Thân thể của mình là của ai?

Có thể bạn khó cảm nhận được câu hỏi này, nếu bạn là nam giới. Là nữ giới, tôi thường tốn rất nhiều thời gian tự hỏi cơ thể mình thuộc về ai. Cũng ngớ ngẩn khi đặt câu hỏi này, cho đến khi đi sâu hơn vào những góc cạnh của nó. 

“Không biết giữ gìn cho chồng”

Khi bạn còn niên thiếu, có thể bạn đã nghe bà nội, bà ngoại, bà hàng xóm hay chính mẹ dặn rằng bạn phải giữ trinh tiết. Câu nói quen thuộc là: “Không biết giữ gìn cho chồng thì chó nó thèm con ạ. Đàn ông khinh mình ra đấy!” – Ban đầu tôi nghĩ câu này phải ở thời nào chừng năm 1980, khi mà cơ thể, tình dục và quan hệ nam nữ còn là điều cấm kỵ. Nhưng không, một thời gian dài đọc các trang như EVA, Webtretho, hay các trang gia đình trên báo, tôi nhận ra ý niệm rằng thân thể người nữ chỉ còn giá trị khi nó được giữ nguyên lành và trao (miễn phí) cho một người đàn ông nào đó. 

Đặt giả định rằng nếu bạn không còn nguyên vẹn, vậy ai là cái đứa đã làm ra sự không nguyên vẹn ấy? Nhân vật đó thường vô hình, không ai đề cập, nhưng cố nhiên thường là nam giới. Các bà mẹ quen sống chung với tiêu chuẩn kép thế này: Con gái bà thì phải giữ gìn thân thể cho một người đàn ông cô sẽ cưới. Nhưng con trai bà thì có thể thả sức chơi bời không vấn đề gì nhân phẩm cả. Vậy cuộc đời đào đâu ra bao nhiêu cái trinh cho các anh nam giới xài, lại còn phải đáp ứng thêm bao nhiêu cái nguyên vẹn để về làm vợ các anh? 

Đặt câu hỏi về số lượng nghe hơi kỳ, nhưng tôi làm vậy để chỉ ra tiêu chuẩn kép dùng để hạ thấp phẩm giá và từ đầu đã coi thân thể phụ nữ là món đồ [thuộc về] nam giới, và phải đảm bảo chất lượng. Trên các trang kiểu như EVA hay Webtretho thường sẽ có vài biên tập ăn rồi ngồi bịa ra những chuyện như anh phát hiện em không còn nguyên vẹn đêm tân hôn, hay em có một đứa con rồi nên anh không hài lòng mà thường sỉ vả em khi xỉn, hay mẹ anh không chấp nhận em vì biết em đã từng có một đời chồng. Cũng kể đây để bạn nữ nào cấp tiến khỏi ngạc nhiên, các bài như vậy thường vài ngàn like, mấy trăm comment chửi nhau như đúng rồi về thân thể của cô gái. 

Cuối cùng nó là sở hữu của cô hay của chàng trai? Của mẹ chồng? Của mẹ cô? Của bà nội? Của bà ngoại? 

Vị thế đồ vật 

Vì không nhìn nhận cơ thể là của mình, mà coi nó như vậy phẩm để cho đi (hay gọi hoa mỹ là “trao thân”), phụ nữ sẽ tự tạo cho mình vị thế là nạn nhân khi thân thể họ không giúp họ đạt được điều họ muốn. Bạn sẽ có thể nghe những đối thoại như, em gái cậu ấy bị lừa quen với thằng sở khanh, hay em bị anh ấy lừa vì anh nói có nhà mặt tiền, hoặc anh hứa chu cấp cho em nhưng chỉ chơi qua đường rồi bỏ. 

Nhìn nhận thân thể mình là một vật phẩm để “trao”, [hay đổi], là cách nhiều phụ nữ được nuôi dạy từ bé. Nếu em đẹp, em phải đòi người nam có nhiều tiền. Nếu em hot, anh ấy phải có xe hơi. Quan niệm này thường được các nam giới bỉ ổi đem ra làm trò giỡn, như anh gì có con Mecz hôm bữa. Vì có con Mecz chở em đi vài vòng là được. Khi thân thể bị coi là sản phẩm, phụ nữ hoặc là sẽ gọi giá nó rất cao hòng đạt được kỳ vọng vật chất mình muốn, hoặc coi rẻ và khinh thường chính thân thể đó nếu cô không được đẹp [như chuẩn đương thời trên báo chí và thời trang]. Nhưng dù là đề quá cao hay hạ quá thấp, thì việc dựa vào ý tưởng là vật phẩm cũng đều khiến phụ nữ tự mình đặt bản thân vào vị trí dễ bị tổn thương và là nhân vật thứ yếu trong quan hệ tình cảm, vốn hai bên nếu đồng thuận có vai trò và trách nhiệm ngang hàng như nhau khi có điều gì đó cần giải quyết. 

Các bạn nam giới thường khó hiểu được những câu nói kiểu “anh lừa em”, hoặc “em trao thân cho anh rồi”, vì thực chất quan hệ tình dục chỉ là quan hệ tình dục nếu đôi bên đồng thuận, nó khó có thể coi là lừa đảo [nơi nạn nhân bị mất hàng hóa tiền bạc]. Họ không cảm thấy bị thuyết phục nếu người nữ [nếu đã đồng thuận khi quan hệ] lại đòi họ phải trả lại bằng vật chất hay cáo buộc là kẻ lừa đảo. Thấy khó hiểu thường sẽ chạy trốn cho nhanh để khỏi phải chịu trách nhiệm. 

Không kết nối với cảm xúc bản thân

Phần bên trên dễ xảy ra với các bạn gái trẻ. Còn phần này lại thường xảy ra với phụ nữ đã có bạn đời hoặc kết hôn. Vì không thực sự coi trọng cơ thể, họ bị kìm giữ trong các định chế cấm kỵ mà không bao giờ nói tới. Cụ thể nhất ở đây là sau khi có thai và sinh con, khi cơ thể ở thời gian khó khăn nhất, nhiều bạn nữ không bày tỏ với chồng tìm cách chia sẻ giải pháp [chẳng hạn như nhờ chồng giành thời gian chăm sóc con để mình tập thể dục cho cơ thể săn chắc lại]. Thậm chí có người đơn giản là không cho chồng động tới luôn vì… xấu hổ. Thân thể đó sinh ra một con người – công sức là vất vả – cố nhiên phải thừa nhận sự vất vả đó và yêu cầu bạn đời cùng vượt qua giai đoạn đó chứ? 

Vì không thực sự coi trọng cơ thể, đa số các bạn nữ không muốn đề cập đến ham muốn của bản thân với bạn đời, hay những ý nghĩ phiêu lưu về tình dục mà cô khao khát. Nói ra thì sợ chồng bảo là hư hỏng. Không nói ra thì chỉ có cách kìm giữ ham muốn đó tự chịu một mình. Tệ hại hơn, có người nữ chấp nhận để bạn đời làm bất cứ gì họ thích trên cơ thể mình dù có thể bị đau đớn, khó chịu, không mong muốn. Nhưng ý niệm “chiều chồng” hay cơ thể mình là của anh khiến họ chấp nhận điều đó. 

Đi xa hơn của phần không kết nối với bản thân là phụ nữ dẹp bỏ ham muốn của bản thân ngay cả khi đã ngán anh chồng tới tận cổ. Bạn thử nghĩ xem, thông thường bạn nam mà ngán vợ tới tận cổ sẽ đi tìm ngay bạn gái mới bên ngoài hoặc sớm kết thúc hôn nhân. Nhưng thái cực ngược lại thường rất ít được nói tới. Và nếu có nói tới, thì cách xã hội nhìn nữ giới kết thúc hôn nhân để đi tìm người bạn phù hợp hơn vẫn là coi phụ nữ là “kẻ xấu”, hay còn gọi dưới cái tên là “các mẹ sồn sồn hồi xuân”.  Định kiến vừa hàm ý chế nhạo vừa đượm chút khinh bỉ này khiến nữ giới chối bỏ kỳ vọng của cơ thể họ, dẫm đạp lên khao khát của bản thân để giữ gìn danh vị xã hội mà họ đã có. Họ từ chối kết nối với cảm xúc tình yêu, cơ thể hay mong muốn với bạn đời. 

Không kết nối với cảm xúc của bản thân còn thể hiện ở kỳ vọng muốn mình đủ gầy, đủ mập hay thường xuyên phải thay đổi hình dáng cơ thể để chiều lòng cảm giác mà thế giới dòm ngó mình. Ví dụ, khi bạn tìm mọi cách giảm cân mà không chịu lắng nghe các loại thuốc giảm cân đang làm hại bao tử bạn. Hoặc tìm mọi cách tăng cân mà không chú ý tới hàm lượng dinh dưỡng vừa đủ cho cơ thể, hay cơ thể mình cân nặng như vậy là ổn, mà chỉ một mực khao khát chạy theo một mẫu số đo nào đó đang được tâng bốc, ca ngợi trên các kênh thông tin bạn theo dõi. 

Dù tìm cách tăng cân hay giảm cân, thì có lẽ ít phụ nữ chú ý tới một điểm đó là: bạn có còn thấy khỏe mạnh khi tham gia vào quá trình đó không? – Nếu bạn bị đau bụng thường xuyên, nếu bạn ói mửa vì giảm cân, nếu bạn chán ăn, nếu bạn thấy kiệt sức khi làm việc, thì toàn bộ mục tiêu của tất cả những thứ trên đều không còn đúng đắn nữa. Nhưng có nhiều bạn nữ vẫn không lắng nghe phần này của cơ thể, vì họ đã mất kết nối với thân thể mà chỉ còn kết nối với kỳ vọng từ bên ngoài. 

Coi nhẹ giá trị và sự thương tổn của bản thân 

Nếu một cô gái bị chồng đánh, chạy về nhà cha mẹ, cha mẹ cô có thể đuổi cô trở lại nhà chồng, vì cô là “món hàng” thuộc về chồng mà cha mẹ đã gả đi. Chuyện này xảy ra với người tôi biết. Và cô gái không có cách nào tự bảo vệ thân thể. Nhưng nguy cơ bị đánh đập chỉ nằm trên bề nổi, thứ nằm dưới sâu là chính cô dần tin rằng cô đã làm sai điều gì đó, cô không có giá trị, cô gây ra phiền hà. Cô từng giải thích có lẽ việc cô bị đánh là đúng. Khi coi cơ thể mình là đồ vật, phụ nữ sẽ có xu hướng xếp hạng nó với các loại đồ vật khác, ví dụ con A có ngực bự hơn, nó là món hàng ngon hơn mình, bà B không có cơ thể hot bằng mình. Nhiều phần khác nhau trong cuộc sống cũng bị đem ra đo đếm vì phần không coi trọng cơ thể đó. 

Sẽ có rất nhiều hệ lụy xảy ra không chỉ với cơ thể của bạn nữ khi bạn lớn lên và không học cách kết nối và trân trọng nó. Tiếc thay, điều này thường bị coi nhẹ, và nhất là bị các bà mẹ coi nhẹ. Những bà mẹ có xu hướng bị đánh đập, coi thường trong gia đình cũng sẽ quen dạy con gái họ phải nhẫn nhịn, chấp nhận và là vật phẩm thuộc về người khác. Ngay cả những bà mẹ bình thường cũng thoải mái hơn trong việc chấp nhận con trai làm trò gì nó thích, còn sẽ nhắc nhở con gái phải thuộc về một cái khuôn phép nào đó do họ được truyền đạt lại hoặc do xã hội giáo dục họ từ khi làm phụ nữ. 

Thân thể của người phụ nữ nhiều khi không mất đi do đàn ông, mà do chính những người phụ nữ khác tước đoạt dần từng mảnh trong quá trình sống của họ với nhau. 

Tôi đã gặp những người đàn ông coi chuyện kết hôn với một bạn gái đã có con là bình thường. Thậm chí anh và bạn nhỏ có thể làm bạn hòa thuận. Nhưng mẹ anh [một người phụ nữ khác] sẽ phản đối tới cùng cuộc hôn nhân. Hoặc mẹ cô gái [một người phụ nữ khác] sẽ liên tục nhắc cô rằng phẩm giá của cô giờ đã rất thấp kém, cô nên chấp nhận dù người đàn ông có cùi bắp tồi tệ ra sao. 

Đó là cách nữ giới tước đoạt thân thể của nhau. 

Hãy cẩn thận. 

Khải Đơn

===

Mời tác giả một tách cafe

Nếu bạn thấy thích bài viết, bạn có thể comment về các chủ đề bạn muốn tôi viết ở bên dưới. Tôi sẽ tìm hiểu và viết. Cảm ơn bạn đã theo dõi trang viết của tôi.

$2.00

Advertisement

4 bình luận về “Thân thể của mình là của ai?

Add yours

  1. Mỗi người là một cá thể độc lập và giá trị riêng. Thân thể của mình là thuộc về của chính mình chứ không phải ai khác.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Blog tại WordPress.com.

Up ↑

%d người thích bài này: