Khi tôi bước vào một phòng vẽ trùm kín vải bạt giữa Trung tâm Nghệ thuật của Bangkok, bạn đi cùng tôi nói: “Hướng dẫn bảo bạn hãy dùng cọ và vẽ về điều bạn cho là tự do đi!”
Dưới chân chúng tôi là gần chục thau màu và cọ vẽ ngổn ngang.
Trên tấm vải bạt căng rộng, đã có hàng trăm hình vẽ ngang dọc như một bức tranh đường phố. Biểu tượng không chiến tranh, một dòng chữ nói bảo vệ sông, những câu viết về sự tù túng của nền chính trị hiện đại.
Tôi không vẽ gì. Đó là lúc tôi nhận ra, tự do trong tim mình không hề tồn tại.
Mỗi tuần, tôi vẫn quay lại nơi này. Có hôm, mấy nghệ sĩ biểu diễn trình diễn ngoài trời. Đó là một tác phẩm liên hoàn gây bực dọc.
Chàng trai trẻ cầm tấm kính, nhấn vào miệng mình. Anh nằm ngửa và giãy giụa trước sân bảo tàng. Miệng anh chảy một chất lỏng màu đỏ. Tấm kính ghì sát miệng. Anh vẫn vật lộn với nó, tay vừa ấn nó chặt vào miệng, lại vừa tìm cách đẩy nó ra.
Một cô bé xinh đẹp, ăn mặc như các cô gái trẻ thời thượng. Em ngồi gọt trái cây. Hành động gọt lặp đi lặp lại, vô hồn, thẳng thớm, bất chấp chàng trai cạnh em đang giãy giụa.
Một người thanh niên mặc cổ cồn trắng, đang miệt mài làm gì đó bên một chiếc giày tây của dân văn phòng. Khi khán giả dí sát mặt lại gần, có thể thấy anh đang cặm cụi dán từng hình nhân người màu trắng bằng keo 502 xuống một vị trí cạnh chiếc giày. Những hình nhân màu trắng giãy giụa, giơ tay, nhảy lên cao. Nhưng chúng đã bị dán.
Một người đàn ông ngồi đan chổi. Cây chổi hoàn hảo. Ông tháo ra, rồi đan vào.
Cảnh tượng đó diễn ra cạnh những sĩ quan quân đội mặc trang phục đang “canh giữ” buổi trình diễn. Đây là thời điểm cực kỳ ngột ngạt của Thái Lan, khi những nhà hoạt động liên tiếp vào tù và bất cứ ai bày tỏ bất cứ gì cũng phải đối mặt với nguy cơ trước mặt.
Bạn tôi nói: “Ừ thì tụi tôi sợ, nhưng họ vẫn biểu diễn.” Người xem vẫn chậm rãi xem. Người diễn vẫn diễn. Và kẻ canh giữ vẫn canh giữ.
Mỗi tuần tôi đều quay lại nơi này để suy nghĩ về lần đầu tiên mình cầm cọ và thấy bất lực. Tại sao khi người ta cho hẳn mình cọ, màu và phông vẽ, mà cũng không thể diễn đạt được thứ đơn giản mà mình đã nghĩ đến hàng ngàn lần trong đầu?
Bởi vì, tự do chẳng bao giờ là một thứ dễ trao đổi và xin cho đến thế. Nó là nhầm tưởng của tôi khi được cầm bút viết. Nó tràn chiếm và dìm tôi chết ngộp trong những câu từ đầy thu hút trên những trang viết hùng biện. Nó đến trong một thoáng tôi ngồi ở dòng sông vĩ đại, mất kết nối toàn bộ, và tưởng rằng mình đang thực sự suy nghĩ như một đứa con của tự do. Nhưng mọi hào quang chỉ là nhầm tưởng.
Tự do lệch lạc như trong một bộ phim hành động, người đấu tranh bàng hoàng nhận ra lãnh tụ của mình đang nói “chúng ta sẽ thống lĩnh” và anh điên giận đến mức cho hắn một phát súng vào lồng ngực.
Nó ảo tưởng như khi nàng Sabina đứng giữa cuộc tranh cãi lồng lộn của các trí thức Ba Lan – dù họ đã thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản để mà tới được bầu trời tự do khác. Tôi còn nhớ trong truyện, nàng đã rời khỏi phòng giữa cơn phùng mang trợn má của những trí thức già hoành tráng.
Và… đôi lúc tôi tự hỏi, tự do có khi nào nhầm lẫn như Che Guevara – thần tượng của tôi – khi anh mất đi trong cuộc chiến anh chọn.
Ý nghĩ về tự do gây đau đớn cũng hệt như cách nó vận hành và nghiền nát con người, nghiền nát bàn tay khi cầm bút, nghiền nát một cành cọ vung bút lên, nghiền nát một sự trỗi dậy mà ta chỉ tưởng là mình đã chọn đúng.
Tự do mất đi khi ta tự buộc mình im lặng.
Tự do không tồn tại khi ta nghĩ mình có thể an ổn trước tiếng hét của người khác.
Tự do là một giả tưởng, dù ta có là nạn nhân hay là kẻ trấn bỏ tự do của người khác.
Tự do tạo sinh trong trong tâm trí mình, nảy chồi trong ấy, và có thể đã chết tự bao giờ không hay biết.
Mỗi tuần, tôi đều đứng từ tầng hai của BACC, ngắm nhìn những bức tranh về đủ thứ chủ đề chấn động nội tâm, về người mơ, về cuộc phiêu lưu tuổi thơ, hay sự nhầm lẫn của Đấng Sáng tạo…
Ở đây, những người trẻ trôi qua mình. Khi đêm muộn họ hát khản tiếng ca khúc về tự do, buổi chiều chết ngộp trong nắng vàng chỉ vì tiếng nói tự do, hay như bạn tôi… cô ấy nói cô cảm thấy bất an vì những gì nghe thấy mỗi ngày… cô sẽ vẽ về sự bất an đó trong cánh rừng bí ẩn.
Nhưng còn tôi, tôi chưa bao giờ viết được về điều đó… như một người khuyết tật tự do.
Khải Đơn
Comment