Phá thai

“Em quên xài áo mưa rồi”

Tôi đã nghe câu nói quen thuộc này hàng chục lần, với cả bạn bè thân của mình và những em nhỏ hơn.

Mỗi lần nghe vậy, sự giận dữ của tôi không thể kìm lại được.

anh1_1

“Quên áo mưa” khi quan hệ tình dục có nghĩa là một nguy cơ mắc bệnh cho cả bạn trai và em gái, cộng với một nguy cơ có thai cho em gái – vào thời điểm em chưa sẵn sàng lập gia đình.

Hàng năm, tôi đọc rất nhiều báo cáo nói phụ nữ Việt Nam phá thai nhiều nhất Châu Á, phụ nữ Việt Nam phá thai nhất nhì thế giới. Những bài báo như kinh hoàng thanh nữ phá thai khi mới 17 tuổi, hay cận cảnh phòng phá thai mất vệ sinh ngoại thành.

Lùi lại đi, để thấy rằng những con số kinh hoàng mà chúng ta miệt mài lên án đó đã đến từ câu “em quên xài áo mưa rồi”, vừa vô tâm, vừa hồn nhiên, vừa thiếu sự chuẩn bị cho bất kỳ hậu quả nào ập đến sau đó – với cả bạn nam và nữ.

Tôi đã đọc một số bài viết với một chủ đề cũ mèm, phụ nữ có được quyền phá thai hay không. Trong các tranh luận đó, phe chống phá thai luôn có những luận điểm hùng hồn: em bé đã là người – không thể giết hại nó. Phá thai là tội ác. Ăn chơi nhiều tự chịu, sao bắt em bé chịu. Lúc ăn chơi sướng có suy nghĩ không, rồi đi giết hại một em bé?

Nhưng ở những người ủng hộ chuyện phá thai, bạn tôi từng nói, phụ nữ là một con người. Và họ phải có quyền được chọn lựa số phận của mình, bao gồm cả quyền có sinh nở hay không. Xã hội không thể coi phụ nữ như cái máy đẻ, muốn họ chỉ là cái túi đựng bào thai. Bạn bảo vệ nhân quyền cho một bào thai, vậy còn cái quyền của một phụ nữ, bạn gọi đó là gì?

Hai tranh luận này sẽ không bao giờ kết thúc, và tôi không tin là có một cách nào hoàn hảo vừa lòng tất cả. Nhưng tôi vẫn nhớ bộ phim “Revolutionary Road” – trong đó, người vợ đã sử dụng đến cách tự phá thai tại nhà. Vì cô có ước mơ rời khỏi cuộc sống ngột ngạt tại Mỹ, muốn cả gia đình cùng đến Paris sống, và nếu có thai và sinh nở lúc đó, mọi ước mơ sẽ đổ bể. Cảnh quay kinh dị nhất là cô trải khăn ra nền nhà, tự phá thai, rồi chảy máu lênh láng đầy nhà đến chết.

Là một phụ nữ, tôi đã quen nhiều bạn cưới vội vàng chỉ vì bạn trót có thai và bạn không muốn phạm tội “giết một con người”. Mười bảy tuổi, có thai, cưới chồng. Đến 22 tuổi, họ ném đồ đạc nhau ra khỏi cửa, và người mẹ trẻ tôi quen trở thành công nhân khu công nghiệp và phải gửi con ở một nhà trẻ mà em không biết bé có bị đánh đập như trên báo hay viết không.

Câu hỏi về tương lai của bà mẹ, cuộc đời của đứa bé, những số phận lỡ đủ thứ từ một chọn lựa về sinh sản – do định kiến xã hội quyết định – nhưng xã hội lại chẳng trả lời thay họ.

Người ta sẵn lòng chửi những cô gái phá thai là hư hỏng? – Vậy họ có giúp nuôi em bé khi nó ra đời trong hoàn cảnh không trọn vẹn không?

Người ta sỉ vả một thiếu nữ 17 tuổi phá thai – vậy họ có chắc cô bé/đứa trẻ đó hiểu làm mẹ là bao nhiêu trách nhiệm không?

Tạo ra định kiến để thù ghét, hằn học với việc phá thai vô cùng dễ dàng. Vinh danh, hớt hải ca ngợi những cô gái trẻ giữ lại em bé cũng rất dễ dàng.
Nhưng làm sao để mỗi phụ nữ biết phá thai là một chọn lựa và họ hoàn toàn có thể không để “tai nạn” đó xảy ra với mình – trớ trêu thay – lại là đề tài cấm kỵ.

pha-thai-bang-thuoc

100% những em nữ thiếu niên tôi trò chuyện chưa bao giờ được mẹ yêu cầu các em phải có bao cao su trong túi.

Và rất nhiều những bạn nam mà tôi từng hỏi, coi việc “dùng áo mưa” – bao cao su – là hành động không cần thiết – nếu cô ấy là bạn gái họ.

Chúng ta phán xét và đòi hỏi quá nhiều ở chức phận của phụ nữ trong xã hội. Họ vừa phải thỏa mãn tình dục của giới kia. Họ vừa phải có trách nhiệm nếu lỡ có thai. Họ sẽ là đồ vô đạo đức nếu phá thai. Họ cũng phải nuôi con nếu họ muốn giữ gìn trách nhiệm xã hội và gia đình tôn vinh (là giữ lại thai nhi).

Chúng ta chỉ coi phụ nữ là những cái máy tình dục và sản phẩm sinh đẻ.

Kinh dị hơn, tự phụ nữ cũng coi mình là sản phẩm dùng để sinh đẻ – khi họ luôn đau đáu khổ sở khi đứng trước một phòng mạch phá thai. Họ cúi gằm mặt trong bệnh viện. Họ nghe y tá chửi như ăn mày nếu họ đến phòng điều hòa. Họ bị bạn trai nghỉ chơi nếu phải phá thai. Họ tự động mang mặc cảm suốt đời (do được giáo dục bằng đạo đức của xã hội) nếu lỡ phá thai.

Và phụ nữ, nếu chọn lựa sẽ làm mẹ, dù ở độ tuổi nào, cần rất nhiều trách nhiệm và nhận thức nghiêm túc. Họ sẽ làm mẹ ra sao nếu họ có con năm 17 tuổi, và vứt đứa bé cho bà ngoại nuôi? Họ sẽ làm mẹ kiểu gì, khi họ vẫn còn trong tuổi yêu đương hẹn hò, nhưng đóng hết mọi cánh cửa lại và cắm đầu trong công xưởng để kiếm đủ tiền nuôi hai miệng ăn, hay phải xử l‎ý lung tung những sự việc với chàng trai mình vừa cuối?

Tôi có quen một em gái. Em kể với tôi về lần gần nhất em quan hệ với bạn em. Em bảo, bạn em nói bạn không có “áo mưa” hay “làm liều”, em đã đẩy bạn ra, em không muốn có thai.

mangthaivithanhnien-01-1470461328

Em thú thật với tôi bằng một nỗi sợ hãi giày vò. Em sợ bạn trai sẽ chán em, sẽ theo người khác vì em không chiều bạn đúng lúc.

Nhưng thật may mắn, trong câu chuyện của mình, cô bé ấy đã chọn BẢN THÂN em, chứ không liều lĩnh vì những ảo tưởng nhầm lẫn.

Tôi tin rằng phụ nữ là một con người. Họ phải nhận thức đầy đủ về thân thể họ, về chọn lựa sẽ làm mẹ, hay không làm mẹ. Họ không thể bị áp đặt chọn một điều gì – phá thai – hay có thai – mà nằm ngoài ‎ý nguyện và giấc mơ hạnh phúc của họ.

Vì là một con người, họ không thể bị chửi bới khi đến phòng điều hòa, họ không thể bị các nhân viên y tế gọi là con này con kia khi đến phá thai, họ không thể bị bạn trai bắt đi phá thai nếu không muốn, và họ không thể bị cha mẹ, anh chị ép phải thực hiện một hành động nào đó chỉ vì nó sẽ đem lại sĩ diện cho cha mẹ, họ hàng.

Vì là một con người, phụ nữ xứng đáng có được điều kiện chăm sóc y tế an toàn, phá thai an toàn, và không làm ảnh hưởng đến sinh mạng của họ – hay bị cười cợt, chọc nhả, như cái cách mà báo chí vẫn đang nói về những cô gái bôi mờ mặt đi phá thai.

Và cuối cùng, mọi phụ nữ đều cần hiểu mình có quyền từ chối, nếu bạn trai thân yêu cười trừ và nói “anh quên đem áo mưa rồi”.

Đó chẳng phải là sự tôn trọng tối thiểu với sức khỏe của bạn sao, cô gái?

Khải Đơn

4 bình luận về “Phá thai

Add yours

  1. Đây là một đề tài rất khó nói với người Việt, nam cũng như nữ. Quả đúng là người Việt Nam ít được chỉ dẫn và giới thiệu về chuyện ngừa thai lẽ ra các em và cả các bậc phụ huynh cũng phải được giáo dục (có ít nhiều cưỡng ép). Chương trình giáo dục này được người Mỹ bắt đầu hình như năm lớp 8 (hay trẻ hơn tôi quên mất).

    Về phần bố mẹ cũng phải học chấp nhận là các em có thể quan hệ tình dục sớm, trái ý với bố mẹ, do đó phải giúp đỡ các em dễ dàng có phương tiện tự bảo vệ mình.

    Và đúng như em nói, các em phải biết các em có quyền từ chối, cả nam lẫn nữ.

    Không biết bao giờ thế giới mới có phương pháp ngừa từ phía nam nhiều hơn từ phía nữ nhỉ?

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑