Ruồng bỏ (J.M.Coetzee): Khi một giáo sư già lao vào một cuộc mây mưa với sinh viên

“Một ý nghĩ đau đớn làm nhức nhối lòng ông: các cô điếm chuyện trò với nhau về những khách hàng thường xuyên của họ ra sao nhỉ, nhất là về những người đàn ông lớn tuổi? Họ kể những câu chuyện, họ cười vang, nhưng họ cũng rùng mình như người ta rùng mình vì một con gián trong chậu rửa lúc đêm. Chẳng bao lâu nữa, ông sẽ bị họ rùng mình một cách duyên dáng, ác tâm như thế. Đây là một định mệnh mà ông không thể trốn tránh.”

 disgrace

Đó là một ý nghĩ thoáng rơi qua đầu David Lurie, một giáo sư 52 tuổi thành đạt, dạy ngành Thông Tin trong trường Đại học Kĩ Thuật Cape – khi ông nhận ra cô gái điếm Soraya sẽ không còn đến gặp ông nữa.

Từ khoảnh khắc đó, David lao vào cuộc tình chán ngán với một cô đào khác, rồi nhanh chóng phát hiện ra Melanie Isaacs – một sinh viên học trong lớp của mình – để rồi chạy theo cô, dụ dỗ cô (hay bị dụ dỗ?) làm tình say đắm với cô ngay trong giường của con gái mình, chạy đến nhà cô đòi làm tình. Cũng từ lúc ấy, cuộc đời của David bắt đầu với cụm từ “Ruồng bỏ”.

Khác hẳn với các cốt truyện thông thường khác, nơi tác giả sẽ đào sâu vào mối giằng co, tranh chấp hay yêu đương của cuộc tình đó. Coetzee đẩy cái trục của câu chuyện trượt qua một quỹ đạo khác. David bị bạn trai của Melanie đe dọa, bị cha của Melanie tố cáo tại trường. Ông mất chức, bị thẩm vấn, bị trường cho nghỉ, bị cộng đồng giáo viên nhìn bằng con mắt khinh bỉ, bị ruồng bỏ trong thân bại danh liệt. Trong lúc gặp scandal đó, David có lần nghĩ: “Lẽ ra ông nên từ bỏ, rút khỏi cuộc chơi. Ông tự hỏi Origen tự hoạn vào lúc bao nhiêu tuổi nhỉ? Chẳng phải là giải pháp thanh nhã nhất, nhưng đang già đi đâu phải là một việc thanh nhã. Chí ít thì đó cũng là một hành động sẵn sàng, để con người có thể hướng tâm trí vào một việc đúng đắn của tuổi già: “Chuẩn bị để chết.

Có thể đến gặp một bác sĩ và hỏi ý kiến được không nhỉ? Chắc chỉ là một phẫu thuật đơn giản: Nếu con người bỏ qua dư vị chắc chắn của nỗi buồn, ngày nào họ chẳng thiến súc vật, à chúng vẫn sống đầy ra đấy thôi. Cắt phăng đi rồi buộc chặt lại: với loại thuốc gây tê bản xứ, một bàn tay vững vàng và một chút phớt lạnh, người ta có thể tự làm việc đó theo sự hướng dẫn của sách vở. Một người đàn ông ngồi trên ghế tự cắt bỏ: một cảnh tượng thô bỉ, nhưng trên một góc độ nào đó, cũng chẳng thô bỉ hơn là chính người đàn ông đó hì hục trên thân thể một người đàn bà.”

 

Nhưng David lại không bị tác động nhiều lắm bởi cuộc “thanh trừng” đầy màu sắc đạo đức ấy. Ông chỉ hơi choáng, và ông xếp hành lí đi về một trang trại nông thôn, nơi đứa con gái Lucy của ông đang sống một mình. Con người học cao, biết nhiều của David đã trở thành đôi đũa lệch với thế giới của con gái. Ông khinh bỉ bà bạn Bev Shaw của Lucy – một phụ nữ già, béo ị, có nọng mỡ ở cổ, làm ở một trung tâm bảo vệ động vật – với nhiệm vụ là giúp cho những con thú già, đau bệnh bị vứt bỏ được chết trong bình an. Ông thậm chí rẻ bỉ cả việc bà đang làm.

Ông nhìn những người đàn ông nông dân đang giúp đỡ Lucy như những gã cốt đột ngu dốt. Trong một lúc, dường như ông nhìn người phụ tá Petrus tại nông trại như một thằng da đen đáng ngờ. Và khi tranh cãi về tình dục và sai lầm trước đó của mình, ông đã lí luận với Lucy về mình bằng hình ảnh một con chó động đực và bị chủ nó đánh mỗi khi động đực đến mức sau này cứ ngửi thấy mùi con cái thì nó sợ hãi cụp đuôi chạy: “nhục nhã ở chỗ con chó khốn khổ ấy bắt đầu căm ghét nhu cầu tự nhiên của chính mình. Chẳng cần đến đòn roi làm gì. Nó đã tự trừng phạt rồi. Có lẽ tốt hơn hết là đem bắn nó đi.”

Có lúc, trong cuộc tranh cãi với Lucy, ông đã nghĩ về cuộc tình với cô nữ sinh 20 tuổi ấy như sau: “Ông nhìn thấy mình ttrong nhà Melanie, trong phòng ngủ của cô, tiếng mưa đổ xuống bên ngoài và lò sưởi trong góc tỏa mùi nến, ông quỳ lên người cô, lột quần áo cô ra trong lúc đôi tay cô buông thõng như tay một người đã chết. Bố là bầy tôi trung thành của Thần Eros, ông muốn nói thế, nhưng ông có đủ mặt dạn mày dày để nói không? Đấy là một vị thần đã hành động thông qua bố. Thật hão huyền! Tuy vậy không phải là một lời nói dối, không một chút nào. Trong toàn bộ sự việc tồi tệ ấy, có một cái gì đó thắm tươi đến mức làm bừng nở những đóa hoa rực rỡ nhất. Ông chỉ không biết thời khắc ấy lại ngắn ngủi đến thế!”

Sự việc trượt khỏi quỹ đạo. Nữ tình nhân sinh viên tan biến khỏi trí óc ông khi ông và Lucy bị 3 tên cướp tấn công tại nhà. Chúng giết hết 6 con chó, ném ông vào nhà vệ sinh và hãm hiếp Lucy, từng tên một thay nhau. David nghe con kêu: “Cứu con với” và không làm gì được.

Cả phần sau của quyển tiểu thuyết là cách David sống tiếp và thích nghi với cuộc sống đầy rẫy sự “ruồng bỏ” quanh ông. Ông giận dữ vì những kẻ đã hiếp con gái mình, ông ép cô phải tố cáo chúng, rồi ông thua cuộc, Lucy không còn muốn ở cạnh ông nữa. Cô vượt qua cuộc hiếp dâm bằng sự bình an tại nông thôn, bằng những người bạn quê kệch đang che trở và yên lặng ở cạnh cô. Chỉ có ông là người duy nhất cô càng rời xa bởi những cuộc tranh cãi không bờ bến với ông.

Những trang viết dài của Coetzee nhẹ bẫng như ý nghĩ, vài luận điệu, đôi chỗ tự hỏi, cũng có khi chỉ là cảm giác mà David thấy… trong thời gian dài ông thích nghi với một bản thân mới từ trong chính mình. Ông ngừng khinh bỉ cái vẻ xấu xí bẩn thỉu của Bev mà ông đã từng mô tả: “Bev Shaw, một phụ nữ bé nhỏ, chắc mập, có nhiều nốt tàn nhang đen, mái tóc dầy cộp, thô và xoắn, cổ rụt. Ông không thích những người đàn bà chẳng chú ý gì đến làm đẹp.” – Ông bắt đầu xắn tay áo giúp đỡ bà tiễn biệt và dành sự an tử cho những con vật bệnh tật. Ông bắt đầu hiểu ra bà làm điều đó vì không ai chịu làm cả, vì bà muốn những con vật tội nghiệp được vuốt ve, thương yêu trong giờ phút cuối cùng của chúng. Bà ruồng bỏ chúng theo cách tử tế nhất bà có thể dành cho chúng, khi tất cả những người khác đã ném chúng ra ngoài vì bệnh tật và bẩn thỉu.

Ông cũng bắt đầu cảm nhận lại cô tình nhân Melanie theo một cách khác, bằng chuyến đi dài đến gặp cha mẹ cô, ăn tối, hỏi thăm cô, và quỳ xuống dập đầu xin lỗi họ. Ông bắt đầu biết ngăn mình không xồ xộ lên để đòi tố cáo, giết chết kẻ đã cưỡng hiếp con ông, dù sau đó ông biết Lucy đã có thai với 3 kẻ hiếp dâm hôm đó, và cô quyết định không phá bỏ đứa con trong bụng này.

disgrace (1)

Nhân vật chính của Coetzee luôn làm tôi thấy bình lặng. Họ bị đặt vào một cuộc trớ trêu nào đó đến độ sinh tử, hoặc mất tất cả hoặc còn nguyên. Coetzee cũng không cố gắng tạo ra một người tốt hay xấu trong truyện, mà chỉ cố tạo ra một người, nơi họ đứng trong hoặc ngoài cái chết, bệnh tật, danh phẩm, tình yêu… ngắm nghía chúng, suy nghĩ lung lắm, rồi mới quyết định như thế nào thì là một người thực sự. Họ hành động chậm rãi, cũng đầy bảo thủ, cũng định kiến, thậm chí còn tự biện hộ cho cả những thứ sai rành rành ra đấy, theo cách mà bất cứ ai cũng có thể làm được trước những tình huống hàng ngày của họ.

Như David, hẳn người đàn ông nào ở độ tuổi 52 đọc quyển này cũng cảm thấy có chút xíu mình trong đó, một độ tuổi rực rỡ cuối cùng, khao khát nồng rực đến đau đớn, trút ra, hay bẽ bàng trong một cuộc lên giường ngắn ngủi yếu ớt và đáng xấu hổ, suy tư vô cùng về tương lai của con, về quá khứ với bà vợ cũ, về sự nghiệp đã đeo đuổi cả đời, về trăm thứ bình phẩm hầm bà lằng đang trát dán lên người xung quanh…

Sự điềm đạm trong từng câu văn khiến người đọc xúc động. Bởi chẳng có gì hân hoan quá đà hay kiệt quệ u sầu trong nhiều chục năm liên tiếp được cả, phần lớn người ta sống trong tĩnh lặng, giận dữ trong tĩnh lặng và đôi khi khóc thầm sướt mướt vì cái bóng hạnh phúc của quá khứ lướt qua… Đó là con người.

Quyển “Ruồng bỏ” chứa hàng mớ chủ đề trong nó: về nỗi tủi hổ của bản thân, về tình dục và tuổi già, về quyền của những con thú bên cạnh loài người, về thơ ca, về những người tốt đẹp.

Như Lucy nói về đứa con mình mang trong bụng bởi 3 kẻ hiếp dâm:

“Đứa bé ư? Không. Con yêu nó làm sao được? Nhưng con sẽ yêu. Tình yêu sẽ lớn lên, người ta có thể tin vào thiên chúc làm mẹ để yêu mà. Con quyết trở thành một người mẹ tốt, David ạ. Một người mẹ tốt và một con người tử tế. Bố cũng nên cố thành một người tử tế đi.”

Khải Đơn

Haines-and-Malkovich-in-D-001

“Ruồng bỏ” (Disgrace) của John Maxwell Coetzee – Một nhà văn hai lần đoạt giải Booker: Cuộc sống và thời đại của Michael K. (1983) và Ruồng bỏ (1999) – và đoạt giải Nobel Văn học năm 2003. Những tác phẩm của Coetzee được viết bằng giọng văn điềm đạm, ngắn gọn, ít phô diễn kĩ thuật, người mới đọc dễ nắm bắt được mạch tác phẩm của ông và hiểu được cốt truyện. Tất nhiên, để hiểu toàn bộ kĩ thuật hay dụng ý của Coetzee lại không đơn giản lắm 😀

Các tác phẩm của ông thường đi sâu vào cuộc sống và suy nghĩ riêng của một người nào đó đặt trong một bối cảnh có biến động, phức tạp vì chính trị hoặc bị xô đẩy bởi chiến tranh, như trong Cuộc sống và thời đại của Michael K. thì là hành trình của K. Ruồng bỏ là hành trình của David Lurie, hay Tuổi sắt đá là về bà Curren, một giáo sư sống và chết dần vì bệnh ung thư.

Nếu bạn thích đọc thì đây!

Tuổi sắt đá: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnvnvn2n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

Cuộc sống và thời đại của Michael K: http://tve-4u.org/showthread.php?t=620

Người Chậm: http://tve-4u.org/showthread.php?t=778

Nguyên bộ Coetzee tiếng Anh, gồm cả Ruồng Bỏ: http://tve-4u.org/showthread.php?t=4252 (Tôi hem tìm được ebook tiếng Việt của Ruồng bỏ, mời bạn đọc tạm tiếng Anh, viết cũng dễ đọc thui)

Còn đây là 1 bài tôi từng viết về Michael K:  https://khaidon.wordpress.com/2012/08/27/michael-k/

===========

2 giây quảng cáo cuối bài, ai mua cafe cho em thì xin click vào đây ạ :))  https://www.facebook.com/media/set/?set=a.209137829293589.1073741828.197962500411122&type=1

7 bình luận về “Ruồng bỏ (J.M.Coetzee): Khi một giáo sư già lao vào một cuộc mây mưa với sinh viên

Add yours

  1. Chà bạn. Mình đang cần tìm Ruồng bỏ bằng tiếng Việt. Không biết bạn có sách không? Mình có thể liên hệ với bạn để mượn không? Nếu được bạn liên hệ theo địa chỉ mail giúp mình nhé. Cảm ơn bạn nhiều lắm!

    Thích

  2. Chị Khải Đơn, em đang rất cần quyển tiểu thuyết Ruồng bỏ bằng Tiếng Việt. Chị có thể cho em mượn quyển sách này được không?

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑