Gravity – sự sống trong một tiếng chó tru

Trong một mớ máy móc, áo phi hành gia, tàu vũ trụ, trạm không gian, “Gravity” ban đầu đã làm tôi hơi bực dọc, vì tôi ghét những bộ phim toàn máy móc và ít con người đến vậy.

Nhưng ở đó, có một cảnh phim khiến tôi sững người lại.

GRAVITY

Ryan Stone (Sandra Bullock), một tiến sĩ khoa học mới lên trạm không gian cùng với một nhà du hành đầy kinh nghiệm Matt Kowalsky (Geogre Clooney). Khi một cơn bão mảnh vỡ của vệ tinh quét qua, họ không kịp rời khỏi trạm và bị cuốn vào không gian vô định. Matt Kowalsky bình tĩnh và sành sỏi đã cứu được Ryan Stone trong cơn bão đầu tiên nhưng cuối cùng phải hi sinh để Ryan được sống sót. Cả bộ phim là cuộc vật lộn của một cô gái chưa hề có kinh nghiệm với vũ trụ và cả sự đơn độc trong thảm họa.

Thử tưởng tượng, cô gái Ryan ấy bơi trong bộ quần áo không gian, vật lộn với cơn bão mảnh vệ tinh chết người và khủng khiếp để đến được những trạm cứu nạn. Cô phải ‘chơi’ theo luật chơi của vũ trụ, không có không khí, bị cuốn đi như một quả bóng thổi yếu ớt, và con người – dù sao cũng chỉ là một hạt bụi của vũ trụ.

Cả bộ phim ấy không có nhiều lời thoại, chỉ có Ryan (sau khi Matt đã chết để cô được sống, với lời hứa sẽ sống sót), trong một khoang cứu nạn, đơn độc trong vũ trụ tối đen.

GRAVITY

Chỉ có một cảnh phim khiến tôi rùng mình, đó là khi Ryan ở trong khoang cứu nạn Syuz của trạm không gian Nga. Đó là khoảnh khắc đặc biệt của bộ phim, lúc cô vừa thoát chết lần đầu, vừa bấu vào được trạm không gian sau cơn bão trôi qua, vừa mất người bạn duy nhất Matt Kowalsky (vốn từ đầu đến giờ là người cứu cô qua mọi khoảnh khắc chết chóc). Cô đã “rơi” vào sự sống, nơi cô có thể cởi bỏ bộ đồ to tướng, duỗi thẳng mình trong bộ đồ lót và nhắm mắt lại trong một giấc ngủ ngắn. Đâu là khoảnh khắc một con người có thể yếu đuối nhất? Đó là khi cô tưởng mình sống sót hẳn, nhưng giờ không còn một ai bên cạnh, không gì bấu víu, thậm chí, không có cả cách nào để quay về với sự sống dưới hành tinh màu xanh kia. Hẳn đó là cảm giác của một người bị đắm tàu trên biển, biết bơi đó, cứ bơi hoài, nhưng biết là xung quanh mình chẳng có con tàu nào đang đến cứu cả. Đó là một cái chết sâu thẳm, tự thân. Cái chết đến từ bên trong, đến từ mọi căn cứ lý tính mà một bộ não người hiểu được: tôi sẽ chết, vì tôi không thể trở về bất cứ đâu, không có cái gì sẽ đến cứu tôi hay tôi tự cứu mình được cả.

Cảnh phim đó đau đớn đến rùng mình.

Ryan dò khắp điện đài, gọi kêu cứu khắp nơi, không tín hiệu gì đáp lại. Bỗng nhiên trong điện đài vang lên một tiếng nói. Có giọng đàn ông nói gì đó. Cô liên tục gọi lời kêu cứu, SOS, Mayday, Mayday. Trong đài chỉ là một ngôn ngữ lạ mà cô không hiểu nổi, lặp đi lặp lại từ ‘Aningaaq’, “Aningaaq” (*). Cô phân bua, cô tách bạch, cô nói mình không phải là Aningaaq. Cơn hưng phấn đầy hi vọng ban đầu như phát rồ lên và trở thành sự phẫn nộ, rồi tuyệt vọng, rồi không còn chút mong mỏi gì nữa.

Có tiếng chó sủa trong điện đài. Gâu. Gâu.

Lại giọng đàn ông đó.

Lại tiếng chó sủa.

Ryan bắt đầu đáp lại bằng tiếng tru. Gâu…. Gấu…. Gù….. Gú….

Tiếng tru của cô yếu ớt, ngắt quãng. Tiếng tru ấy hòa vào tiếng chú chó dưới trái đất đang kêu, nhập làm một.

Ryan tru lên như một chú chó nhỏ cô đơn thèm khát tiếng của đồng loại , bi kịch là cô và người đàn ông kia không hề hiểu nhau nói gì, cô đã tìm đến cách hiểu một tiếng kêu của giống loài quen thuộc nhất với con người, quen thuộc với cuộc sống bình thường của cô, nơi người nói chuyện, mấy chú chó thì sủa.

Tiếng chó tru ấy là âm thanh duy nhất có dáng vẻ của loài người mà cô có thể bấu vào, trút tất cả nước mắt ra, ấm ức, ngột ngạt, bức bối, khổ sở, che giấu, trút ra tất cả, không cần phải mạnh mẽ, không cần phải im lặng (vì chẳng có ai để mà trò chuyện). Cô khóc. Cô tru lên, rồi khóc, rồi nức nở, cứ thế lặp đi lặp lại cái từ Aningaaq – người đàn ông xa lạ mà cô đã đặt cho cái tên đó để được trò chuyện trong mối dây mong manh tận cùng đó giữa trái đất và vũ trụ tối đen đang vây bọc lấy cô.

gravity-2k-hd-trailer-stills-movie-bullock-cuaron-clooney-27

Một nhà du hành vũ trụ đầy lý tính (kiểu phim ảnh) có thể điều khiển tàu, mở động cơ đáp, có thể bấu lấy những thanh chắn trên trạm vũ trụ để thoát ra khỏi cơn ác mộng do bão mảnh vệ tinh gây ra. Nhưng dù có bao nhiêu mạnh mẽ, người phụ nữ như Ryan cũng không khỏi yếu đuối đến xót lòng khi biết mình đã mất hẳn cái người bạn đã cứu mình, biết rằng chỉ còn 1 mình mình trong cõi ngột ngạt vô cùng ấy. Cô cũng biết mình yếu đuối vô chừng khi nói với Matt (lúc anh còn sống) là: Cô mất đứa con, khi ấy cô đang lái xe, và từ đó cô không còn ngừng lại nữa, cô cứ lái xe. Cô không chấp nhận được sự thật là mình đã mất đứa con, cũng như cô không chấp nhận được thực tại của cái đen tối là cô mất cả người bạn, mất cả trạm vũ trụ, mất cả cơ hội sống sót mà cô và cả Matt đã kỳ vọng đi tới dù phải bất chấp cả mạng sống mình…

Trong phân cảnh đó, Ryan là một con người, một thứ đàn bà sao mà đàn bà đến tận cùng, đàn bà đến mức không thể vững vàng để mở máy, mở động cơ như sinh vật lí tính thèm sống sót, mà chỉ đàn bà để thèm nghe tiếng người, nghe thấy âm thanh hiểu mình – mình hiểu, nỗ lực để bị cuốn theo và được giao tiếp với thứ âm thanh – khác loài – như gần gũi hệt như tổ tiên loài người đã chọn chó làm bạn…

Sự đơn côi ấy, nó giống hệt như chàng trai Michael K. mà tôi từng đọc trong một quyển truyện, nơi cậu không còn có thể trò chuyện với một ai, không một ai có thể lắng nghe cái thế giới nội tâm đầy bình lặng của cậu, cậu chỉ đi tìm cách trồng những cây bí ngô, ngắm nhìn sợi dây trườn ra, lớn lên, và chờ đợi những quả bí ngô lớn trong cái hang ẩn nấp của mình – nơi không có loài người. Nhưng khác hơn là ở đây Michael K. có một niềm tin để bấu víu rõ rệt và đầy sự sống: bí ngô, còn Ryan đang bấu víu vào một đoạn sóng nhiễu loạn và một ngôn ngữ không phải của mình, chính mình cũng không hiểu, đó chỉ là một sợi dây mỏng manh, bị động, nhắc cô nhớ là dưới kia có một loài người đang đợi cô sống sót trở về.

Sau cảnh ấy, Ryan tắt oxy, đẩy mình vào cái chết trong sự tuyệt vọng, vì không một ai khác nghe thấy tiếng kêu cứu của cô trong vũ trụ đen tối. Hành vi đó là đỉnh điểm của những thương nhớ và đau đớn bị dồn ứ lại sau một chuỗi khủng hoảng và bi kịch trên vũ trụ. Cô thương nhớ người bạn đã mất. Cô đau đớn với hiện trạng của mình. Và kết thúc chắc là điều dễ dàng hơn tất cả những gì một nhà khoa học thiếu kinh nghiệm như cô có thể nghĩ ra trong thảm họa ấy. Nhưng Ryan Stone đã không chết mà mãnh lực sống đẩy cô đi tới cùng của cuộc phiêu lưu, với hàng chục hành động, sự kiện sau đó. Dù sao, đó là chuyện sau rồi. Với tôi, khoảnh khắc với Aningaaq và chú chó sủa kia là sự gợi nhắc đầu tiên, để châm lên cho cô cái bão lực thèm được sống tiếp – của cả cuộc phiêu lưu tiếp theo…

Nếu không có cơn nức nở trong khoang tàu Soyuz ấy, không có tiếng tru ngớ ngẩn đau lòng và hai bàn tay của cô co lên như đón lấy “đồng loại” ấy, có lẽ Ryan đã được tạo hình thành siêu anh hùng hay một thứ người kì cục nào đó trong một bộ phim đơn giản dễ hiểu nào đó. Còn “Gravity” đã xoáy vào, moi ra cái lớp cắt đàn bà – người – của nhân vật chính trong một bối cảnh đồ sộ ngột ngạt đến đau đớn của máy móc, tàu vũ trụ, trái đất hình tròn xanh biếc và vô dụng.

Khải Đơn

===============================================

(*) Nhân vật Aningaaq và tiếng chó tru trong cảnh phim của Gravity được lấy ra từ một bộ phim ngắn mà Jonas Cuaron (con trai của đạo diễn Alfonso Cuaron – đạo diễn của Gravity) từng làm. Trong phim “Gravity”, Jonas Cuaron là đồng tác giả kịch bản với cha mình. Trong bộ phim ngắn Aningaaq của anh, anh đã làm đoạn hội thoại đó từ một người câu cá trên băng Inuit nói tiếng Greenland với đàn chó của mình, khi bắt được sóng radio của một nữ phi hành gia sắp chết đang kêu cứu.

Bạn có thể xem bộ phim ngắn đó tại đây (chắc cái người post video lên youtube đã xài handycam quay lại cái fim này – nên bản vô cùng xấu nghen)

4 bình luận về “Gravity – sự sống trong một tiếng chó tru

Add yours

  1. Đọc bài này lại nhớ đến cảnh phim (không nhớ rõ tên, đã chiếu trên truyền hình) một nhóm những nhà du hành vũ trụ về hưu được mời trở lại làm nhiệm vụ đế vô hiệu hóa tên lửa hạt nhân trên không gian. cuối đoạn phim là một người đã hy sinh, tình nguyện ở lại trong không gian tâm tối ấy để đồng đội trở về trái đất.

    Thích

Comment

Blog tại WordPress.com.

Up ↑