
Tôi ngồi hàng chục giờ phỏng vấn một số trí thức – những người gọi bản thân là “chiến thắng” trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, và đã bước vào Sài Gòn những ngày cuối tháng Tư 1975.
Có một câu người ấy nói: “Khi chú về Hà Nội, sau rất nhiều năm xa cách, chú đứng ở cửa hàng lương thực, nhìn bảng thông báo ‘Ai có con là liệt sĩ ở miền Nam thì được mua thêm 5kg gạo’. Chú đứng đó và bật khóc. Lần đầu tiên bật khóc sau gần chục năm ở giữa bao khốn khó mà chưa một lần nào òa khóc.” – Khoảnh khắc đó im hẳn tiếng lời.
Tôi cúi đầu, sự tự lùi xa của một người phỏng vấn không cho phép thể hiện bất cứ điều gì.
Vào khoảnh khắc đó, tôi nhớ vài dòng của Phan Nhật Nam viết: “Pháo đầy trời nên sự chết cũng ở khắp nơi, chết lan như cỏ gà, chết tự nhiên, như sống thì phải chết. Chết ở An Lộc là hiện tượng tất nhiên. Gia đình bẩy người, hai vợ chồng năm người con cùng trú trong một cái hầm. Hầm đào dưới nền nhà trên lót vài tấm ván và một lớp bao cát. Tất cả đo được một thước bề dày. Tội nghiệp, dân đâu biết được cường độ công phá của đạn 130 ly. Nên, ầm một tiếng ngắn ngủi, cái nắp hầm tội nghiệp đó tung lên vỡ tan từng mảnh nhỏ như những hạt nước tóe lên khi hòn đá nặng rơi xuống… Chết! Sáu xác chết được một người còn sống chắp nhặt, vá víu để xác người mẹ không có tay người con, để thằng anh không lẫn chân thằng em. Người cha chậm rãi, từ tốn bình thản đi chọn lựa từng phần thân thể một của mỗi người thân yêu, còn gì trong đầu óc khô cứng đó. Không còn gì, chẳng nên gọi đó là óc não con người.Người đã chết. Con người thật đã chết toàn phần ở An Lộc.” (*)
Cuộc diện kiến với người đã đem thân mình nhúng vào bất hạnh của nội chiến khiến một đứa trẻ luôn phân vân tự hỏi, cuộc chiến ấy là đúng hay sai. Chẳng bao giờ có thể định đếm nó. Với một người đã mất chàng trai mình yêu, nó sai. Với một kẻ đã nhờ vết sẹo trên vai để trở thành hào quang lửa đỏ, nó là đúng. Không nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến đó bẻ gãy mọi nhân tính và chuẩn mực thông thường của đời người và tri giác. Chỉ còn máu hoặc không máu, chết hoặc không chết, gục ngã hoặc còn đứng yên.
Sự bất tận của lửa đỏ đã đốt trụi mọi điều ra tro, và như một nhà văn nói với tôi: Cuộc chiến đó đã hóa vàng toàn bộ những đạo đức đã tồn tại đâu đó trong nếp sống, truyền kỳ và lương tâm của một thời đại kém may mắn.
Tôi chưa bao giờ hiểu cuộc chiến đã phá tung mọi thứ đến mức độ nào, cho đến khi tôi bắt gặp những cuộc tranh luận đớn hèn mà người ta vinh danh sự tồn tại của một thể chế làm điều đúng toàn vẹn.
Cho đến khi tôi gặp những người đem hàm tước cựu chiến binh ra để mặc cả một cuộc hiếp dâm con trẻ. Cho đến khi tôi gặp những nhà văn kiêu hùng viết những câu mãnh lực tráng lệ, thình lình xoay đổi toàn vẹn, chửi bới vô phương những gì đã làm ghế nệm và vai êm cho bản thân và họ hàng. Cho đến khi tôi nghe về một phương xa nửa vòng trái đất, nơi sự căm hận vẫn vẹn toàn y như 40 năm trước. Nơi mọi từ lóng, ngôn lời phẫn nộ vẫn y hình dạng như thời gian chưa từng tồn tại xen giữa.
Cuộc chiến này, thứ đầu tiên nó làm được, là khiến cha ông trở thành kẻ vô liêm sỉ và sẵn sàng để lại cho con cháu xương xẩu và máu me – dạy dỗ chúng hãy cầm gươm lên để giết hại một ai đó – khác – biệt – mình.
Tôi tự hỏi, mình đã hiểu gì sau khi đọc hàng ngàn trang viết đó, và đứng trước mặt hàng chục nhân vật – người thỏa thuê kể cho nghe về cuộc chiến thắng đã từng (xin lưu ý, nó là chém giết), người giận dữ khôn nguôi vì cuộc hận thù không thể đáp giải – mà chỉ tồn tại trong những câu tục tĩu vô chừng.
Có đôi lần tôi xin cha ông đừng kể nữa. Họ không xứng đáng với thời gian đã qua. Họ đã bẻ cánh quân thù để cơ hòng kể một cổ tích mà họ là người lồng lộng anh hùng. Kẻ thắng tô trét người thua bằng sắc màu bẩn thỉu. Kẻ thua mạt sát người thằng bằng ngôn lời bẩn tanh.
Có đôi lần tôi thấy mình bị lừa (à, thì có sao, sống trên đời ta bị lừa vĩnh viễn), khi đọc một tác giả rất nhiều năm, thích thú ông, cho đến ngày ông sắp toi đời, ông viết hồi ký “vạch mặt” thế lực đã để ông nằm nệm êm gối ấm xênh xang bữa giờ. Tôi tự hỏi, di sản đó – hàng ngàn trang sách mình đã đọc – có bao nhiêu phần của sự không dối lừa?
Tôi tin rằng dân tộc này không có nhu cầu với thông tin thật, hoặc bởi họ đã sinh ra trong bào thai của vô số cha ông bịp bợm, những kẻ bán chiến thắng mua danh, bán chiến bại mua lòng quả cảm, bán sự ngờ nghệch của con cháu để mua những mưu cầu tham lam vô tận của sự phục vụ.
Đôi lần, tôi thấy mình bật khóc trước một tấm ảnh lạ chụp vài chục năm trước. Người chụp lục trong sổ và nói: “Cô bé này, chà, cô ấy được một gia đình người Úc đã có một con gái nhận nuôi. Khi ấy nó 8 tuổi.” – Cô bé nhìn chằm chằm vào máy ảnh, mắt đen thẫm. Nó tiết lộ phần biển rất xa đang tỏa giá ngoài khung cảnh nền, nơi con bé đã nằm đâu đó ngủ chờ chuyến tàu vượt vô vàn biển dặm để nó đến đây – cạnh người chụp ảnh để nhìn ống kính của ông.
Tôi mím môi cầu nguyện – xin hãy kể tôi nghe một chuyện thành thật – xin đừng vui mừng quá đỗi trước chiến thắng ngàn tên, vạn kẻ, và bơm vào ngực tôi những sáo từ vô nhân tính. Xin đừng ép tôi phải căm thù một ai – xin kể rằng Sài Gòn hôm ấy đã ngừng lại và rã rời nhau như thế nào – khi anh lên trực thăng và rời khỏi thời gian chìm vào bóng tối ấy.
Tôi thường thất bại với khẩn ý kỳ cục ấy. Tôi nghĩ mình là một đứa trẻ bị nguyền rủa – nó chẳng cần nhân tính nào nhiều lắm – ngoài học chiến thắng trên xác kẻ thù và chiến bại trên sự phỉ báng nhân phẩm vô cùng tận.
Mỗi năm, tháng tư tới, tôi đọc một quyển hồi ký, để nó thấm vào tim mình cả căm thù và hả hê, cả bất hạnh và chiến thắng, cả bể vụn và đoàn tụ, cả vô tri và vô nhân tính….
Tôi không còn lý tưởng làm nguôi bớt hận thù hay giảm niềm hăm hở chiến thắng nữa. Cuộc chiến đó đã tàn phá từng cá thể con người, tàn phá trái tim, tàn phá cả những rung cảm tinh vi nhất mà từng cá thể – lẽ ra – thường nhớ và hiểu rõ mọi điều đã dao động và thiêu đốt tâm can mình…
Hoặc là tôi đã tưởng nhầm – vì chẳng ai còn nhớ được điều gì đã xảy ra – hoặc họ đang diễn tả toàn bộ mọi thứ theo tưởng tượng để làm vui lòng người khác ở những nơi chốn xa xôi….
Khải Đơn
(*) Mùa hè đỏ lửa – Phan Nhật Nam:https://www.vlink.com/nlvnch/pnnam/muahedolua_02.html
Ảnh: LDE
Comment