Tôi biết có rất nhiều người không thể hiểu nổi vì sao có những đứa trẻ vùi mình trong những câu hát của Khánh Ly, vùi trong nỗi buồn, sự u uẩn và dẫn mình đi lạc trong thế giới tầm tã những bất ổn, tang thương.
Nhưng điều đó dễ hiểu lắm.
Nếu ai đã nghe Nguyễn Đình Toàn viết bài: “Sài Gòn niềm nhớ không tên” và trong ấy có viết:
“Sài Gòn ơi!
Đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
tay cầm tay nói nhỏ câu gì
Những quầy hoa quán nhạc đêm về
Còn rộn ràng giọng hát Khánh Ly”
Thì chắc hiểu được vì sao bà được nhiều người nhắc đến.
Bà hiện diện trong một thời đại nở rộ của những danh ca sắc nước hương trời, giọng hát tuyệt mỹ như Lê Uyên và Phương, như Hoàng Oanh, như … bà. Trong thế giới ấy, chắc Khánh Ly cũng như những người đàn bà đẹp khác, hát hay, xinh gái và quyến rũ những khán giả trong cơn mê của những câu hát buồn.
Bà hiện diện trong một thời đại mà trong tự thân nó dồn nén quá nhiều những ẩn ức, sự nhạt nhòa của tuổi trẻ bị phai đi trong nước mắt chiến tranh, sự vô định của ngày mai, nỗi buồn của những yêu thương không lành vẹn, chỉ thui thủi trong những câu nhạc sến bất an, ngày mai anh đi lính, em đợi đến bao giờ.
Ở thời đại ấy, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn cầm đàn hát ở công viên, cũng giống như Lê Uyên và Phương hát thành một cặp tình ca đẹp như mơ, cũng như Lam Phương và những tình khúc tài hoa đắng đót của ông. Thời ấy, tài nghệ nở rộ, ca khúc đẹp tươi. Bà không có gì lạ so với những trình độ chung của thời đại ấy.
Tạ Tỵ từng viết về Trịnh Công Sơn và bà thế này:
“Tiếng nhạc Trịnh Công Sơn đã gieo rắc nỗi ai oán giận hờn bàng bạc trong vòm cong âm thanh để trở thành niềm ám ảnh khôn nguôi ở mỗi lương tri hiện hữu. Cái vòm cong đó như một khung trời trong suốt, ở đấy, mọi cảm xúc được thể hiện rõ ràng qua từng nét nhạc chập chờn, khắc khoải, với vóc dáng xanh xao, với đêm dài không ngủ, với nguồn vui chợt tắt trên môi, với dòng lệ hoà theo tiếng gào thét âm vọng tự cuối trời máu lửa. Trịnh Công Sơn đã rót vào cuộc sống những giọt cường toan hay mật ngọt? Thân phận con người Việt Nam với 25 năm chinh chiến đè nặng trên quê hương này có phải chăng, để chứng minh cho tinh thần bất khuất của một dân tộc đã trải qua nhiều cay đắng và tủi nhục? Nhưng cuộc chiến hôm nay, với những tan nát có đấy, đâu phải cuộc chiến thuần tuý quân sự giữa hai quốc gia, nó đương nhiên là cuộc đấu tranh để chọn lựa chế độ trong một quốc gia với sự cổ võ, trợ lực ở cả hai phe cộng sản và tư bản.
….
Tiếng hát Khánh Ly có âm hưởng đặc biệt. Nó không cao vút, hoặc thanh thoát ở giọng hát bình thường. Nó ẩm đục, vướng nghẹn như niềm vui chợt mất. Nó bâng khuâng như cơn mưa vội đến. Nó tuyệt vọng như cánh chim non bay lạc trong cơn giông tố mịt mù. Nó đam mê giữa hơi thở chán chường. Nó khóc ngất rồi lịm chết trong nguồn đau vô hạn! Tiếng hát hình như có pha rượu và khói thuốc của từng khuya quên ngủ. Nó rót vào hồn người những thanh âm não nùng ngất ngất!…”
Những tình yêu u buồn hay lạc quan khác trong tình ca Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Thực lòng mà nói, tôi thích Vũ Thành An và Lê Uyên Phương hơn Trịnh Công Sơn, vì những yêu đương nhiều cung bậc và rộn ràng hơn cái tình yêu đơn điệu mà Trịnh Công Sơn đã viết trong các ca khúc tôi nghe đã lâu rồi, như Diễm Xưa, hay Cát bụi, Tuổi đá buồn, đó là một thứ tình yêu kì quặc và nản chí.
Nhưng tôi không chán Khánh Ly, bởi vì bà còn là một cái gì đó lớn hơn là cặp đôi ca hát – sáng tác với Trịnh Công Sơn và những tình ca của ông. Bà là một phần của lịch sử mà người trẻ như chúng tôi không nhìn rõ mặt.
Có một lần, tôi xem một clip bài Khánh Ly hát trong công viên với Trịnh Công Sơn cầm đàn. Đó là tuổi trẻ, một thứ tuổi trẻ vô tư, yêu đời, một tháng năm người ta trút tất cả tâm sự ra trên ngón đàn và hàng chục người bên dưới lắng nghe như uống từng giọt của nỗi buồn. Giờ đây, chúng tôi cũng ngồi trong công viên hát, nhưng đã là một thời đại khác, tụi tôi uống cafe, bị đô thị dí chạy trối chết và nói về những trò vui của mình. Sao hồi ấy người ta ngồi công viên và nói về những nỗi buồn? – Bởi vì đó là một quãng khác của thời gian, với những con người đã ra đi và những cung bậc lịch sử đã phai mờ. Qua ca khúc mà Khánh Ly hát, qua cái giọng đục nghẹn của bà và qua cách bà đứng hát, tôi đã nhìn thấy những người xa xưa một chút.
Với những ca khúc Khánh Ly đã thể hiện, nó không chỉ là tình yêu, nó có cả nỗi buồn nghẹn của cuộc chinh chiến trước mặt. Trong tất cả các ca khúc của Trịnh Công Sơn về chiến tranh, đến tận bây giờ, tôi vẫn chỉ thấy Khánh Ly hát tốt nhất như:
Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố…
Hay
“Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương
Còn có ai, không còn người
ôi nhân loại mặt trời và em tôi này đôi môi xin thương người
ôi nhân loại mặt trời trong tôi”
Hay
“Nơi đây tôi chờ
Nơi kia anh chờ
Trong căn nhà nhỏ
Mẹ cũng ngồi chờ”
Sự thống thiết cùng với giọng ca lạnh nhạt ấy đã quyện làm một, biến nó thành những quả đồi trơ trụi, nơi có một người ngồi hát bơ vơ, để người nghe cũng bơ vơ, lạc lõng trong thứ sức mạnh vô cùng đã cuốn trôi những xác người và loài người đi theo nhịp đà lịch sử. Đó là thứ Khánh Ly đã để lại cho tôi nghe, trong những buổi tối của tuổi 20, tôi ngồi trong căn phòng trọ của mình ở Thủ Đức, nghe và hết cơn mưa thì đã ngủ say tự bao giờ.
Sài Gòn này có Khánh Ly, cũng giống như có cái nhà thờ Đức Bà hay cái bưu điện thành phố vậy, không phải là cái gì đó hay nhất, thiên tài nhất, lộng lẫy nhất, mà chỉ là một thứ, khi cất lên tiếng hát hay khi hiện diện bất thần, người ta nhận ra: từng có một thời của nơi này như vậy.
Đó là thời của những đêm trong quán nhạc, của mưa chiều, của tiếng pháo rơi đâu đó ngoài Củ Chi, Hóc Môn, của những con người trai trẻ vội cất lên một bản nhạc sến buồn trong buổi chiều ra trận, qua radio bỗng nghĩ về cô gái mình quen. Thứ tình yêu và cuộc đời thị dân ấy, nó đã lẫn vào với giọng hát Khánh Ly, giọng của thuốc lá, của một chất gây nghiện, của men tình và của tiếng đàn trong quán.
Bây giờ, ở những quán cafe Sài Gòn già, người ta bật Khánh Ly, bật Lê Uyên Phương, bật Ngô Thụy Miên, Lam Phương. Tại sao họ không bật loại nhạc gì khác? Dễ hiểu thôi, có một giới người mộ điệu vẫn cần và thích tắm mình trong cái không khí lặng lẽ hồi ấy, sôi nổi như sóng ở trong lòng, nhưng yên ấm nhìn nhau bên những cốc cafe sớm. Thành thị này đã qua cơn máu đạn, người đã sống và đã chết, nhưng có lẽ, tốt hơn là, mọi người vẫn được tự do nghe một khúc nhạc gợi cho họ nhớ về một thời buồn, yêu và mong manh. Người ta không chỉ nghe một bài hát hay hoặc dở nữa, người ta nghe một người bạn cùng thế hệ, kể một câu chuyện buồn về thời tuổi trẻ đã qua. Cuộc đời của chúng ta, ngẫm cho cùng thì sự hiện diện của mình đang đi cùng với những kí ức nào đẹp và sống động nhất còn vương lại trong tâm trí.
Và cái tuổi trẻ ấy, hít mùi khói bom, chênh vênh sống chết, ít người được ngồi cafe vỉa hè xong cười ha hả như tụi tôi. Họ là một thế giới khác
Hôm nay Sài Gòn mưa lắm, tôi nghe 2 ca khúc cũ của bà, không phải do Trịnh Công Sơn sáng tác. Bà hát vẫn hay, dù là ca khúc của ai….
Mừng bà lại về VN.
Khải Đơn
Reblogged this on Giai01's Blog and commented:
xem
ThíchThích