Nội lực của một thành phố

Người chị tôi quen sống ở California. Buổi chiều hôm ấy đi làm về, chị bảo vừa gửi về Sài Gòn vài trăm đô, phụ bạn chị nấu ăn cho người nghèo trong xóm – nơi ngày xưa là quê cũ của chị ở Quận 6.

Bữa cơm ngày hôm ấy của một số người vất vả có phần chắt bóp của một người “thân” cách Sài Gòn nửa vòng trái đất đã xa Sài Gòn vài chục năm trời. Rất nhiều người Việt ở rất xa Sài Gòn đang làm như vậy mỗi ngày, để giúp một hẻm nghèo, xóm nhỏ hay vài nhà họ quen biết đang kẹt trong nhà ở thành phố phong tỏa.

Hôm bữa, quỹ học bổng tôi biết nói, họ gần như không có đủ chi trả cho học kỳ kế tiếp của các em vì kinh tế khó quá, mọi người cắt giảm hỗ trợ. Quỹ không dám xin tài trợ vì sợ nhà ai cũng đang khó khăn. Tôi viết một lời xin xỏ, vài ngày sau, đã có hơn 10 suất học bổng được gửi tới để trả tiền học hai học kỳ cho các em nữ sinh mà quỹ theo hỗ trợ. 

Bạn tôi ở chung cư, hàng xóm anh nhắn cho nhau trong một group cư dân, để biết nhà nào có người bệnh, có người thân đi cách ly mà không ai chăm sóc người ở nhà. Sẽ có nhà nào đó nhận đi chợ giùm, hoặc để mắt trông chừng trẻ con hoặc nấu ăn hộ.  

Photo by Duy Hoang on Unsplash

Nhiều năm đi viết báo, tôi nghe đủ thứ quan chức ca ngợi nội lực của Sài Gòn. Thành phố năng động. Con người tham vọng, chăm làm, sẵn sàng chịu vất vả để làm giàu. Giao tiếp thẳng thắng, làm ăn dễ dàng không lắt léo quay ngoắt 180 độ không lường. Định nghĩa nội lực khi ấy dựa trên giá trị có thể đếm được là tiền, tích lũy tư bản, số người lao động, số giờ làm việc. Nhà làm kinh tế thích các con số chứng minh được – tiền là cầm nắm sờ đụng được – vậy mới tin giá trị của một đô thị hàng đầu và giàu có. 

Nhưng nội lực của một đô thị hơn chục triệu người không chỉ nằm ở những chỉ số thấy được trên biểu đồ. Nội lực của đô thị cũng không đến từ những quan chức như giám đốc sở công thương Bùi Tá Hoàng Vũ nói mạnh mồm TPHCM không thiếu gì. Những bạn trẻ thì comment bên dưới post đăng báo: Chú thấy rau củ bán ở đâu cho địa chỉ cháu đi mua. Cái mà người ta coi trọng khi làm ăn ở đất Sài Gòn giờ lộ ra: nói năng thẳng thớm, đừng ăn không nói có, vì người dân biết hỏi và không mù quáng đu đeo theo vài cái post đăng FB trấn an bảo rau củ đầy siêu thị, các bạn đi mua nhanh. Cái thiếu của từng chung cư, hay từng cụm dân cư không giống cái thiếu tổng quan của thành phố, và cũng không giống cái thiếu ở một xóm nghèo bị chặn tất cả đường mưu sinh khi bị giăng dây. Sự khổ sở của từng cá nhân con người không thể bị xóa nhà đi nhân danh những phát biểu đơn giản lúc đóng cửa, khi mở cửa không đòi hỏi một lời phản biện. 

Sức mạnh ẩn dưới một đô thị dày tầng gắn kết nằm ở khả năng từng cá nhân trong đô thị đó sẵn sàng nhìn hiện thực bằng gương mặt thật , và họ đủ dũng cảm để thay đổi cách sống hàng ngày để thích nghi với tương lai bất định. 

Ở đô thị đó, những cô nhân viên văn phòng chỉnh tề váy áo có thể trở thành chị chủ tiệm rau trong một sớm chiều. CEO, giám đốc ngân hàng, họa sĩ, kỹ sư phần mềm có thể trở thành chủ xị xắn tay áo đi nấu cơm cho cả xóm vé số nghèo gần nhà mà họ biết. Bà bán tạp hóa, cô chủ sạp trong chợ có thể mạnh miệng quản lý và phân phát thực phẩm đổ về cho khu phố nơi họ sống. Sau tất cả, mọi công việc lương thiện đều để có bữa cơm cuối ngày, cho bản thân gia đình họ và cho những người xung quanh mà họ thấy đang không còn khả năng mưu sinh từng ngày. 

Nội lực của đô thị đến từ những con người nhìn thấy gương mặt cộng đồng bên cạnh họ. Một chị bán rau ở chợ tự phát phải nghỉ suốt vài tuần. Bà bán bánh mì đầu hẻm không còn được đẩy xe ra ngõ đông xe đứng. Anh bán xe hủ tiếu phải ngừng bán vì phong tỏa. Họ có liên quan gì đến những CEO, nhân viên văn phòng hay chủ sạp chợ? – Đó là người phục vụ bữa sáng đầu ngày, bưng tô hủ tiếu bán muộn đêm khuya, là nguồn rau xanh bên đường để cô nhân viên tiện tay mua về nấu bữa tối cho chồng con. Khi đại dịch đẩy họ vào xó nhà, người khách ăn bỗng thấy bản thân mình chật vật kháng cự giữa nhiều mặt trận, vừa lo ăn uống cho con cái gia đình, vừa phải làm việc công sở tại nhà không bàn tay ai giúp đỡ.

Đó là lúc mỗi người nhận ra xương sống giá trị của một cộng đồng thực thụ: nơi mỗi người là một mắt lưới trong cộng đồng, sống và cùng sống nương vào nhau với vai trò trọn vẹn như nhau, giống như cánh rừng mưa dày nhiều tầng sinh vật, sự khốn cùng của bất kỳ tầng nào cũng có thể đẩy tầng kế vào bất an. Sau đại dịch, mỗi chúng ta không còn nhìn người xung quanh như thể họ tất nhiên tồn tại, ta cần cần bận tâm ghi nhớ vai trò của họ trong đời sống của mình sau cuộc bán mua tiền trao cháo múc. Khi thành phố ngột ngạt phong tỏa, người Sài Gòn cho thấy họ trân trọng cộng đồng kề cận biết bao nhiêu. Họ lo cho mấy chị hàng rau chợ tạm chẳng còn đủ ăn, sợ cho người già bán vé số không còn ai mua cây đèn đỏ ngày thường. Nhà chùa, nhà thờ, tổ dân phố biết ai là những người sẽ đói đầu tiên khi phải ở nhà. Và họ xắn tay lên đi tìm người xung quanh để giúp.

Photo by Kim Hanh Do on Unsplash

Đó là nội lực của Sài Gòn. Một thành phố có người con đã đi rất xa vẫn có mảnh Sài Gòn trong tim. Những đồng USD, Euro mồ hôi nước mắt xứ người gửi về cho bữa cơm của phường nghèo, xóm đói. Người sống giữa phố biết nhìn ngó ngang dọc, chìa tay ra để lo cho người khó hơn sống cạnh mình. Đến những người chẳng liên quan gì, đã trót vào thành phố, thành đạt và trầy trật giữa phố xá, bần thần nhận ra có bao nhiêu triệu người khác đang trong sinh phận giống quá khứ lay lắt của mình. 

Hóa ra nội lực của một thành phố không chỉ đo đếm bằng khả năng làm giàu, mà còn thể hiện ở khả năng kéo những nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương khỏi vũng lầy kiệt sức vì dịch bệnh. Khả năng đó, trong ngày thường ít ai để ý gọi tên, giờ trở thành cách mỗi người thầm thì vào tai nhau, chuyền nhau một lời kêu gọi gom góp, để không có thêm ai bị đẩy tới đường cùng vì dịch bệnh. Mạng lưới kỳ diệu và vô tận của lòng thiện đang cứu mọi tầng của đô thị đó không sụp đổ.

Một hộp cơm có thể không cứu được mảnh đời nào, nhưng làm một bữa no đầy đặn, giúp người không  khốn khổ trong ánh mắt đói buồn hiu. Một bao gạo, thùng rau không thể thay đổi nền kinh tế đang dần bấp bênh vì dịch bệnh, nhưng nó giúp thêm một gia đình không phải nghe trẻ con khóc vì đói, hay nhìn người thân chạy ra đường đi cướp vì miếng ăn kiệt cùng. 

Vượt ra khỏi những con số vĩ mô chỉ biết nói bằng tiền, Sài Gòn mang trong nó mạng lưới ngầm của sự sinh tồn không khoan nhượng. Có thể rồi khi dịch bệnh qua đi, ta nhìn về đô thị theo cách khác đi. Ta hiểu rằng hóa ra bà bán bánh mì lấn vỉa hè con hẻm đó hóa ra không phải gánh nặng của đô thị chật chội. Anh hủ tiếu trên đường không phải thành phần ta cần đến xe tải dân phòng ùa ra xô ghế đạp thùng ném tất cả về phường. Hóa ra những con người bên vỉa hè đó là một phần sinh tồn và hơi thở của đô thị.

Một thành phố sinh trưởng lành mạnh không chỉ đẻ ra những triệu phú, ngôi sao, nhà giàu mới nổi và đẩy người yếu thế ra bên lề. Đó còn là nơi mọi người dù ở tầng lớp hay địa vị nào cũng đều có thể sinh tồn, cũng góp phần vào tạo dựng “sức khỏe” chung của thành phố, và xứng đáng được gọi tên, chia sẻ và chăm sóc – như cách mỗi người đang hành động trong thời dịch bệnh.

Từng người sống – và làm mọi cách để cộng đồng cùng được lành mạnh sống. 

Khải Đơn

nh đầu bài viết: Photo by George Flowers on Unsplash

========================

2 bình luận về “Nội lực của một thành phố

Add yours

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑