Bạn đã dành tặng gì cho người phụ nữ?

Có bao giờ bạn tự hỏi, quyền của phụ nữ đến từ đâu không? 

Tôi quen một bạn người Mỹ dạy tiếng Anh ở Hàn Quốc khoảng 20 năm trước, khi Hàn Quốc vẫn còn nhiều thủ cựu trong tư tưởng và phụ nữ vẫn bị kìm tỏa trong những giới hạn nền nếp gia đình quy định. 

Cô kể lại thời gian đó: “Tôi vẫn còn nhớ, hiệu trưởng trường tiếng Anh của tôi cố ý bỏ qua trường hợp một giáo viên nam người Mỹ đã bốn lần tìm cách sờ soạng giáo viên nữ người Hàn Quốc và bị tố cáo trong cuộc họp. Hôm đó chúng tôi phải họp cho ý kiến, và tôi giơ tay nói: “Nếu trường không kỷ luật giáo viên người Mỹ đó, sẽ đến lúc anh ta tìm cách xâm hại cả sinh viên. Thử nghĩ xem nếu trường ta có sinh viên bị đe doạ, ai sẽ dám cho con cái đi học tiếng Anh ở đây nữa.” – Tất cả giáo viên nữ nhìn tôi xong quay đi. Không ai nói tiếng nào, kể cả bốn cô giáo đã từng bị anh người Mỹ kia đụng chạm.” 

Sau hôm đó mọi người hỏi sao cô gan như vậy, không sợ mất việc sao? Và cô có phải là người bị đụng chạm đâu? – Cô giải thích rằng không phải vì cô không bị đụng chạm mà cô không can thiệp. Cô nghĩ mọi phụ nữ đều phải được tôn trọng trong môi trường học tập. Nếu vì nể nang, đến lúc sinh viên bị xâm hại, chính cô làm giáo viên sẽ thấy ân hận. Nếu mất việc cô sẽ đi xin ở trường khác. Cô không nói xấu gì sau lưng ai mà nói rõ trong cuộc học nên chẳng có gì sợ. 

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng hiệu trưởng cũng phải cho bạn giáo viên người Mỹ thôi việc. 

Ngày trước, có lần đi viết bài, tôi từng được giới thiệu gặp một bác sĩ sản khoa có phòng mạch ở nhà gần khu công nghiệp ở Bình Dương. Một chị công nhân kể, chị đi khám ở bà bác sĩ xong lúc ngồi rảnh kể chuyện bạn chị bị nhà chồng cấm kế hoạch hóa vì… đòi đẻ con trai. Mà cô ấy nghèo khổ quá, đã đẻ tới bốn đứa rồi, bị chồng đánh đập suốt, cuộc sống bế tắc hoàn toàn nhưng không có tiền nên chẳng dám đi kế hoạch.

Bà bác sĩ bảo nói cô ấy đến gặp bà nếu muốn kế hoạch, bà sẽ giúp miễn phí. Ngoài công việc kiếm tiền hàng ngày, bà nhận phá thai miễn phí cho những nữ công nhân không còn lựa chọn nào khác khi lỡ mang thai, và giúp kế hoạch hóa miễn phí cho những công nhân nghèo không dám đi bệnh viện (dù giá ở bệnh viện cũng rất ổn, nhưng vì nghèo người ta sợ cả đi bệnh viện tốn tiền). 

Tôi từng gặp một bạn người Thái thỉnh thoảng dư tiền đi làm từ thiện tặng quà. Bạn từng cho tôi xem gói quà bạn gói, thường có khăn vệ sinh, băng vệ sinh và khăn giấy, cũng như dung dịch xà phòng khô gội đầu hoặc nước rửa tay. Bạn kể rằng bạn thấy buồn khủng khiếp sau một lần đi từ bến tàu BTS xuống nhìn thấy một cô phụ nữ người vô gia cư, ngồi sát rạt cầu thang bến BTS, cố gắng che chắn vì… kỳ kinh nguyệt dây ra. Hôm đó, cô chạy ngay vào 7-Eleven mua một túi băng vệ sinh, và dắt cô vô gia cư đi về căn nhà thuê cô ở gần đó để thay băng. Từ đó, mỗi lần đi làm từ thiện (theo cách cô chọn là có dư tiền thì cho qùa), cô đều mua thêm những món như vậy cho người nhận là phụ nữ. 

Một bạn người Hàn Quốc tôi quen kể rằng hồi cô mới đi làm, cô sợ nhất cảm giác về nhà, vì gia đình cứ ép cô phải đi gặp gỡ, ra mắt với người cha mẹ, họ hàng muốn làm mai và bắt cô cưới. Cô kể chuyện đó cho một bạn đồng nghiệp người Singapore làm chung trong công ty nghe. Bạn kia bảo: “Cậu là một phụ nữ trưởng thành, có nghề nghiệp, xinh đẹp. Cậu có thể cưới bất kỳ ai cậu muốn, không phải cha hay mẹ cậu muốn. Cậu có thể cưới người mà cậu yêu, không phải người họ hàng cậu chọn.” – Cô kể, lúc đó cảm thấy như “Woah, đúng là vậy mà!” – Như thể thình lình phát hiện ra chính mình, cô thư thả hơn và mặc kệ áp lực gia đình cho đến khi cô gặp bạn chồng sau này, là một anh người Mỹ làm chung team trong công ty mà cô quen vài năm sau đó. 

Phụ nữ cần bao nhiêu quyền ở trong đời? – Tôi sẽ chẳng nghĩ họ cần thêm bao nhiêu quyền nữa nếu như tôi chỉ nhìn vào thế hệ tôi và bạn bè. Chúng tôi được học hành, có tự do chọn lựa, có thể tự lo thân. Nhưng tôi dần nhận ra rằng quyền của phụ nữ không thể tự có được. Nó bắt đầu từ những thứ vô cùng nhỏ và khó nói, những điều chi tiết sâu kín, vốn bị xã hội coi là đề tài cấm kỵ không bàn tới. 

Tôi trò chuyện nhiều với các bạn Indonesia để hiểu rằng thật mừng vì tôi là người Việt Nam, nơi dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ không phải đề tài cấm kỵ, không cấm phá thai, không tội phạm hóa tự do tình dục. Ở Indonesia, hàng năm rất nhiều bạn nữ chết vì lén lút phá thai tại nhà hoặc dịch vụ bất hợp pháp. Nhiều người trong số họ gần như không có cơ hội đi khám phụ khoa vì những lề luật cũ kỹ ở làng xã nghèo. 

Tôi cũng hiểu rằng những thứ tầm phào chẳng ai buồn đề cập đến như kỳ kinh nguyệt, băng vệ sinh, quyền được tự do chọn bạn đời, tự do yêu và ngừng yêu ai đó, quyền được điều khiển và bảo vệ cơ thể mình (thay vì để xã hội phán xét và xài xể nó)… sẽ quyết định mức độ tự do mà một phụ nữ dám dũng cảm bước ra khỏi hàng rào vây bọc họ. 

Khi bạn bất ngờ coi được một clip sex trả thù của một tay bạn trai đê hèn nào đó tung lên mạng, nếu bạn lên tiếng để ủng hộ cô gái nạn nhân – bạn đã cho cô ấy thấy cô không có gì phải xấu hổ gì về cơ thể, phẩm giá hay sự bình thường của bản thân. Chính kẻ trả thù mới là đứa đê hèn đáng xấu hổ.

Khi bạn thấy một cô bé học trò nghỉ học sớm vì gia đình muốn em đi lấy chồng, và bạn giúp em được đi học tiếp, bạn giúp một người phụ nữ tương lai không dốt chữ và dám tự chủ sống đời của họ.

Khi ở cơ quan, bạn lên tiếng đòi một hành vi vũ phu, thô bỉ với đồng nghiệp nữ phải bị lên án, là bạn giúp chính bạn đồng nghiệp nữ ấy tôn trọng thân thể họ hơn trước những sự chà đạp vô liêm sỉ.

Hoặc như cô bạn người Thái tôi kể, có khi bạn chỉ cần cho cô người giúp việc trong nhà một phần sản phẩm vệ sinh cá nhân, là bạn đã tăng thêm rất tự chủ cho cô ấy.

Những điều đó, hơn ai hết, khi là phụ nữ, bạn sẽ hiểu người phụ nữ đối diện bạn cần gì. Đó là thứ tự do vô cùng trừu tượng, bí mật, bị che khuất nhưng cực kỳ quan trọng. 

Vì vậy, lần kế tiếp, khi bạn hỏi quyền phụ nữ của mình lớn đến đâu, hãy giúp một phụ nữ gần bên bạn có thêm quyền được là phụ nữ: Thân thể được tôn trọng, tinh thần được cởi trói, và được chăm sóc khi làm mẹ, thai nghén hay đến kỳ kinh nguyệt. 

Để chúng ta được là chính mình. 

Khải Đơn

=============

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

1 bình luận về “Bạn đã dành tặng gì cho người phụ nữ?

Add yours

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: