Tâm hồn như một cái cây 

Với hoàn cảnh cá nhân, tôi được lớn lên mà không được giáo dục về việc tự chăm sóc sức khỏe tinh thần, cả trong gia đình lẫn trường học. 

Sau rất nhiều năm, khi ngoái nhìn lại, tôi nhận ra tâm hồn mình như một cái cây. Không chăm sóc nó, nó sẽ yếu ớt, mỏi mệt, đau đớn. Không ướm chừng điều gì đang xảy ra, nó có thể trở thành lưỡi dao dần xâm lấn và hủy hoại cơ thể. 

Nhưng để gọi tên cảm xúc và nhìn rõ những nguy cơ sức khỏe tinh thần đang tới cực kỳ khó khăn, nhất là khi ta lớn lên mà không có người am hiểu về sức khỏe tinh thần, hoặc không có ai hướng dẫn để ta tự soi chiếu, hoặc tệ hơn là ở những nơi mà những vấn đề về cảm xúc, tinh thần thường bị coi nhẹ, hay bị gọi tên là “điên khùng”.

Trong bài viết này tôi sẽ tóm tắt lại những gì xảy ra với cá nhân, cách thức tôi nhận diện và ứng xử với chính mình, trong hoàn cảnh thiếu kiến thức cơ bản và không có sự tiếp xúc với người am hiểu vấn đề này. 

Căng thẳng 

Ta nghe từ này trên quảng cáo nhiều tới nỗi bất cứ ai cũng có thể tưởng mình đang bị căng thẳng (như quảng cáo), và nghĩ rằng những loại thuốc được quảng cáo, chuyến nghỉ dưỡng hay các gói liệu pháp… sẽ giúp bạn hết ngay căng thẳng. 

Căng thẳng xảy ra khi nội lực bên trong của cơ thể không thể đáp ứng được những yêu cầu từ bên ngoài tác động vào(1). Tôi không hề biết bản thân bị căng thẳng suốt một thời gian dài, vì sức làm việc có thể kéo dài và tăng cường liên tục (đó là thứ tôi luôn tự hào). Bị rụng tóc. Ăn nhiều và liên tục. Một số bạn tôi quen lại có nhu cầu mua sắm liên tục, đặc biệt khi ở giữa những tuyến bài căng thẳng họ theo đuổi. Hút thuốc. Sử dụng rượu bia. Tôi sử dụng bia khoảng 5 ngày/tuần và nhiều buổi sáng đi làm trong trạng thái bị hangover. 

Khi là sinh viên, bạn có thể đang bị căng thẳng nếu thức nhiều đêm liên tục đến sáng, đi nhậu lịch dày đặc với bạn bè, hoặc tệ hơn là bạn thường dễ bị xúc động, bật khóc… nó có thể là biểu hiện của thứ nguy hiểm và xa hơn sự căng thẳng bình thường. 

IMG_6357

Tại sao trên báo, đài nói nhiều về căng thẳng đến vậy, mà tại sao tôi vẫn bị mà không biết? – Vì tôi tin mình rất khỏe, rất mạnh, bất khả chiến bại. Vì tôi cần chạy thật nhanh trong sự nghiệp của mình, có thành công và được tôn trọng. Vì tôi muốn thỏa mãn những mong muốn nghề nghiệp trong tưởng tượng của mình. Có những người tôi gặp lại không hề nghĩ nó có thể trở thành điều gì nghiêm trọng. Nghe quá nhiều về căng thẳng trên quảng cáo khiến họ nghĩ nó chỉ là một “mốt” thời thượng để than phiền với nhau trên bàn nhậu. 

Tệ hơn, nếu bạn nói với người xung quanh như sếp, cha mẹ, anh chị mình thấy bị căng thẳng, câu trả lời thường nhận được có thể rất khó chịu: Thì nghỉ việc mấy hôm đi rồi làm lại; cứ như nhà giàu giẫm phải gai mồng tơi nhỉ; thế căng thẳng quá nghỉ đi rồi để anh chị nuôi…

Thái độ này cũng khiến rất nhiều bạn sẽ khoát tay lờ đi những gì đang xảy ra trong cơ thể mình, và cứ tiếp tục lối sống như lệ thường. Tiếp tục uống. Tiếp tục làm việc thời gian kéo dài. Tiếp tục lo lắng không thể ngủ được về tiền bạc, họ hàng, người yêu, về cuộc ly hôn, về tương lai con cái… Tôi sẽ không cần nói về tác dụng của căng thẳng kéo dài vì bạn có thể tìm đọc nó dễ dàng trên báo (2) và vô số trang mạng. 

Khi sự căng thẳng này kéo dài, tôi bị rụng tóc, tăng cân mất kiểm soát và ăn nhiều đồ ngọt không thể dừng lại. Đó cũng là khoảng thời gian tôi phải đối mặt với sự buồn bã kéo dài không lý do, thức khuya và khó có thể ngủ lại.

Khi đọc lại những trang viết về nỗi buồn trong tản văn, hoặc trong các bài viết của chính mình, tôi nhận thấy mình thường đối mặt với nỗi buồn không nguyên cớ trong suốt thời gian dài, dẫn đến tuyệt vọng vào đời sống, bất an về tương lai và tình yêu. Nhiều người viết về nỗi buồn thường sử dụng bia rượu, hoặc người viết trẻ không thể giải quyết nổi nỗi sầu muộn vô cớ của mình, và đắm chìm vào nó.

Ngoài những cảm xúc chân thành xuất phát từ hoàn cảnh thật, rất nhiều bài viết sẽ được viết ra vì cơ thể người viết bị căng thẳng, u buồn và không khỏe mạnh, hoặc sử dụng nhiều chất kích thích đến mức luôn uể oải, mệt mỏi và dễ bị tổn thương. 

Vậy ta có thoát khỏi căng thẳng được không? 

Nhìn nhận rõ ràng mình đang lo lắng hay khổ sở vì điều gì là thứ đầu tiên tôi giải quyết căng thẳng của bản thân. Tôi không thể giải quyết một sự việc nghiêm trọng với nghề nghiệp mình trong một ngày. Tôi không thể khiến mẹ an tâm ngay lập tức về một vấn đề. Bạn tôi, anh nói vì anh không thể đưa hẳn con anh chạy qua một nước phát triển để cháu có tương lai tốt hơn như nhiều người làm, anh sẽ tìm cách ngừng lo sợ vì tương lai của bé. 

Khi thừa nhận và nói “đồng ý” với bản thân là tôi không thể giải quyết việc này một sớm một chiều, vậy tại sao khi sắp tới giờ đi làm tôi lại cuống cuồng suy nghĩ về nó,hay khi đang ăn tối với người yêu tôi lại hoảng loạn nghĩ tới nó? – Tôi đề ra cách giải quyết từng mẩu nhỏ, và mỗi ngày mình phải làm. Mỗi ngày khi làm được việc đó, tôi lại thấy phấn chấn vì mình tiến gần hơn tới giải quyết vết ung đau đó trong đầu, thay vì hoảng sợ vì nó sẽ không bao giờ có lối ra.

Anh bạn tôi nói anh nghĩ vì không thể đưa con đi nước ngoài ngay được, nên mỗi ngày anh cố gắng giành thêm 2 giờ để chơi và thảo luận với con về vấn đề gì đó gần con nhất, như nếu con bị bắt nạt, hay con muốn tìm hiểu thứ này thì tìm ở đâu… Anh cũng buộc bản thân xem và đọc nhiều hơn để nói lại hay cho con xem lại những gì sẽ giúp bé tự bảo vệ và thấy thế giới lớn hơn. Chuyện này giải quyết được sự thất vọng của người cha không đủ tiềm lực cho con có tương lai như bạn bè, và nó cũng giúp anh có động lực hơn trong việc tìm lối ra khác cho cả anh và con, thay vì trở thành giận dữ và tuyệt vọng vì mình quá tệ hại.

Nỗi lo lắng giống một cái dằm trên tay, hãy cho nó cơ hội được chăm sóc mỗi ngày, và từ từ nó đỡ hơn, ta gỡ ra được, và dần quên đi sự khó chịu nó bám lấy mình đến mức luôn mỏi mệt nghĩ về nó từng giây phút. 

Coi trọng cơ thể và hoạt động ngoài bàn giấy/máy tính. Tôi có một người bạn chơi thể thao, mỗi khi ai đó hỏi chị cách tập, làm sao tập… sau đó than phiền: “Nhưng chị không có thời gian em ơi”, thì chị sẽ hỏi: “Ủa, vậy sao chị có giờ lên Facebook comment cả ngày với coi phim truyền hình xong lên công ty kể tùm lum vậy?” – Phản ứng rất khó chịu. Nhưng là thật. Ta luôn có thời gian. Và một bài tập thể dục ngắn trên Youtube chỉ tốn 10 phút/bài. Một buổi tập đàng hoàng nghiêm túc với môn nào đó đơn giản tại nhà chỉ cần tối thiểu 30 phút – 1 giờ. 

Nhìn nhận lại quỹ thời gian để chia nó ra, và dành cơ thể cho hoạt động thể chất là thứ quan trọng giúp tôi thoát khỏi căng thẳng. Tôi ngừng uống bia để có thêm 1 -2 giờ/tối để chạy bộ hoặc chơi skateboard. Tôi xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại và sau giờ làm việc có thể đi tập vài giờ. Tôi đạp xe đạp tới nơi làm việc bằng cách ngủ dậy sớm (nghĩa là phải đi ngủ sớm hơn 2 tiếng) để có thêm thời gian ngoài trời.

Dành thời gian để làm điều mình yêu thích như một sự tự thưởng: Nó giúp cơ thể bạn thấy muốn tiếp tục chuyển động về phía trước. Bạn có giá trị. Bạn làm được điều quan trọng. Bạn sẽ có thêm thành tựu… Nếu bạn thích gấp giấy origami, hãy dành cho nó 30 phút mày mò. Tôi muốn tập vẽ, nên có thời gian tôi vẽ cho đến khi không thích nữa, và tôi chuyển qua một trò chơi khác. 

Cả vận động và làm việc bạn thích sẽ giúp não bạn có được cảm giác phấn chấn. Thực ra bạn cũng sẽ có được sự hưng phấn này nhờ vào bia, rượu, cần sa, thuốc lá, cafe…. vì chúng có cơ chế giống nhau (3) là cơ chế tưởng thưởng của não bộ, với những chất như dopamine, endorphine…

Thay vì sử dụng chất kích thích, bạn hoàn toàn có thể dùng tới hoạt động thể chất, các thú vui nhỏ hàng ngày để kích thích sự tưởng thưởng này, để bạn đủ sức thấy tích cực chống lại những áp lực khác đổ đến với mình. 

IMG_1336

Kiệt sức 

Tôi không thể gọi tên được điều này, mãi cho đến khi một người bạn tôi gọi tên nó. Khi quyết định đi làm lại, tôi lên văn phòng của bạn tôi để gặp gỡ họ chuẩn bị việc mới. Điều tệ hại là chỉ 30 phút sau, tôi cảm thấy buồn ói và phải rời khỏi đó. Mùi của văn phòng làm tôi buồn ói. Bạn tôi nói: Những ký ức rất khó chịu với công việc trước đã liên kết mùi và kết cấu không gian văn phòng lại, tạo thành thứ khiến cả cơ thể cậu cảm thấy bị đe dọa và chống lại, nên nó phản ứng rất dữ dội. 

Tôi bị kiệt sức. Nhưng kiệt sức và căng thẳng giống nhau tới nỗi, mãi cho đến khi bị kiệt sức, có thể bạn vẫn nghĩ mình chỉ bị căng thẳng. 

Đọc vài bài viết về kiệt sức, tôi nhìn thấy chính mình ở nhiều điểm: 

Tôi cảm thấy bị tổn thương về mặt đạo đức: Việc liên tục phải đối mặt với tình trạng theo chuẩn của bản thân là không phù hợp, hay nhìn thấy cảnh huống không thể chấp nhận, hay thấy giá trị nghề nghiệp bị xâm hại… đều dẫn đến tổn thương về mặt đạo đức. Một người bạn tôi bỏ công việc anh làm để chuyển sang việc khác và thậm chí yêu cầu tôi không được nói gì về công việc cũ của anh nữa vì anh thấy thời gian đó quá sai lầm, lệch lạc, đen tối. Đó là sự kiệt sức. 

Tôi bị mệt mỏi kéo dài: Không muốn đi làm, cảm thấy đến công ty là một sự tra tấn đầy sợ hãi. Hoàn toàn không còn cảm thấy niềm vui bên cạnh đồng nghiệp (Dù mọi thứ đang tốt đẹp, và chẳng có vấn đề gì). Tôi thậm chí không thể nhấc nổi tay lên để làm việc nhanh hơn như mình vẫn thường làm. 

Kiệt quệ về mặt cảm xúc: Thường xuyên mất ngủ, mơ thấy ác mộng, hay quên, cảm thấy đau ở ngực hay đau thật về mặt thể chất mỗi khi nhớ tới công việc mình đang làm. 

Nhiều triệu chứng khác của kiệt sức bạn có thể đọc thấy tại đây (5). 

Hiểu rằng mình có bị kiệt sức hay không rất quan trọng. Trong một số chuyên đề tôi đọc, nếu để rơi vào tình trạng kiệt sức, ta có thể bỏ nghề (như bạn tôi), mất khả năng làm việc, mắc các bệnh như đau bao tử, tiểu đường, béo phì, tim mạch… vì để cơ thể luôn trong trạng thái hoảng loạn, bất an không thể dịu lại. 

Tệ hơn nữa, là kiệt sức sẽ khiến ta mất thời gian rất dài để hồi phục. Với cá nhân tôi, tôi mất gần 1 năm để trở lại trạng thái làm việc bình thường, gỡ bỏ được sự mệt mỏi, tổn thương, kiệt quệ và làm hại cơ thể và tâm lý mình. Một người bạn là người Đức nói với tôi khi bị kiệt sức, anh mất đến sáu năm để hồi phục, bao gồm phải thay đổi hẳn môi trường sống, vợ anh và anh phải thay đổi hẳn phong cách sống, làm việc… chỉ để anh có thể dần lấy lại sức và cuộc sống bình thường. 

Bất an

Sự bất an thường xuất hiện trong tâm trí tôi trước khi nó thực sự xảy đến. Và hóa ra nó thường xuyên là sự tưởng tượng thay vì diễn ra thực. Bạn bất an vì nghĩ người yêu có thể đang cặp kè với nhiều bạn cùng lúc. Bất an vì lo chồng phản bội mình. Bất an vì nghĩ cha mẹ không tin tưởng mình. Bất an khi nghĩ tới tương lai của con cái trong môi trường học tập không có triển vọng… 

IMG_5200

Rất nhiều sự bất an xuất phát từ quá khứ của chính mình. Ta từng bị mối tình đầu phản bội. Và ta nghi ngờ tất cả người yêu sau đó (6). Ta từng bị cha mẹ nói vào mặt rằng con chỉ là đồ vô dụng. Và ta luôn tự hỏi liệu mình có vô dụng thật. Ta bị bạn bè đánh đập và bắt nạt thuở nhỏ. Ta luôn thấy mình chỉ là kẻ kém may mắn, thấp bé, yếu ớt, vô dụng. Tệ hơn, khi bị nhiều quá khứ đau đớn chà đạp, ta thường nghĩ mình là kẻ kém may mắn, hoặc may mắn không dành cho mình. Ta nghĩ mình hẳn là ngôi sao xấu nên mới có một người cha nhậu nhẹt, hay người mẹ không dịu dàng, cảm thông. 

Tôi cũng có nhiều bất an. Tôi thậm chí so sánh mình với nhiều bạn thân và thấy họ may mắn hơn mình. Điều này chỉ khiến tôi càng tin vào sự thất bại của mình không phải do mình, mà có thể đổ lỗi cho “may mắn”. Đổ lỗi dễ dàng hơn thừa nhận là mình làm chưa đủ tốt. Con người luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ: Tôi bất hạnh nhất, tôi may mắn nhất, tôi yếu đuối nhất, tôi mạnh mẽ nhất… Thực ra ta chẳng là ai cả, và cũng là tất cả. Ta chẳng là ai cả trong hàng trăm người sẽ gặp mỗi ngày. Ta là tất cả với bản thân – đồng nghĩa với việc – phải chịu trách nhiệm coi trọng thời gian sống và cảm xúc của bản thân. 

Tôi luôn dành vài phút mỗi ngày để nhớ lại những bất an mình từng tưởng tượng ra đã chẳng bao giờ xảy đến, hoặc rất hiếm khi xảy ra. Từ đó, tôi thuyết phục bản thân tin rằng ở thời điểm hiện tại, khi mọi thứ tốt và đang ổn, tôi nên dành sự tận hưởng xứng đáng cho nó và chậm rãi làm việc để tăng thêm chút “để dành” niềm vui lên chút xíu. Dành sự tận hưởng xứng đáng khiến tôi hiểu giá trị mình đạt được, khiến tôi vui, yên tâm và có thêm sức để chạy con đường dài. Sự bất an đã ở trong tôi suốt nhiều năm, và nó ăn thịt tôi như loài sâu đục rỗng cả tâm can. 

Tôi thuyết phục bản thân tin rằng mình sẽ không thay đổi được bất cứ ai: cha, mẹ, bạn, người yêu, bạn thân. Nhưng tôi có thể thay đổi quan điểm và ứng xử của mình. Tôi đáp lại hành động giận dữ bằng sự bỏ qua. Tôi rời khỏi cuộc đời người bạn không thấy thoải mái với tôi. Tôi kết thúc tình yêu khi giữa hai người không còn là sự yên tâm và tin thương mà chỉ còn sự coi nhẹ lẫn nhau. Tôi rời khỏi gia đình trong im lặng mỗi khi có xung đột. Tôi chọn cách thả chiếc lá giận dữ của mình xuống sông, và kệ nó trôi đi. Tôi không chịu trách nhiệm về hành động thù địch của người khác. Thứ tôi rất quan tâm là sự thù địch trong bản thân sẽ khiến tôi bất an và chẳng thể hưởng thụ vui vẻ gì. 

Cam kết muốn sống mà không bất an, muốn thấy an tâm để làm việc của mình khiến tôi trở nên nghiêm khắc khi nhìn nhận cảm xúc và ứng xử của chính mình. 

Tâm hồn người như một cái cây. Tôi muốn mình có một cái cây khỏe mạnh và vui tươi. Tôi sẵn sàng hành động để chăm sóc nó. Chỉ sau vài năm dành thời gian cho phần cảm xúc và cơ thể, tôi thấy muốn sống hơn rất nhiều năm đã trôi qua trong đời mình. Và cuộc sống liệu có gì quan trọng hơn – khi ta thấy mình là một sinh vật đang yêu cuộc sống – ta có thể tạo thêm nhiều tốt đẹp với điều gần nhất trong tầm tay của mình.

Tâm hồn là một cái cây, cái cây nhỏ đã trèo lên theo ánh nắng ngoài cửa sổ… về phía sự tốt lành.

Khải Đơn

PS: Trong bài viết tới, tôi sẽ viết về một số cảm xúc nhỏ nhặt mà tôi cố gắng hiểu về bản thân, cũng trong chủ đề này. 

=====

Bài đọc tham khảo: 

(1) Đọc về stress: http://www.bbc.co.uk/science/0/21685448 

(2) Stress kéo dài gây ra điều gì: https://www.helpguide.org/articles/stress/stress-symptoms-signs-and-causes.htm 

(3) https://www.neuroscientificallychallenged.com/blog/know-your-brain-reward-system 

(4) Dopamine và cơ chế tưởng thưởng trong não bộ: https://www.neuroscientificallychallenged.com/blog/sorting-out-dopamines-role-in-reward 

(5) https://www.psychologytoday.com/intl/blog/high-octane-women/201311/the-tell-tale-signs-burnout-do-you-have-them 

(6) Làm gì với sự bất an trong tình yêu: https://www.psychologytoday.com/us/blog/living-forward/201609/4-ways-stop-feeling-insecure-in-your-relationships 

=====

Vài tháng qua, tôi dành thời gian cho riêng mình. Trong những ngày ấy, tôi nhận được vài lá thư của bạn đọc, nói rằng họ có khoảng 1-2 năm trôi qua, hoàn toàn mất hướng không biết làm gì, và cảm thấy sợ hãi vì sự hoang phí đó. Vì những trải nghiệm khá giống nhau, từ tuần này trên blog tôi sẽ viết một cột tên “Sống mỗi tuần” – về những gì mắc kẹt, những hoang phí, sợ hãi… mà ta đang cố giải quyết từng ngày, về quyển sách tôi đang đọc, về một ý nghĩ xuất hiện trong cách tạo hình cuộc sống của bản thân… 

Như tên gọi của nó, “Sống mỗi tuần” – tôi hi vọng bạn sẽ phản hồi với những cách của riêng bạn, hay một ý nghĩ bạn muốn chia sẻ về việc ta sống. Bạn có thể subscribe tại đây bằng cách nhấn vào nút “Theo dõi” ở cột phải blog để nhận email mỗi khi tôi có bài mới.

6 bình luận về “Tâm hồn như một cái cây 

Add yours

  1. Em rất thích bài này và cả bài “:Làm sao để thực hiện giấc mơ?” của chị. Đọc xong như gỡ được 1 số gút mắc mà e đang xoay sở mấy tháng qua! Cảm ơn chị lắm.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Dear chị, đọc những bài viết của chị giống như được gặp và trò chuyện với chính bản thân mình. Xin cảm ơn chị rất nhiều!

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑