Trong quán cafe lạc lối

Khi mới về Sài Gòn sống, tôi dành phần lớn ngày tháng của mình trong quán cafe. Tôi ngồi hàng giờ, nghe bản nhạc của Trịnh Công Sơn. Có hôm tôi đã xúc động đến mức bật khóc vì một đoạn hát thế này:
“Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng, rồi từ đó lên đường rong chơi”

Chẳng cần nguyên cớ gì, cứ như vậy thôi, tôi cố gắng thưởng lãm cái sự u hoài đó trong những bản mà Trịnh viết. Nhưng tại sao vậy? – Tại sao ở những quán cafe có không gian trầm buồn và những người trẻ u hoài, lại trở thành trốn trú ẩn đầy khoái cảm đến thế cho những đứa như tôi. Có một thứ gì đó bị hổng vỡ, khuyết thiếu trong không khí này, không thể chịu đựng được, đã giam tôi trong quán cafe và những giai điệu chậm và đổ vỡ.

306609_3175080809771_1224031599_n

Trịnh không nắm giữ tuổi trẻ của tôi. Ông đã kiến tạo tinh thần đó trong một cơn u hoài dài hạn, nơi tình yêu và tương lai không tồn tại, chỉ có cái chết giăng mắc trong tuổi trẻ vội vàng, riết róng với những đổi dời chớp nhoáng đầy sợ hãi mỗi ngày. Những người chết gần bên người sống, bóng ma cái chết vờ vịt vây quanh các ảo tưởng chính trị hỗn loạn. Sài Gòn của ngày có máu rơi. Ông đã ngồi ở đâu trên Văn Khoa Sài Gòn để chấp nhận sự ra đi của bạn bè hay hồi quang trong cuộc diễu hành vĩ đại mà dân tộc đang oằn mình đón nhận? Khánh Ly đã hát ở đâu khi những mái đầu trẻ trung và ánh mắt trong veo ngồi nghe tiếng hát khàn đậm của cô đóng đinh vào sự tổn thương của họ, réo gọi và định nghĩa những mất mát ấy? Khi xem lại một video cũ, Khánh Ly mặc áo dài, cất giọng khàn như thác lũ, trước mắt mái đầu xanh và gọng kính nặng nhọc của khán giả buồn rầu.

Chúng tôi đã không thể thoát khỏi sự u hoài trong những quán cafe Sài Gòn, khi người cũ ra đi và để lại linh hồn của cuộc tình buồn và định mệnh của họ trong ca khúc, phủ lên giọng của những cô ca sĩ phòng trà già nua, lê bước dắt díu ngày thơ ngây đến mồ chôn, khắc khoải về một cuộc sống còn vô nghĩa. Tôi chịu đựng nỗi buồn đó, tưởng tượng mất mát, ăn tươi nuốt sống những đau thương dấu vết.

Khi ấy, tôi chợt nhận ra tháng ngày của mình thật không có gì đáng kể. Mình sống như một sinh vật, mở mắt khi bình minh và lê thân vào giảng đường, ngắm nhìn những vật chất ngang dọc như căn phòng lớp học có 4 cây cột che ngang, diễn trò trong đám lí thuyết rắc rối cũ mèm có thể Google thấy bất kì chỗ nào trên mạng.

Thời gian chỉ đơn giản trôi qua, quá mức vô vị và nhạt nhoà đến mức tôi phải tự trang trí thêm bằng nét nhạc u hoài của Trịnh, giống cảnh bạn tôi bắc thang trèo lên cây thông Noel bằng giấy và giăng mắc thêm đèn dây đủ màu mỗi khi mùa Lễ đến.

Tội nghiệp Trịnh. Ông không có lỗi gì ngoài một tuổi trẻ đổ vỡ và tan hoang vì chiến tranh. Tội nghiệp tôi, không có gì ngoài một tuổi trẻ tẻ nhạt và lạnh lùng, thậm chí không dám lao mình ra khỏi cửa quán cafe. Cuộc sống bên ngoài quá sức chịu đựng đến nỗi tôi không thể nào tìm được cách mở lời để kết bạn với một người lạ, bối rối đến mức không dám mỉm cười với ai, cũng không đủ can đảm đưa thân mình ra ngoài con đường mới mẻ. Với chừng ấy tố chất, tôi nhìn vào khoảng không đo từ cửa quán cafe trở vào, nghe giọng hát uất nghẹn vang lên, thầm cảm thấy nức nở. Rồi im lặng.

Tôi rời khỏi quán lúc chiều tối muộn, nhìn dòng xe trên đường quất ngang dọc như thác lũ, thấy mình thật sự không có sợi dây nào để kết nối với cuộc đời hay dòng xe này, mặt người này. Tôi đã hoá thành một vật chạm khắc sao chép để kỷ niệm một tuổi trẻ đã chết trước ngọn đèn.

Tuổi trẻ của Trịnh không giống tôi, ông hát lên cái thời gian đã ngừng lại trước bất an và mất mát. Còn ở đây, giữa Sài Gòn, tôi đang bỏ tiền để mua cái không khí hoài ẩn đó, đang phung phí thời gian để u sầu trước miền hoài niệm bị cắt rời, không ai kể lại, mà chỉ diễn tả được bằng âm nhạc của ông. Có lúc, tôi ước mình đã ngồi dưới công viên kia, cạnh những mái đầu xanh đang uống từng lời của nàng Khánh Ly đang hát:

“Xin cho tôi là kiếp của mây
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời”

Tôi không nghe Trịnh và Ly hát nữa. Họ đã sống quá nhiều cho tuổi trẻ một thế hệ mất mát, đau khổ. Làm sao để mình không mắc kẹt hoài trong những sầu muộn ấy?

Khải Đơn

Advertisement

8 bình luận về “Trong quán cafe lạc lối

Add yours

  1. Làm sao để thoát ra được khỏi cơn bí bách này? Làm sao để cái không khí u uẩn đừng như rêu bám đầy tâm hồn? Làm sao để không lạc loài? Không trú tạm vào một góc quán cà phê, để không phải nghe nỗi đau của người khác để làm hòa nỗi đau của mình? Làm sao để tước bỏ được ký ức để an nhiên hơn? Làm sao để làm được?!

    Thích

  2. Chào chị Khải Đơn, như đầu chuyện chị kể, thời mới về Sài Gòn sống cách nay đã lâu chưa? Nếu đã đủ lâu tôi nghĩ chị đã có phần nào câu trả lời với câu hỏi cuối bài.

    Thích

  3. Reblogged this on Oh darling, you bloom in your own way and commented:
    Mình thích giọng văn của chị, một “tiền bối” đúng nghĩa đen. Mấy ngày nay mình cứ suy nghĩ mãi về chuyện này, rằng vì sao mình cứ luôn có cảm giác buồn và thất vọng đến thế, rằng vì sao mình cứ mãi trốn sau bức tường ngăn cách mình hòa nhập cùng mọi người.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: