Sam Polk tốt nghiệp từ đại học Columbia và bước chân vào Wall Street năm 22 tuổi. Anh trở thành một nhà môi giới và làm việc cho những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới. Năm 30 tuổi, khi quyết định rời khỏi phố Wall, Sam Polk phải “trả giá” bằng 2 triệu đô – là một nửa khoản tiền thưởng năm đó – để theo đuổi con đường riêng của mình: Thoát khỏi cơn nghiện giàu. Tôi dịch lại bài anh viết trên New York Times vì cách nhìn rất thú vị của một triệu phú đô la nói về thế giới giàu có đã tôn vinh anh từ người không có gì cả.
==============
VIẾT CHO TÌNH YÊU TIỀN BẠC
Trong những năm cuối cùng ở phố Wall, tiền thưởng của tôi là 3,6 triệu USD – và tôi đã giận dữ vì số tiền đó không đủ nhiều. Khi ấy tôi 30 tuổi, không có đứa con nào, không nợ nần, không có ý nghĩ định làm từ thiện nào. Tôi muốn có nhiều tiền hơn theo đúng cách mà một gã nghiện rượu muốn có thêm một ly nữa: Tôi nghiện tiền.
Tám năm trước đó. Tôi bước vào sàn giao dịch tại Credit Suisse First Boston để bắt đầu mùa hè thực tập. Tôi đã biết tôi muốn trở nên giàu có, nhưng khi bắt đầu tôi đã có suy nghĩ khác về ý nghĩa của sự giàu có. Tôi đến phố Wall sau khi đọc quyển sách : “Con bài Poker của kẻ dối trá” – kể về việc Michael Lewis đã kiếm ra khoản tiền thưởng 225,000 USD chỉ sau 2 năm làm việc tại một sàn giao dịch. Con số đó như một gia tài. Từ tháng Một đến tháng Hai, tôi luôn nghĩ rất nhiều về khoảng thời gian đó, bởi đó là những tháng khi người ta quyết định số tiền thưởng và chia tiền thưởng ra sao, đó là lúc để làm ra những gia tài khổng lồ.
Cha tôi đã dạy tôi về sự quan trọng của việc giàu có. Ông là một người bán hàng của hãng Willy Loman thời hiện đại, với giấc mơ vĩ đại chưa bao giờ được hiện thực hóa. “Con hãy tưởng tượng cuộc đời sẽ ra sao, khi cha kiếm ra 1 triệu đô la” – Ông nói. Khi ông mơ đến chuyện bán một cái màn hình, trong thực tế ông lại bán những cái kệ bếp. Và không hay gì. Đôi khi gia đình tôi sống phụ thuộc vào từng chi phiếu có được từ lương thực tập y tá của mẹ.
Cha tin rằng tiền có thể giải quyết mọi vấn đề của ông. Vào tuổi 22, tôi cũng tin như thế. Khi tôi bước vào sàn giao dịch đó lần đầu và nhìn thấy những cái chiếc TV màn hình phẳng đỏ rực số, những màn hình máy tính công nghệ cao và những bàn điện thoại với đủ mặt số, nút bấm và và nút ấn trông hệt như bàn điều khiển trên máy bay chiến đấu, tôi đã biến chính xác mình muốn gì cho cả cuộc đời này. Cứ như thể các giao dịch viên đang chơi video game trong một phi thuyền không gian, và nếu bạn thắng trò chơi video này, bạn sẽ trở thành thứ mà tôi ao ước nhất – GIÀU CÓ.
Thật kỳ diệu, tôi đã làm được việc đó ở phố Wall. Khi tôi còn đầy tham vọng và tính ganh đua – một chiến binh trong trường đại học Columbia – tôi cũng đã trở thành một tay uống rượu hàng ngày, hút cỏ, chơi cocaine, cắn đá và xài thuốc lắc hàng ngày. Tôi có xu hướng tự hủy hoại bản thân, dẫn đến việc bị đình chỉ học ở Columbia vì ăn trộm, bị bắt 2 lần và bị một công ty internet sa thải vì chuyện đấu đá. Tôi đã học rất nhiều về sự giận dữ từ cha tôi. Tôi vẫn còn thấy rõ gương mặt đỏ và méo mó của ông khi gây hấn với tôi. Tôi đã nói dối để tìm được một chân thực tập tài chính ở công ty C.S.F.B (Credit Sussie) bằng cách xóa những vi phạm khỏi hồ sơ của mình và quyết tâm không làm hỏng những gì có thể là cơ hội cuối cùng của đời mình tại đây. Chỉ có một thứ quan trọng tương đương với vị trí thực tập này là bạn gái tôi, một thành viên mới trong đội bóng chuyền của trường Columbia. Nhưng dù tôi yêu nàng bao nhiêu, sau mỗi cơn say tôi lại lên giường với những người phụ nữ khác.
Ba tuần trong chương trình thực tập, nàng đã khôn ngoan chia tay tôi. Em không thích con người mà anh đang trở thành – nàng nói như vậy. Tôi không thể nguyền rủa nàng, nhưng tôi đã quá tệ lậu đến mức không ra khỏi giường được. Trong cơn tuyệt vọng, tôi gọi cho một bác sĩ tư vấn mà tôi miễn cưỡng gặp vài lần để nhờ giúp đỡ.
Người tư vấn đã giúp tôi thấy tôi đã dùng rượu và thuốc để làm mòn đi cái cảm giác bất lực của đứa trẻ sâu kín trong tôi, và cô đề nghị tôi cai rượu, cai thuốc. Đó là những tháng khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Không có rượu và thuốc vào người, tôi cảm thấy như lồng ngực mình vỡ toang, phơi bày trái tim mình ra ngoài không khí. Bác sĩ tư vấn nói tôi đã tình trạng lạm dụng chất có cồn và thuốc của tôi là biểu hiện của một vấn đề cơ bản bên trong – “Sự đau đớn tinh thần” – bà gọi tên căn bệnh như thế. C.S.F.B không nhận tôi làm việc toàn thời gian, và tôi trở về trong điên cuồng, tiếp tục học ở Columbia năm sau.
Sau khi tốt nghiệp, tôi tìm được việc ở ngân hàng Bank of America, bởi sự nhiệt thành của giám đốc điều hành sẵn sàng cho thằng nhóc gọi cho ông ta mỗi ngày suốt ba tuần một cơ hội. Suốt một năm điều độ, tôi làm việc sắc sảo, tinh thông và chăm chỉ. Cuối năm đầu tiên, tôi bàng hoàng khi nhận món tiền thưởng đến 40 ngàn USD. Lần đầu tiên trong đời tôi không phải kiểm tra số tài khoản của mình trước khi rút tiền. Nhưng một tuần sau đó, một giao dịch viên chỉ hơn tôi 4 năm tuổi nghề được C.S.F.P thuê với mức giá 900 ngàn USD. Sau cú sốc ghen tị ban đầu – số anh ta kiếm được gấp 22 lần tiền thương của tôi – tôi bắt đầu khao khát về số tiền có thể kiếm được sẽ nhiều đến mức nào.
Trong vài năm kế tiếp, tôi làm việc như một kẻ điên và bắt đầu thăng tiến trên từng nấc thang ở phố Wall. Tôi trở thành một nhà giao dịch bảo hiểm trái phiếu và nợ, một trong những vị trí sinh lợi nhất trong công ty. Chỉ sau 4 năm khởi nghiệp ở Bank of America, Citibank mời tôi làm việc với mức lương “1,7 cho 2” – nghĩa là 1,75 triệu USD mỗi năm cho 2 năm làm việc liên tiếp; và tôi dùng sự kiện đó để thăng tiến. Tôi bắt đầu cưa cẩm một nàng gái đẹp tóc vàng, thuê một căn hộ lớn ở đường Bond với giá 6 ngàn USD/tháng.
Tôi cảm thấy mình thật sự là người quan trọng. Vào tuổi 25, tôi có thể đến ăn bất cứ nhà hàng nào ở khu Manhattan- Per Se, Le Bernardin – chỉ bằng một cuộc điện thoại và gọi một trong những nhân viên môi giới, luôn được các nhà đầu tư tin cậy vì khả năng tiêu xài giải trí không giới hạn. Tôi có thể đi tăng hai với trò Knicks-Lakers dễ dàng chỉ bằng cách nói nhỏ cho một nhân viên môi giới biết rằng tôi khá thích thú trò đó. Sự thỏa mãn giờ đây không chỉ là tiền bạc, mà là quyền lực. Bởi vì tôi quá thông minh và thành công, một ai đó phải có trách nhiệm làm tôi hạnh phúc.
Nhưng lòng ghen tị vẫn hành hạ tôi. Tại bàn giao dịch, mọi người thường ngồi chung với nhau, từ các thực tập sinh đến giám đốc điều hành. Khi một gã ngồi cạnh bạn kiếm được 10 triệu đô, 1 triệu hay 2 triệu đô nghe chẳng còn ngọt ngào chút nào nữa. Dù vậy, tôi vẫn thực sự xúc động vì sự tiến bộ của mình.
Bác sĩ tư vấn không chia sẻ với tôi cảm giác phấn khích đó. Bà nói dường như tôi đang sử dụng tiền theo cùng cách tôi chơi thuốc hay uống rượu, để làm bản thân tôi cảm thấy quyền lực. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi ngừng tập trung vào chuyện tích lũy tiền bạc và tập trung hơn vào việc chữa lành những tổn thương trong nội tâm tôi. “Tổn thương nội tâm à?” – Tôi nghĩ chuyện đó còn xa và tôi chuyển qua làm cho một quỹ đầu tư.
Giờ đây, khi làm việc vai kề vai bên cạnh những tỷ phú, tôi là một quả bóng lửa khổng lồ ngập tràn lòng tham. Tôi đã nghĩ đến những đồng nghiệp của mình có thể mua cả hòn đảo Micronesia nếu họ muốn, hoặc trở thành thị trưởng New York. Họ không chỉ có tiền, họ có quyền lực – thứ quyền lực có thể giúp bạn dễ dàng đặt bàn ở nhà hàng Le Bernardin. Những nghị sĩ phải ghé qua văn phòng họ. Họ là hoàng tộc.
Tôi muốn 1 tỷ đô la. Thật kinh ngạc khi nghĩ về số tiền đó trong chu kỳ 5 năm, tôi đã đi từ vị trí xúc động trước khoản tiền thưởng 40 ngàn đô, trở thành một kẻ thất vọng, khi trong năm thứ 2 làm việc tại quỹ đầu tư, tôi CHỈ được trả có 1,5 triệu đô.
Nhưng đến cùng tận, chính những ông chủ giàu có ngớ ngẩn đã chỉ ra cho tôi thấy giới hạn của sự giàu có vô tận. Tôi đến gặp một người trong số họ, và một số nhà đầu tư khác, và họ đang nói chuyện về luật lệ mới của quỹ đầu tư. Tất cả mọi người ở phố Wall đều nghĩ đó là những điều tồi tệ. “Nhưng nói chung chẳng phải nó tốt hơn cho hệ thống sao? “ – Tôi hỏi. Cả căn phòng im lặng, và sếp tôi ném cho tôi một cái nhìn đầy ý nghĩa. Tôi vẫn còn nhớ ông đã nói: “Não tôi không đủ sức để nghĩ về toàn hệ thống. Và tôi chỉ quan tâm việc này ảnh hưởng đến công ty của chúng ta ra sao.”
Tôi cảm thấy như mình bị đấm một cú vào bụng. Ông ấy sợ mất tiền, dù cho ông ta có bao nhiêu đi chăng nữa.
Từ khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu nhìn phố Wall với đôi mắt mới. Tôi chú ý đến những phản ứng tiêu cực mà nhà đầu tư ám chỉ chính phủ khi nói về việc giới hạn tiền thưởng sau khi thị trường sụp đổ, tôi nghe thấy sự giận dữ trong giọng nói của họ về mức thuế cao hơn. Những nhà đầu tư khinh thường bất cứ ai hay bất cứ điều gì đe dọa đến món tiền thưởng của họ. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một con nghiện thuốc tỏ ra thế nào khi hắn hút hết mớ thuốc? Hắn sẽ làm bất cứ trò gì, đi bộ 20 dặm trong tuyết, cướp của một bà lão chỉ để có tiền hút tiếp. Phố Wall cũng như thế. Trong những tháng trước khi tiền thưởng được trao, cả sàn giao dịch cứ như khu phố trong bộ phim “The Wire” khi đói ma túy.
Tôi đã luôn luôn nhìn người khác một cách đầy tị hiềm khi họ kiếm nhiều tiền hơn. Giờ đây, lần đầu tiên, tôi cảm thấy bối rối dùm họ, và cho chính mình. Giờ đây mỗi năm tôi đã kiếm ra số tiền nhiều hơn mẹ tôi làm cả đời. Tôi biết điều này thật không công bằng, không đúng chút nào hết. Đúng là tôi sắc sảo, tôi giỏi tính toán. Tôi có tài năng với thị trường. Nhưng đến cuối cùng tôi chẳng thật sự làm gì cả. Tôi là một nhà giao dịch phái sinh, và với tôi thế giới dường như chẳng thay đổi gì nếu những tín dụng phái sinh không còn tồn tại nữa. Các thực tập sinh y tá cũng vậy. Những thứ từng rất bình thường bỗng nhiên trở nên cực kỳ lầm lạc.
Tôi vừa đọc xong ba tập sách của tác giả Taylor Branch nói về mục sư Martin Luther King và hoạt động vì quyền công dân của ông, và bức ảnh của những người vì tự do bước ra khỏi xe bus và bị bao vây bởi sự giận dữ đã in vào tâm trí tôi. Tôi tự nói với mình nếu tôi sinh ra vào thập niên 60, có lẽ tôi đã lên chuyến xe bus đó.
Nhưng tôi đã nói dối chính bản thân mình. Còn rất nhiều sự bất công ngoài kia – nạn đói nghèo tràn lan, số người ở tù tăng đáng ngại, bùng nổ của cưỡng bức tình dục, khủng hoảng béo phì. Tôi đã không hề giúp giải quyết bất cứ vấn đề nào trên thế giới, mà chỉ đang làm lợi cho những tệ nạn đó. Kể từ khi thị trường sụp đổ năm 2008, tôi đã kiếm ra hàng tấn tiền bằng cách phân loại nợ phái sinh từ những công ty mạo hiểm. Khi thế giới rúng động, tôi kiếm lời. Tôi đã nhìn thấy cơn sụp đổ đến, nhưng thay vì cố gắng giúp mọi người trong cuộc khủng hoảng có thể làm tổn thương rất nhiều người – những người không có hàng triệu đô la trong ngân hàng – tôi lại kiếm tiền từ rủi ro đó. “Em không thích cái con người mà anh đang trở thành” – bạn gái tôi đã nói nhiều năm trước. Nàng đã từng đúng, giờ nàng vẫn đúng. Chỉ đến mãi bây giờ, tôi mới nhận ra chính mình cũng không thích cái thứ mà mình đang trở thành.
Cơn nghiện giàu có được các nhà xã hội học miêu tả gần đây và được nhà viết kịch Philip Slater nói đếnt trong một quyển sách năm 1980, nhưng các nhà nghiên cứu về chứng nghiện ngập ít chú ý đến thể loại này. Nếu rượu gây say xỉn, nghiện giàu có gây nguy hiểm cho tất cả mọi người. Hơn bất cứ ai, những kẻ nghiện giàu có phải chịu trách nhiệm về sự rạn nứt ngày càng lớn đang xé tan đất nước của chúng ta ra. Những kẻ nghiện giàu có phải chịu trách nhiệm cho sự phân hóa tàn bạo giữa người giàu – nghèo và sự hủy hoại tầng lớp trung lưu.
Chỉ có những kẻ nghiện giàu có mới cảm thấy thỏa mãn khi nhận khoản đền bù 14 triệu đô la – trong đó có 8,5 triệu đô tiền thưởng – như CEO Don Thompson của McDonald nhận vào năm 2012, trong khi công ty của chính ông sau đó đã xuất bản một tờ rơi cho biết những người lao động của công ty này phải sống sót ra sao với số lương thấp họ được nhận. Chỉ có kẻ nghiện giàu có mới kiếm hàng trăm triệu đô khi làm giám đốc quỹ đầu tư, mà vẫn còn cố vận động hành lang, lách vào kẽ hở thuế để đóng một khoản thuế thấp hơn cả thư ký của ông ta.
Bất chấp những gì bản thân nhận ra, tôi cảm thấy cực kỳ khó rời bỏ thế giới đó. Tôi hoảng sợ khi nghĩ đến việc rời bỏ tiền bạc và những khoản tiền thưởng tương lai. Hơn tất cả, tôi sợ cái cảm giác 5 hay 10 năm sau, tôi sẽ thấy mình như một gã ngốc đã rời bỏ cơ hội duy nhất để trở thành một người quan trọng thật sự. Khó khăn hơn nữa là mọi người sẽ nghĩ tôi điên nếu tôi từ bỏ mọi thứ. Vào năm 2010, trong cơn cực đỉnh nghiện giàu có của mình, tôi đòi được trả 8 triệu đô thay vì 3,6 triệu đô. Các sếp tôi nói họ sẽ nâng tiền thưởng nếu tôi đồng ý ở lại công ty nhiều năm. Thay vào đó, tôi rời bỏ.
Năm đầu tiên thật khủng khiếp. Tôi đi qua tất cả và chỉ có thể mô tả nó như sự cắt cơn – tỉnh dậy giữa đêm khuya hoảng loạn về việc hết tiền, đọc bằng hết các tít báo để biết đồng nghiệp nào của mình đang được thăng tiến. Dần dần mọi thứ dễ chịu hơn – tôi bắt đầu nhận ra tôi đã có đủ tiền, và nếu tôi cần kiếm thêm, tôi vẫn có thể làm được. Nhưng cơn nghiện giàu có của tôi chưa kết thúc. Đôi khi tôi vẫn mua vé số.
Ba năm sau khi tôi rời khỏi nơi làm việc, tôi kết hôn, tôi đi nói chuyện trong tù và trại giam giữ trẻ vị thành niên phạm tội về việc trở nên tỉnh táo, dạy viết cho các bé gái trong một trung tâm nuôi trẻ, và xây dựng một tổ chức phi lợi nhuận tên là Groceryships để giúp những gia đình nghèo chống lại bệnh béo phì và cơn nghiện thức ăn. Tôi hạnh phúc hơn nhiều. Tôi cảm thấy dường như mình thực sự đã có đóng góp. Thời gian trôi qua, sự lệch lạc dần ít đi. Tôi đã nhìn thấy câu thần chú của phố Wall: “Chúng ta thông minh hơn và làm việc vất vả hơn bất cứ ai, vì thế chúng ta xứng đáng kiếm nhiều tiền như vậy!” – chính xác hơn đó là sự hợp lý của cơn nghiện ngập. Từ khoảng cách xa hơn, tôi đã nhìn thấy những gì mình không thể thấy – phố Wall là một nền văn hóa độc hại, cổ vũ cho cơn hào nhoáng của những người khao khát đến tuyệt vọng để thấy mình quyền lực.
Tôi thật may mắn. Kinh nghiệm với rượu và ma túy đã cho phép tôi nhận ra mình đang theo đuổi sự giàu có hệt như một con nghiện. Những năm tháng trò chuyện với bác sĩ tư vấn đã giúp tôi hàn gắn những mảnh bên trong con người tôi, vốn cảm thấy bị đe dọa và khốn khó, để tôi cảm thấy chính mình mạnh mẽ hơn để từ bỏ.
Hàng loạt những nhóm hỗ trợ 12 bước – như Clutterers Anonymous và On-Line Gamers Anonymous đã được lập ra để giúp đỡ người nghiện đủ loại, nhưng chưa hề có nhóm Wealth Addicts Anonymous – giúp những người nghiện giàu. Tại sao không? – Bởi vì văn hóa của chúng ta cổ vũ và ca ngợi cơn nghiện giàu có. Hãy nhìn vào các bìa tạp chí, trát đầy những gương mặt người nổi tiếng và CEO, những người siêu giàu là những thượng đế của nền văn hóa này. Tôi hi vọng mỗi chúng ta đều phải góp sức chống lại cơn nghiện giàu có đang lan rộng và ảnh hưởng lên đất nước này.
Tôi thường nghĩ rằng nếu một người giàu và tin rằng họ “thấy đủ”, họ không phải một kẻ nghiện giàu có. Ở phố Wall, theo kinh nghiệm của tôi, khái niệm về “sự đủ” cực kỳ hiếm hoi. Một nhân viên làm việc phàn nàn chuyện cần đến thêm 1 năm nữa anh ta mới bỏ được 2 triệu đô vào tài khoản 20 triệu đô, đó có lẽ là một con nghiện.
Tôi vừa nhận được email từ một nhà môi giới quỹ đầu tư, nói rằng dù ông kiếm ra hàng triệu đô mỗi năm, ông cảm thấy như mắc kẹt và trống rỗng, nhưng không có đủ nghị lực để rời sàn. Tôi tin rằng có rất nhiều người ngoài kia như vậy. Có lẽ chúng ta có thể lập một nhóm và chống lại cơn nghiện giàu có của chính mình. Và nếu bạn xác định được khi đọc những gì tôi vừa viết, nhưng thận trọng khi muốn cai nghiện, thì hãy bắt đầu từng bước nhỏ để đi đúng hướng. Hãy tạo ra một quỹ, nơi mọi người sẵn sàng chi 25% của khoản thưởng họ kiếm ra, và chúng ta sử dụng số tiền đó để giúp những ai thực sự cần số tiền mà chúng ta đã khao khát kiếm được. Cùng với nhau, chúng ta có thể thực sự đóng góp điều gì đó cho thế giới.
Khải Đơn dịch từ bài của Sam Polk (New York Times) *
=================================
Bài gốc: For the love of money
http://www.nytimes.com/…/…/sunday/for-the-love-of-money.html
Comment