Đã lâu lắm rồi không gặp một đạo diễn phát cuồng vì hình ảnh như trong Mad Max – The Fury Road
Không còn những khung hình chậm rãi kiểu những năm 70 khi lần đầu Mad Max xuất hiện, cũng không còn những pha motor nặng màu biểu diễn như Mad Max 2. Đúng như George Miller mô tả: “Chúng tôi đã viết bộ phim như một storyboard vì nó phải là một cuộc rượt đuổi không ngừng, và bạn nhận ra nhân vật trong câu chuyện khi bạn theo cuộc đua đó. Tất cả diễn ra trên cùng khung cảnh và cùng loại xe, vậy chẳng phải tốt hơn là vẽ hình ra cho rõ sao? Hitchcock có một câu nói mà tôi cực kỳ thích về điện ảnh. Ông nói: “Tôi muốn làm một bộ phim mà người xem không cần đọc phụ đề mà vẫn hiểu dù phim chiếu ở Nhật.”
Câu chuyện của Mad Max lần này là thế giới tương lai, sau chiến tranh hạt nhân, thế giới chỉ còn là hoang mạc và mọi nền văn minh đều bị hủy diệt. Max – một người sống sót – đã bị bắt bởi lực lượng War Boys – quân đội của một lãnh tụ độc tài tên Immortan Joe. Max bị biến thành “túi máu” – một sản phẩm để cung cấp máu cho những cậu bé lính yếu ớt của Immortan Joe.
Tình cờ, một thủ lĩnh quân đội của Immortan Joe, tên Furiosa – trong chuyến đi đổi nước lấy dầu, đã giải cứu cả 5 bà vợ của Immortan Joe, và cùng họ chạy trốn trên “con đường thảm khốc”. Cô gái cụt tay thủ lĩnh này đã lái cỗ máy chiến tranh, vượt qua hoang mạc và nhiều lực lượng truy đuổi, để đi tìm “Vùng Xanh” trong ký ức tuổi thơ cô.
Max vô tình “nhập đoàn” với cuộc truy đuổi này khi Nux – một “cậu bé chiến tranh” của thủ lãnh Immortan Joe muốn lập chiến công đuổi bắt lại 5 bà vợ cho sếp – và hắn cột Max trước xe như một túi máu cấp cứu cho sức khỏe yếu ớt của mình.
Rất ít khi tôi được xem một bộ phim mà đạo diễn đã phát cuồng vì hình ảnh đến mức ấy. Ông cực đoan đẩy vẻ đẹp của đại cảnh và các pha hành động lên tận cùng. Cơn bão cát khổng lồ. Hàng dài xe lao đi trong hoang mạc bất tận. Những thủ lãnh nhấn ga tận cùng và vỡ tan tành cùng xe pháo. Những chiếc dirt bike chạy cực mượt mà trên các đỉnh núi cao và đường chạy cực mỏng. Pha ép xe và tấn công hiểm hóc như một cú đá vào mạn sườn đối phương. Mọi câu chuyện sẽ được kể trong trận đánh. Tất cả mâu thuẫn sẽ được trình bày qua lời thoại cực ngắn và pha chiến đấu kế tiếp. Trên “con đường thảm khốc” Furiosa và Mad Max cùng lái, cùng chạy trốn và khán giả chỉ có thể biết chuyện gì đang xảy ra bằng cách tham gia vào trận đánh ấy.
George Miller điên lên với hình ảnh hoàn hảo và cả những ý tưởng cực đoan đầy tính máy móc. Một thế giới hậu tận thế xây dựng trên máy móc, trên ý niệm về máy móc,cực đoan về máy móc, tình yêu và sinh đẻ như một cỗ máy, thân xác con người chỉ là mớ bệnh tật rệu rã dựa vào nhau trước biên giới sự sống và cái chết. Các giá trị bị bẻ gãy và lắp lại theo phương thức của máy móc: Đàn bà làm máy vắt sữa, người khỏe mạnh nhóm máu O làm túi máu, nước được chặn lại và cấp theo chu kỳ buôn bán. Các thị trấn tên Xăng, Đạn và Nước. Mọi yếu tố trong ý thức hệ loài người được cắt tỉa xuống tối giản, tạo ra sự khốc liệt gần như nghiến sạch da thịt con người cho một mục đích tối thượng là thế giới toàn vẹn cơ khí. Xã hội này cực đoan đến độ, khi xưng tụng chúa tế, lũ dân đen không hô “hoàng thượng vạn tuế” mà hô to “V8, V8” – tên một loại động cơ xe hơi.
“Con đường thảm khốc” là một cuộc sống sót trên hoang mạc của cái không gì cả, nơi những nhân vật đi từ tuyệt vọng đến nơi họ ao ước – đập đầu vào tuyệt vọng – và quay trở về đối mặt với sự tuyệt vọng như một cách sống còn cuối cùng. Cốt truyện của Mad Max đơn giản đến nỗi nó… gần như chả có cốt truyện gì. Ai mong chờ một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật kể chuyển thấu suốt hay có những câu thoại ý nghĩa hầu như sẽ thất vọng hoàn toàn.
“Mad Max: The Fury Road” đã được George Miller đẩy lên mức trở thành tượng đài cực đoan của ông về quan niệm hình ảnh. Nơi mọi mâu thuẫn hay pha hành động đều là những khoảng hình ảnh ngộp thở và tráng lệ đến khó chịu. Hãy xem lại một cảnh trong đêm rượt đuổi, khi nhóm của Furiosa đi qua đầm lầy, tay thủ lĩnh của thị trấn Đạn đã cho xe rượt bắn trong đêm cực kỳ rát. Hình ảnh xây dựng như một bản nhạc rock, tay thủ lĩnh 2 tay hai súng, mắt mù buộc kín, vung súng bắn trong bóng đêm màu xanh rượi. Hành vi này về mặt logic nhân vật thì vô lý, nhưng nó tràn ngập cảm hứng như một bản nhạc, nơi chiến trường trở thành sân khấu và vị thủ lĩnh là tay cầm đàn đang hưng phấn quá độ. Không còn bất cứ giới hạn nào về độ tưởng tượng, George Miller chơi tất cả những trò mà ông nghĩ ra trên cái nền cảm hứng của kỹ xảo hình ảnh hiện đại, vượt xa 3 phần trước của Mad Max hơn 30 năm trước.
Hình ảnh trong Mad Max được xây dựng với “tone” Cơ khí và nhạc Heavy Metal, giữ nguyên vẹn không khí và cảm giác từ xưa khi ông tạo ra hình ảnh Mad Max. Vẫn những tay đàn ông sau vô-lăng, những vô-lăng trang trí họa tiết hầm hố, dẫn đầu đoàn rượt đuổi là một tay guitar điện phun lửa trong trang phục biểu diễn màu đỏ rực khốc liệt, cuộc tấn công đêm khuya ngập tràn ánh sáng sân khấu, cơn bão cát sấm sét như một video ca nhạc hung hãn bùng cháy.
Và đúng như George Miller từng nói, khi ông nhìn thấy Tom Hardy, ông đã có lại đúng cảm giác cái ngày Mel Gibson đến cast vai Max cho phần đầu tiên của của bộ phim, Tom Hardy đã diễn hoàn hảo cái vai anh đảm nhận. Anh vượt qua được cái bóng của Mel Gibson trong suốt 3 phần phim ăn khách. Anh tiết chế cảm xúc, diễn đạt ngắn gọn từ ánh nhìn đến cơn xúc động, để cái phần thô ráp tự nhiên hiển hiện trong mỗi pha hành động. Tom Hardy đã đưa cái ánh mắt xao xuyến vương đầy bụi trần của Mel Gibson sang một sắc độ khác, nơi sự mềm yếu của một cựu cảnh sát thời hậu tận thế phải nhường chỗ cho con đường sống còn khắc nghiệt.
Và Furiosa – thủ lĩnh của “Cỗ máy chiến tranh” – cô gái cụt tay trọc đầu với gương mặt tàn khốc trên hoang mạc – cô là một vai diễn nhiều nội lực, vượt qua giới hạn của việc hiển thị hình ảnh choán hết chỗ của biểu cảm nội tâm, Furiosa đã tỏa sáng theo một cách nữ tính và bạo liệt khác thường.
Nhưng chuyện về Furiosa là một chuyện khác – mà chính George Miller cũng đang định kể tiếp trong một phần sau của Mad Max 🙂
Thôi chờ đi vậy!
Khải Đơn
Comment