Đổ lỗi cho nạn nhân

Không gian văn phòng có vẻ là chỗ thích hợp để kẻ có quyền lực đi tìm con mồi cho các trò xâm hại tình dục và quấy rối. Như vụ việc vừa xảy ra ở báo Tuổi Trẻ, dù chưa biết sự việc đi đến đâu. Nó mới được đưa ra mổ xẻ, thì các đối thoại đổ lỗi cho người yếu thế đã xuất hiện. 

Tại sao kẻ quấy rối chọn không gian văn phòng? 

  • Kẻ có quyền lực có sẵn “quà”, “kẹo ngọt” để dụ dỗ nạn nhân. Dụ dỗ ban phát hợp đồng, vị trí, ký giấy công tác, ưu tiên công việc…
  • Nếu bị phát hiện, nạn nhân khó có cơ hội lên tiếng, vì là kẻ “chiếu dưới”. Một cơ quan thường sẵn sàng hi sinh nhân viên nhỏ, mới vào nghề, chứ ít khi chịu xáo trộn nhân sự khi sa thải người làm sếp, chuyên gia, nhân sự cao cấp. Nhìn tương quan lực lượng là thấy, ngay từ đầu nạn nhân đã nằm trong rọ.
  • Luật pháp/luật cơ quan thường luôn ép nạn nhân phải chìa chứng cứ ra, thay vì điều tra cả hai. Khi bị đẩy vào sức ép lớn, người bỏ cuộc sẽ là nạn nhân. Kẻ quấy rối sẽ thắng dễ dàng vì có đủ tiền, quan hệ, sức mạnh để bọc lót toàn bộ.
  • Dư luận trong công sở dễ dàng chọn sếp làm “phe” vì không muốn sứt mẻ vị trí, không muốn mất công việc và về cơ bản là chuyện đó… chả liên quan gì đến họ.

Bạn có đang ở thế dễ bị quấy rối không?

  • Dù là nam hay nữ, bạn đều có thể là người bị quấy rối.
  • Khả năng bị quấy rối tăng cao khi kẻ muốn điều đó là sếp trực tiếp của bạn. Họ có thể dùng sức ép công việc, quyền lợi, hợp đồng, đẩy bạn vào thế không có đường lui.
  • Họ có thể đe dọa đuổi việc bạn.
  • Họ có thể hứa hẹn cho bạn ưu thế công việc.
  • Họ dùng nhiều lực lượng tin đồn khác (như nhân viên cùng phe) đẩy bạn vào thế bị cô lập.

Khi nào ta trở thành kẻ đổ lỗi cho nạn nhân? 

Thông thường, khi chứng kiến một vụ án hiếp dâm, quấy rối, cưỡng bức, xâm hại, dư luận sẽ luôn xuất hiện các lập luận sau đây:

  • Ai biểu em hay ăn mặc hở hang thì mới bị chứ? Ai biểu em xỉn thì anh mới làm vậy!  – Ăn mặc gì là quyền tự do của mỗi người. Cho dù người đó có ở truồng thì cũng chỉ có quy định tại nơi làm việc hoặc luật pháp mới có quyền yêu cầu họ mặc đồ lại. Không thể vì họ mặc mát mẻ mà kẻ gây án có quyền nhảy xổ vào cưỡng hiếp họ xong bảo ai biểu em hở hang. Cưỡng hiếp là cưỡng hiếp, không liên quan gì tới quần áo.
  • Tại sao bạn tạo cơ hội cho kẻ ấy quấy rối bạn, sao không gặp nhau ở chỗ đông người? – Dù ở chỗ vắng người hay đông người, thì quyền cá nhân của bất kỳ ai là thân thể họ không thể bị xâm phạm, sờ mó mà họ không cho phép. Hoàn cảnh không phải là yếu tố dùng để thông cảm cho kẻ làm chuyện đồi bại.
  • “Tại anh, tại ả cả, cứ phải chờ xem?” – Cho dù hai người đã quan hệ tình dục với nhau 1000 lần, nhưng ở lần thứ 1.001, một trong hai người không tự nguyện đồng thuận/đồng ý, thì đó vẫn là một vụ hiếp dâm.
  • “Em có bằng chứng không mà tố cáo?” – Như đã đề cập đến bài viết trước tại đây, một công sở lành mạnh sẽ tìm hiểu rõ ràng sự việc và nghiêm khắc để hiện tượng trên không có quyền thao túng và lộng hành trở lại. Tuy nhiên, điều kiện lý tưởng trên chỉ có trong… phòng thí nghiệm. Và kết quả là, như thói lệ đã quen, dư luận thay vì chất vấn kẻ gây tội, chuyển qua chất vấn nạn nhân, đòi họ tự chứng minh là họ bị tổn thương. Hãy đặt câu hỏi, đây không phải một vụ cãi nhau, đây là quấy rối và xâm hại, và nó phải được điều tra nghiêm túc, chứ không phải tông ngã cái xe, bảo em chứng minh em hư gì rồi tôi đền cho. Dùng sức ép “bằng chứng” (mà đi tìm bằng chứng đâu phải chuyên môn của nạn nhân) là trò dễ nhất để đẩy nạn nhân vào sự im lặng vì yếu thế.
  • “Ai biểu em để nó quay clip, chụp hình mát mẻ, thì nó tung lên chứ làm gì?” – Chụp ảnh gì là quyền cá nhân của mỗi người. Còn kẻ tung ảnh/clip ra công chúng mà không có sự cho phép của người trong ảnh là hành vi không thể chấp nhận được. Nó sẽ là hành động tống tiền nếu kẻ đó dùng clip để ép nạn nhân tiếp tục quan hệ/vòi tiền.
  • “Chắc lại muốn vòi tiền hay hợp đồng chứ gì?” – Đây là cách dễ nhất để đổ lỗi cho nạn nhân. Nhưng thường cuối cùng rất ít khi ta thấy nạn nhân thực sự nhận được quyền/hợp đồng/tiền gì trong suốt vụ việc và sau vụ việc. Vậy tại sao bạn dùng cách này để làm tổn thương người bị hại hơn nữa? Bạn nghĩ rằng đụng chạm, sờ mó là được nếu như có lời hứa hẹn của tiền bạc và vị trí sao?

Dù quan hệ ái tình có phức tạp đến thế nào, thì quan hệ không có sự đồng thuận đều là cưỡng hiếp. Hành động đụng chạm, sờ mó thân thể một người mà không được chấp nhận là quấy rối. Dùng ngôn từ hành hạ tinh thần, quấy rối, gợi ý chuyện quan hệ mà người kia không chấp nhận là quấy rối tình dục.

Và nếu bạn không ở trong hoàn cảnh bị làm “con mồi”, xin đừng dùng kiểu đổ lỗi cho bạn nhân làm logic ứng xử. Nạn nhân ở thế rất yếu, bị tổn thương tinh thần, danh dự, cơ thể. Đổ lỗi cho nạn nhân, bạn đang chắp thêm cánh cho kẻ xâm hại, quấy rối để chúng tự đắc hơn khi hành động.

Bạn cho chúng cơ hội đẩy không gian văn phòng vào tình trạng bẩn thỉu, dung thứ và ngầm cổ cũ dạng hành vi này lan rộng.

Khải Đơn

 

 

3 bình luận về “Đổ lỗi cho nạn nhân

Add yours

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑