mà khác biệt dị thường đâu. 

Nếu ai chê bạn, hãy bảo họ ngừng nói – vì bạn cảm thấy bị tổn thương. Bạn không thích nghe những lời ác ý như vậy. 

Đó có thể là khởi đầu của sự tự tin mà bạn đã chôn vùi nhiều năm. 

Chúng ta sống như những người bình thường – hãy tận hưởng sự bình thường tốt đẹp đó – không có gì xấu hổ cả. 

Khải Đơn

========

Bạn có thể đọc thêm về chủ đề này tại các website sau:

https://www.lifehack.org/565816/low-self-esteem

https://www.nhs.uk/conditions/stress-anxiety-depression/raising-low-self-esteem/

https://www.goodtherapy.org/learn-about-therapy/issues/self-esteem

=======

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

5 bình luận về “Bạn đã đánh mất sự tự tin thế nào?

Add yours

  1. cảm ơn chị về bài viết ạ! đôi khi cũng là câu hỏi của em mỗi khi nghĩ về cách người ta đánh giá mình qua bề ngoài, mất tự tin ở một môi trường quan trọng bề ngoài là ko tránh khỏi đc, xây dựng bản thân theo 1 hướng khác là điều em đáng làm.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: